Cuộc “hành quân lịch sử”

Đón chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thành Lê, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Với quy mô xây dựng trên diện tích 38,66ha ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, cùng ý tưởng xây dựng bảo tàng trong công viên, đa dạng về hình thức thể hiện cũng như phương pháp tiếp cận, dự kiến sau khi hoàn thành các hạng mục và công trình phụ trợ, Bảo tàng sẽ trở thành một thiết chế văn hóa đa năng, có quy mô lớn, hiện đại, phản ánh toàn diện, có hệ thống về lịch sử quân sự Việt Nam qua các thời kỳ”.

Nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đứng chân ở địa chỉ 28A Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội) vốn được tận dụng doanh trại cũ của quân đội Pháp trước đây để lại, đã cải tạo và sửa chữa nhiều lần nên thiếu quy hoạch tổng thể, không gian bị chia cắt, nội dung trưng bày bị hạn định, nên chưa phản ánh được đầy đủ và ngang tầm với bề dày lịch sử quân sự Việt Nam. “Từ đầu thập niên 2010, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Bảo tàng và tiến hành chỉ đạo, nghiên cứu xác định quy mô, địa điểm cũng như nội dung trưng bày, hình thức, giải pháp thực hiện. Vậy nhưng, để đến lúc được các cấp phê duyệt Đề cương chính trị, Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng và chính thức đi vào triển khai thi công đồng bộ các hạng mục từ năm 2022 đến nay là cả quá trình nỗ lực, vượt khó của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng”, Thượng tá Nguyễn Thành Lê nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: THỦY TIÊN

Hiện với hệ thống trưng bày đa dạng trong không gian gần 30.000m2, từ khu vực ngoài trời đến tiền sảnh, đại sảnh và các phòng trưng bày theo chủ đề, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng hàng nghìn hiện vật. Ví như ngay từ khi bước vào khuôn viên Bảo tàng, du khách sẽ ấn tượng với tháp Chiến thắng cao 45m cùng các hiện vật vũ khí khối lớn ngoài trời như: Xe tăng T-34, T-54, hay các loại máy bay C-130, A-37, F-105, trực thăng vận tải CH-47, “vua chiến trường” pháo 175mm... “Ngoài các hiện vật đã được bảo quản, gìn giữ từ trước đến nay ở Bảo tàng thì rất nhiều hiện vật được cán bộ, nhân viên Bảo tàng cất công sưu tầm từ các đơn vị, bảo tàng của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng trong toàn quân và có hiện vật được di chuyển từ miền Nam ra mất rất nhiều công sức. Đó là trường hợp của cuộc “hành quân lịch sử” đưa máy bay C-130 về Bảo tàng”, Thượng tá Nguyễn Thành Lê cho biết.

Những điều anh Lê nhắc đến khiến tôi nhớ tới câu chuyện với Thượng tá Phạm Vũ Sơn, Trưởng phòng Sưu tầm ít phút trước đó. Anh Sơn là một trong những thành viên trực tiếp giám sát, hiệp đồng với các đơn vị để vận chuyển máy bay C-130 với quãng đường 1.800km (tính cả đường vòng tránh) từ Nhà máy A41 (Quân chủng Phòng không-Không quân) về Bảo tàng.

Là một trong những chiến lợi phẩm ta thu được của quân đội Mỹ trong chiến tranh, máy bay C-130 nặng hơn 34 tấn, có sải cánh hơn 40m, chiều dài thân hơn 30m, cao gần 12m. Do đó, khi ở địa điểm cũ, Bảo tàng không có điều kiện trưng bày, bảo quản. đến khi công trình Bảo tàng được hoàn thành, các cấp mới quyết định đưa ra miền Bắc. Anh Sơn nhớ lại: “Khi di chuyển, các đơn vị chức năng đã phải tháo rời các bộ phận để chở bằng 5 xe rơ-moóc siêu trường, siêu trọng. Xe lớn nhất chở thân máy bay 7 tấn, dài hơn 30m. Hai xe khác chở hai sải cánh và 4 động cơ. Cánh đuôi, càng, lốp và cấu kiện nằm trên hai xe còn lại. Đoàn xe hơn 10 chiếc vận chuyển, hộ tống C-130 ra Hà Nội tối 11-10-2023. Trên đường đi, đoàn phải tính toán rất cẩn thận lộ trình vì phải tìm đường vòng tránh trạm soát vé, cầu không chịu được tải trọng hay phải bố trí người tháo và lắp lại các biển, bảng giao thông khiến xe không qua được. Tính toán mọi yếu tố nhưng có những lúc đoàn cũng “toát mồ hôi” khi đi qua khúc cua hay đèo có độ dốc lớn vì dễ mất an toàn. 9 ngày sau, vào tối 20-10, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm khi đưa được hiện vật về tới Bảo tàng”.

