Khác với những năm trước, năm 1972, người dân Thủ đô tổ chức kỷ niệm 18 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) với tinh thần cảnh giác cao độ và lòng quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Lãnh đạo, chính quyền Hà Nội tập trung cao nhất cho việc chỉ đạo công tác phòng không nhân dân trên phạm vi toàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Kết, nguyên Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn kể với tôi: Hồi ấy, hai huyện Kim Anh, Đa Phúc thuộc tỉnh Vĩnh Phú, cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, nơi có sân bay quân sự Đa Phúc, cùng các điểm nút giao thông quan trọng và khu phi quân sự trọng yếu đều nằm trong tọa độ rải thảm của máy bay B-52. Quán triệt yêu cầu nhiệm vụ của trên, Huyện ủy Kim Anh, Đa Phúc đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện triệt để công tác phòng tránh và tổ chức sơ tán, được nhân dân chấp hành nghiêm túc. Một cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử đã diễn ra tại hai huyện này với hàng trăm nghìn người được sơ tán về các tỉnh: Bắc Thái, Hà Bắc và các địa phương trong tỉnh cách xa trọng điểm đánh phá của địch từ 20 cây số trở lên. Đối với những người có nhiệm vụ ở lại, tích cực chuẩn bị hầm hào trú ẩn bố trí bảo đảm thuận lợi nhất từ trong nhà, ngoài đường, trên đồng ruộng, nơi công sở...
Đến tháng 11-1972, thế trận phòng không liên hoàn đã sẵn sàng. Riêng địa bàn huyện Kim Anh, Đa Phúc có gần 500 khẩu pháo và súng máy, hơn 1 vạn tay súng bộ binh, tổ chức thành 71 trận địa phòng không tập trung, 457 tổ bắn máy bay bay thấp và 214 đài quan sát phòng không nhân dân như một “Thăng Long chiến địa” sẵn sàng cho cuộc quyết đấu với niềm tin tất thắng.
    |
 |
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi đêm 18-12-1972 tại cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Ảnh tư liệu |
Đêm 18-12-1972, từng hồi còi báo động vang lên. Tiếng nói dõng dạc, bình tĩnh của nữ phát thanh viên được truyền đi qua hệ thống loa phóng thanh: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 100 cây số. Các lực lượng vũ trang vào vị trí chiến đấu. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn...”. Từ các trận địa, những “con rồng lửa” bay lên sáng rực trời đêm. Các cỡ pháo cao xạ, súng bắn máy bay bay thấp cũng đồng loạt nhả đạn, trong tiếng máy bay gầm rú và bom rơi ầm ầm rung chuyển mặt đất... Cả Hà Nội bỗng sáng lòa từ ánh lửa của hỏa lực phòng không. Ngay sau đó, một tin vui làm nức lòng quân và dân Thủ đô: Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 (trận địa ở Cổ Loa, Đông Anh) đã bắn trúng chiếc B-52, rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh.
Trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, quân và dân hai huyện Kim Anh, Đa Phúc đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch. Song trên địa bàn hai huyện, đế quốc Mỹ đã ném xuống hơn 5.540 quả bom tấn, cùng 78 thùng bom bi với hơn 30.000 quả; 600 quả bom xuyên; bắn hàng chục quả tên lửa... làm chết hơn 370 người. Thiệt hại nặng nề nhất là thôn Ninh Kiều, xã Tân Dân, huyện Kim Anh, hàng trăm người chết, hơn 300 ngôi nhà bị san phẳng. Bình quân mỗi người dân nơi đây phải gánh chịu 150kg bom đạn của kẻ thù.
Biến căm thù thành sức mạnh, quân và dân ta đã làm nên một “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải cay đắng thừa nhận: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, lực lượng máy bay B-52 của Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ đã vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu quả đến như thế...
NGÔ VĂN HỌC