Những năm đầu thành lập, Trung đoàn 4 được giao nhiệm vụ: Lập tuyến phòng ngự vững chắc bảo vệ vùng giải phóng, giữ đất, giữ dân; kịp thời giáng trả những hành động khiêu khích của địch hòng phá hoại Hiệp định Paris; tổ chức các hoạt động địch vận; hỗ trợ nhân dân vùng địch chiếm đóng, nổi dậy làm tan rã hệ thống kìm kẹp của ngụy quân, ngụy quyền; đồng thời xây dựng thế trận chủ động sẵn sàng tiến công tiêu diệt địch khi có thời cơ, mở rộng vùng giải phóng thuộc 3 huyện Bắc Thừa Thiên: Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà...

Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Cao Lưu, nguyên Tham mưu trưởng Đoàn KT-QP 4 kể: “Ngày ấy, địa bàn mà Trung đoàn chốt giữ là một thung lũng. Ở đây, địch tổ chức các cụm chốt liên hoàn hòng khống chế, ngăn chặn ta tiến xuống Đường số 1 và xuống đồng bằng. Để bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, từ đầu mùa khô 1973-1974, Trung đoàn đã tổ chức một số trận phản kích đánh địch lấn chiếm. Điển hình là trận chiến đấu của Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 bảo vệ vùng giải phóng từ Bắc sông Bồ đến Nam sông Ô Lâu vào tháng 10-1973. Sau 3 ngày chiến đấu, Đại đội 10 đã bảo vệ được vùng Cổ Bi - Thanh Tân - Sơn Quả (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền); bắn cháy 1 xuồng máy của địch, tiêu diệt 30 tên, thu 20 súng AR-15, 1 máy thông tin. Với chiến thắng này, Đại đội 10 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu”.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 giúp dân trồng lúa nước. Ảnh: HOÀNG TRUNG 

Sau đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 tích cực huấn luyện, chiến đấu, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng Trị Thiên-Huế, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn 4 dồn sức cùng quân và dân Trị Thiên-Huế khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Trung đoàn 4 trong đội hình Sư đoàn 337-Đoàn Khánh Khê, làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Đến năm 2002, thực hiện chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng của Đảng, Trung đoàn 4 chuyển thành Đoàn KT-QP 4, làm nhiệm vụ trên địa bàn 8 xã của hai huyện biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong (Nghệ An).

Thượng tá Lương Hải Kiên, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 4 nhớ lại: “Hồi ấy, toàn đơn vị phải đi bộ, vạch rừng, lội suối để đến nơi đóng quân. Vượt qua mọi khó khăn, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp từng bước ổn định tổ chức, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp làm việc; phối hợp với các lực lượng phòng gian, truy quét tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Song song với đó, bộ đội Đoàn KT-QP 4 còn học tiếng dân tộc, đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động đồng bào định canh, định cư; thay đổi những hủ tục như đốt rừng làm rẫy không tái trồng cây thuốc phiện; tránh xa các tệ nạn xã hội; nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình kinh tế để giúp đồng bào ổn định sinh kế và vươn lên làm giàu”...

Hơn 20 năm qua, Đoàn KT-QP 4 đã xây dựng nhiều công trình, thực hiện các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, với 39 dự án, mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Đến nay, Khu KT-QP Kỳ Sơn do Đoàn triển khai đã thực hiện ở 11 xã thuộc 3 huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương (Nghệ An). Trong khu KT-QP đã bảo đảm tốt cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; đồng bào canh tác, nuôi trồng nhiều giống cây-con có giá trị kinh tế cao. Những nỗ lực của Đoàn KT-QP 4 đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng “thế trận lòng dân” miền biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An vững mạnh, làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

HOÀNG TRUNG CÔNG