Thực hiện kế hoạch, Đại đội trưởng Phạm Duy Đãi và trinh sát xuống cùng đồng chí Sáu Hương, Thành ủy viên nắm tình hình địch, tổ chức làm thêm công sự bí mật tại xã Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng), chuẩn bị thuyền cho đơn vị tổ chức vượt sông. Mọi công tác bảo đảm vật chất, biên chế tổ chức, huấn luyện bổ sung theo phương án tác chiến và chỉ huy bộ đội hành quân do tôi đảm nhiệm.
Đêm thứ nhất, Đại đội 1 hành quân từ Lộc Tân thuộc vùng B Đại Lộc (Quảng Nam) xuống giấu quân tại xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam). Ngay tối hôm đó, tôi tổ chức họp và phổ biến kế hoạch hiệp đồng, lấy ý kiến dân chủ nhằm giải quyết mọi vướng mắc, xây dựng quyết tâm chiến đấu.
Tối 28-6-1965, Đại đội hành quân vào thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam (Điện Bàn, Quảng Nam) và ở lại đây một ngày. Tối 29-6, đơn vị tiếp tục hành quân ra xã Hòa Phụng, huyện Hòa Vang. Mặc dù tình huống xảy ra đều được chỉ huy đơn vị dự kiến trong phương án hành quân nhưng thực tế không thể diễn ra như vậy. Thoạt đầu, chúng tôi tổ chức thu quân để hành quân thì một đồng chí mũi trưởng đi lạc vào chỗ tập kết. Do đó, đội hình quá giờ hiệp đồng nên xã đội và du kích đi đón bỏ về hết. Tổ dẫn đường bắt liên lạc không được. Du kích thấy quân ta đông, tưởng quân Mỹ đi lùng đã nổ súng nhầm và lánh đi nơi khác. Nghe tiếng súng, tôi đoán là súng của du kích nên trực tiếp vào làng bắt liên lạc. Nhân dân cũng cho là Mỹ-ngụy vào nên bất hợp tác.
Tình thế diễn ra như vậy liệu tiến hay lui? Tôi tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời: Chỉ có tiến chứ lui là lộ kế hoạch, hôm sau chưa chắc đã đánh được. Tôi liền ra lệnh cho trinh sát, liên lạc dẫn đơn vị theo hướng có đèn điện sáng của sân bay Đà Nẵng, phải cắt đường mà tiến. Vì nếu hành quân chậm thì bộ đội phải nằm ngoài đồng ruộng Hòa Phụng ban ngày. Bộ phận tiền trạm do Đại đội trưởng Phạm Duy Đãi phụ trách nghe súng nổ cũng cắt đường theo hướng có tiếng súng để bắt liên lạc. Hai bên gặp nhau tại vùng giáp ranh Hòa Lân và Hòa Phụng lúc trời hửng sáng.
Tình huống thứ hai tiếp tục xảy ra cũng ngoài dự kiến. Khoảng 5 giờ 30 phút đến 6 giờ, trước mặt chúng tôi là một cánh đồng rộng mênh mông. Trên trời, chiếc máy bay L-19 của địch quần lượn từ sân bay quanh cánh đồng Hòa Phụng. Trong khi đó, bộ đội ta đang đi giữa cánh đồng, đơn vị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trước tình thế hiểm nghèo, tôi hét to: “ĐKZ, cối để tại chỗ! Toàn đơn vị cấp tốc vượt qua khỏi cánh đồng vào làng phân tán có người đón”. Khẩu lệnh của tôi vừa dứt, hàng quân chuyển động như một con hổ rượt mồi lao nhanh vào làng. Chiếc máy bay cũng è è mấy vòng rồi mất hút. Lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Các mẹ, các chị đã phân công đưa anh em ta vào hầm bí mật. Còn các cụ già và một số thanh niên trai tráng mạnh khỏe hợp pháp ra đồng, kẻ gánh người gồng, lần lượt đưa vũ khí vào làng.
    |
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Kim Hùng (thứ ba, từ trái sang) trong một lần gặp mặt đồng đội. Ảnh: AN KHÁNH
|
Cả ngày hôm đó, tình hình vẫn yên tĩnh. Mặt trời vừa khuất núi, chúng tôi lên đường. Người nào cũng mặc mỗi chiếc quần xà lỏn và được hóa trang theo màu sắc. Chúng tôi đến bờ sông, được thuyền của dân lần lượt cập bến đưa sang sông. Khi đơn vị vừa bám vào mép đường thì có một đoàn xe quân sự chiếu đèn pha sáng quắc, chạy từ xã Hòa Cường (Hòa Vang) lên. Chờ xe qua, ta tiếp tục vượt đường, băng qua cánh đồng Khuê Trung, vượt làng, bám hàng rào sân bay.
