Những kiểu lập ngôn “lật sử”, “giải thiêng”
“Nếu Nam Bộ không nổ súng chống Pháp”, “Nếu Cụ Hồ không kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Nếu miền Nam Việt Nam có sự hiện diện của người Pháp”, “Nếu Việt Nam không thống nhất”... những mệnh đề mang tính giả thiết ấy là kiểu lập ngôn nhằm dẫn dụ thế hệ trẻ đến với lối tư duy “lật sử”, “giải thiêng” của những phần tử cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị. Họ dựa vào độ lùi ngày càng sâu, càng xa của lịch sử để tìm mọi cách làm lu mờ giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc, lập lờ về bản chất, đánh tráo khái niệm nhằm “tẩy não” thế hệ trẻ Việt Nam.
Họ tạo cớ, cấu kết với các thế lực thù địch thực hiện những chiến dịch tuyên truyền phủ nhận quá khứ hào hùng của cha ông chúng ta, hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thay đổi hệ giá trị lịch sử-văn hóa dân tộc. Cùng với xuyên tạc lịch sử đất nước, họ ca ngợi chủ nghĩa tư bản với những giá trị khác nhau của nó nhằm lèo lái đời sống xã hội đi theo những hào nhoáng thức thời của đời sống vật chất, thúc đẩy lối sống hướng ngoại, thực dụng trong thế hệ trẻ Việt Nam, nhất là trong giới trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh... Nhìn nhận bản chất sâu xa của vấn đề, chúng ta càng thấy rõ, tất cả hình thức xuyên tạc lịch sử, âm mưu “lật sử”, “giải thiêng” ấy đều nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” căn bản và xuyên suốt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.
Kiểu lập ngôn lấp lửng như trên, thoạt nghe, thoạt đọc cứ ngỡ nó giống như trò chơi ngôn ngữ trong một gameshow giải trí, nhưng thực chất nó là một chiêu bài trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, tác động đến tư duy, đời sống tinh thần của công chúng. Nếu không kịp thời nhận diện, đấu tranh loại bỏ, nó sẽ gây hậu quả rất tai hại. Bởi, việc họ đặt ra những giả thuyết ấy chính là cái cớ để “giải thiêng”, phủ nhận lịch sử, một thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, văn hóa hiện nay.
Sau “nếu” là “thì”, đó là cặp từ biểu thị quan hệ “giả thiết-kết quả” quen thuộc trong tiếng Việt. Để phủ nhận ý nghĩa và bài học lịch sử của Nam Bộ kháng chiến trong lịch sử dân tộc, một số đối tượng, trong đó có cả văn sĩ, trí thức suy thoái tư tưởng chính trị, có tư tưởng cực đoan, bất mãn, chống đối Đảng, Nhà nước đã áp dụng kiểu lập ngôn này để thực hiện ý đồ xuyên tạc. Họ dẫn dụ rằng, nếu Nam Bộ không đứng lên chống Pháp thì đất nước giai đoạn sau đó sẽ không có sự chia cắt hai miền Nam-Bắc, dẫn đến chiến tranh kéo dài gây biết bao đau thương, chết chóc cho đồng bào?! Họ xuyên tạc, hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh vũ trang, giải phóng dân tộc.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Trọng Xuất (TP Hồ Chí Minh) trong quá trình nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ kháng chiến đã thẳng thắn lên án, bác bỏ những quan điểm sai trái đó. Ông viết: “Một số người tung ra luận điểm “tư tưởng Phan Châu Trinh cao hơn tư tưởng Hồ Chí Minh” (?). Luận điểm đó chính là nhằm chống lại Chủ nghĩa Mác-Lênin, mà họ gọi là “cách mạng bạo lực”. Từ quan điểm lệch lạc đó, một số người muốn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược... Nói cách khác, đó là sự đánh tráo khái niệm mà thâm ý là biện minh cho tội ác của thực dân, đế quốc đối với đất nước và dân tộc ta, là sự phản bội trắng trợn công lao kháng chiến của dân tộc...”.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, một số đối tượng cực đoan, bất mãn với chế độ còn lấy thực tế tình hình chiến sự ở một số nước để so sánh, xuyên tạc bản chất các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của dân tộc ta. Họ “lật sử” bằng luận điệu rằng, trong bối cảnh lúc bấy giờ, Nam Bộ không cần nổ súng, toàn quốc không cần kháng chiến, thay vào đó là “chung sống hòa bình” với người Pháp để phát triển đất nước, tránh cho đồng bào, chiến sĩ những hy sinh, tránh cho đất nước sự tụt hậu do chiến tranh?!
Những luận điệu xuyên tạc, sai trái nêu trên được phát ngôn từ một số đối tượng bất mãn, có tư tưởng chống đối Đảng. Đáng tiếc, nó lại được một số người trong giới văn sĩ, trí thức hùa theo, tạo cớ để một số phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại có tư tưởng thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng, chống phá đất nước.
    |
 |
Quang cảnh trước chợ Bến Thành ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945). Ảnh tư liệu |
Sáng mãi biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Nhìn nhận hiện thực khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử trên cơ sở những luận cứ khoa học để tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử bất biến, trường tồn của Nam Bộ kháng chiến chính là cách để chúng ta đẩy lùi, đập tan những luận điệu xuyên tạc, phản động nêu trên. Gần 8 thập kỷ trôi qua, mốc son chói lọi của Nam Bộ kháng chiến vẫn luôn để lại những bài học vẹn nguyên tính thời sự. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Nam Bộ đã anh dũng, quật khởi đứng lên kháng chiến, làm nên một “Nam Bộ thành đồng” với những chiến công hiển hách và những giá trị lịch sử trường tồn, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần Nam Bộ kháng chiến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”.
Tại cuộc Hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến-ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945 / 23-9-2020), các nhà nghiên cứu với phương pháp luận biện chứng đã làm sáng tỏ thêm những bài học lịch sử và giá trị trường tồn của Nam Bộ kháng chiến. Bao trùm lên tất cả, đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, thống nhất muôn người như một, ý chí bảo vệ độc lập, tự do, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tinh thần quật khởi, ý chí, khát vọng bảo vệ độc lập, tự do của quân và dân “Nam Bộ thành đồng” đã khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” như Bác Hồ đã đúc kết. Quân và dân Nam Bộ đã hiện thực hóa lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư Gửi đồng bào Nam Bộ ngày 26-9-1945: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân”. Từ ngọn lửa Nam Bộ kháng chiến, cả dân tộc ta đã thổi bùng lên hào khí đấu tranh, toàn quốc kháng chiến trường kỳ, giành thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nam Bộ kháng chiến giúp chúng ta thấy rõ sức mạnh vô song của tinh thần đoàn kết, chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự đoàn kết, thống nhất của ý Đảng, lòng dân đã được lịch sử tôi luyện và kiểm nghiệm. Đó chính là chân lý, là lẽ phải mà toàn dân, toàn quân ta, cả dân tộc ta đã lựa chọn.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến là dịp để chúng ta khẳng định và làm sáng rõ hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị trường tồn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà Nam Bộ kháng chiến là một mốc son chói lọi. Khẳng định những giá trị lịch sử giúp mỗi cán bộ, đảng viên trau dồi nhận thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin son sắt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, với khát vọng dân tộc hùng cường. Đó cũng chính là những luận điểm, luận chứng, luận cứ khoa học và thực tiễn để cán bộ, đảng viên làm căn cứ đấu tranh phản bác âm mưu “lật sử”, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
NGUYỄN THẾ TRUNG