Kể câu chuyện lịch sử bằng công nghệ

Theo chân Trung tá QNCN Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tuyên truyền-Giáo dục, chúng tôi đi tham quan 6 chủ đề trưng bày theo tiến trình lịch sử quân sự từ thuở dựng nước đến ngày nay. Chị Hương cho biết: “Bảo tàng được ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: Sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audio guide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật... Thể hiện câu chuyện lịch sử bằng công nghệ để công chúng tiếp cận với lịch sử chân thực, dễ hiểu, gần gũi nhất là những điều chúng tôi tâm huyết”.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: THỦY TIÊN

Để đứng trước mỗi tổ hợp trưng bày hay sa bàn minh họa, khách tham quan có ấn tượng chân thực nhất, ngay từ khi triển khai trưng bày, Bảo tàng đã thành lập các nhóm nghiên cứu và giao trọng trách cho mỗi chủ đề tài. Trung tá QNCN Nguyễn Thị Lan Hương có nhiều kỷ niệm khi được giao chủ đề tài giai đoạn chống thực dân Pháp từ năm 1945 đến 1954. Vừa phải nghiên cứu thực địa, viết lời minh họa để các nhà thầu hiểu rõ ý tưởng cũng như bám sát mọi hoạt động thi công ngay từ lúc bắt đầu triển khai thực hiện là vô vàn “đầu việc” của chị Hương khi đó. “Từ giữa năm 2023, tôi đã thường xuyên phải có mặt ở Bảo tàng cùng các bên triển khai những công đoạn thi công trưng bày. Có nhà thi công nước ngoài chưa hiểu được lịch sử của ta, có bên lại chưa hiểu được ý tưởng của chủ đề tài... Vậy nên không tránh khỏi có những lúc phải làm đi làm lại nhiều lần”, chị Hương kể.

Nói rồi chị Hương dẫn chúng tôi đến tổ hợp trưng bày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” về 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm 1946-1947. Nhìn hình ảnh chợ Đồng Xuân, những mái tường rêu bong tróc, những hoành phi, câu đối... gãy đổ và hình ảnh các chiến sĩ tự vệ đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tôi cũng như khách tham quan đều có chung một cảm giác rưng rưng xúc động. Chị Hương bộc bạch: “Phải làm sao để khi tham quan tổ hợp này, công chúng sẽ thấy, trong những ngày tháng ấy, Hà Nội đã thực sự trở thành một thế trận với mỗi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ. Trong 60 ngày đêm quyết tử, người Hà Nội sẵn sàng hy sinh những gì thiêng liêng nhất, nhà sẵn sàng đập thông, tài sản thì mang ra đường phố để làm chiến lũy ngăn bước tiến của quân xâm lược. Để lên được những hình ảnh như các bạn đang thấy là một quá trình vô cùng kỳ công viết lời giới thiệu, minh họa, chọn hiện vật và cả... giải thích, thuyết phục bên thi công nước ngoài hiểu được ý tưởng của mình”.

Hay việc làm không gian trải nghiệm sa bàn 3D mapping về Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với chị Hương và các cộng sự. Với nhiều lớp đồ họa mô phỏng diễn biến của chiến dịch, kết nối nhiều máy chiếu video 3D, đồng bộ giữa tư liệu hình ảnh và diễn biến trận đánh cùng hệ thống sa bàn, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ nội dung của Bảo tàng cũng như bên xây dựng phần mềm, thi công. Không chỉ bàn bạc nghiên cứu nội dung, nhóm nghiên cứu còn trực tiếp lên Điện Biên Phủ nghiên cứu thực địa, xác định các địa điểm tiến công cũng như vũ khí, phương tiện... của ta và địch. Thực hiện kỳ công như thế bởi chị Hương và các cộng sự đã xác định, khi trải nghiệm ở không gian này, công chúng sẽ cảm thấy như được đứng ở lòng chảo Điện Biên Phủ, có cảm xúc theo diễn biến của từng trận đánh, từng đợt tiến công của chiến dịch.

leftcenterrightdel
 Du khách hào hứng chụp ảnh bên tổ hợp trưng bày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh: THỦY TIÊN

“Trong giai đoạn 2, Bảo tàng tiếp tục triển khai trưng bày 8 chuyên đề, 7 sưu tập, 12 chuyên ngành quân sự; phục dựng các công trình quân sự, khu di tích tiêu biểu như: Bãi cọc Bạch Đằng, làng chiến đấu Nam Bộ, Bắc Bộ hay trận địa pháo ở chiến trường Điện Biên Phủ, hệ thống đường Trường Sơn, địa đạo Củ Chi... hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm thật ấn tượng với công chúng. Với chúng tôi, gìn giữ lịch sử chính là cách giúp thế hệ hôm nay trân trọng quá khứ, nguồn cội, những cống hiến của thế hệ cha ông để sống thật đẹp và có ích trong tương lai”, chị Hương cho biết.

THU THỦY