Trên hướng mũi 1-mũi thọc sâu, Mũi trưởng Phạm Văn Lãng bí mật mở rào, dò gỡ mìn lọt vào trung tâm. Mũi bên trái, ta lót vào đánh lô cốt trái và vào trong đánh máy bay. Còn hai khẩu cối lấy phần tử bắn vào sở chỉ huy và máy bay đậu xa, hai khẩu ĐKZ nhằm vào hai bãi đậu máy bay. Tất cả sẵn sàng chờ lệnh. Không khí lúc này như đặc quánh. Mỗi tiếng thở phập phồng của bộ đội cũng sợ địch phát hiện. Các mũi cắt rào nhích lên từng tí một. Chốc chốc, xe lính, chó béc-giê đi tuần qua, ta phải dừng lại. Toàn đội hình tiến như con sâu đo. Lính trên vọng gác vẫn cứ bắn đì đùng cầm canh.
Đến 21 giờ, ta vẫn chưa cơ động hết đội hình vào sân bay. 24 giờ ngày 29-6, đội hình mũi 1 mới vượt khỏi rào, qua đường băng trung tâm, nơi máy bay đậu nhiều. Phía ngoài, cối, ĐKZ đã lấy phần tử xong, sẵn sàng chờ lệnh. Trước giờ G khoảng 15 phút, Mũi trưởng mũi thọc sâu Phạm Văn Lãng đã chủ động hướng dẫn từng chiến sĩ cách đặt chất nổ, bắn tiểu liên, vì các đồng chí này mới huấn luyện ở miền Bắc vào còn thiếu kinh nghiệm.
Đúng giờ G, ngày 30-6-1965, đồng chí Lãng dùng chất nổ đánh phá một máy bay vận tải. Tiếng nổ vang dội cũng chính là hiệu lệnh cho toàn trận đánh. Cối, ĐKZ thi nhau nhả đạn. Các chiến sĩ xông lên xả từng loạt tiểu liên, ném thủ pháo liên hồi vào các mục tiêu đã xác định. Sân bay Đà Nẵng ngập chìm trong lửa đạn. Máy bay, kho xăng cháy... tạo nên những cột khói ngút trời. Đồng thời, nó cũng tạo thêm ánh sáng để quân ta đánh đúng, đánh trúng và lui quân đúng cửa mở. Tôi phát tín hiệu lui quân. Tiếng nổ giảm dần và hết. Địch sống sót trong sân bay chỉ bắn vu vơ. Ta nhanh chóng đưa anh em thương binh ra khỏi sân bay. Lúc này, ĐKZ, cối đều hết đạn. Mặc dù nòng súng còn nóng nhưng chúng tôi vẫn thu pháo vác về chứ không phá pháo, lui quân như phương án.
Sau 20 phút chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, phá hủy 59 máy bay, 50 xe quân sự và 2 giàn tên lửa. Ta có 3 đồng chí bị thương, trong đó có Mũi trưởng Phạm Văn Lãng và một đồng chí lạc đơn vị. Sau chiến thắng này, đồng chí Phạm Văn Lãng được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Lành vết thương, đồng chí Lãng vào Đà Nẵng sống hợp pháp. Ngày 26-8-1966, đồng chí đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong khi mang bộc phá đánh khách sạn Mụ Mai, đường Hoàng Văn Thụ, làm chết và bị thương hàng chục lính Mỹ, ngụy.
NGUYỄN SỸ LONG (Ghi theo lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Kim Hùng (1930-2011), nguyên Trưởng phòng Đặc công, Quân khu 5).