Sinh thời, mỗi lần nói về Chiến dịch Tây Nguyên và trận then chốt Buôn Ma Thuột, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng say sưa nói về mưu kế chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh và Quân ủy Trung ương. Ông nói: Chiến dịch Tây Nguyên giỏi về mưu kế chiến lược. Trước hết, ta đã tạo được hình trận chiến lược nhọn hai đầu và hở ở giữa, ghìm địch hai đầu Nam-Bắc chiến tuyến. Năm 1974, ta thành lập Quân đoàn 4 ở Tây Ninh, đưa Quân đoàn 2 vào phía Tây Huế, còn Quân đoàn 1 ở Bắc sông Bến Hải. Địch sợ mất Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng nên tất cả lực lượng dự bị chiến lược của chúng như các sư đoàn dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ... phải giữ ở đó. Vì vậy, chúng hở ở giữa, tức là Tây Nguyên.

Đó là thế. Tiếp theo là thời cơ phá vỡ. Khi đã chắc ghìm địch ở hai đầu, ta tăng cường cho Tây Nguyên 2 Sư đoàn 316 và 968, cùng với Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 tạo nên lực lượng rất mạnh để phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên nhanh chóng.

Khi mưu kế chiến lược đã thành, ta thực hiện mưu kế chiến dịch: Ghìm địch ở đầu mạnh (Pleiku), phá ở đầu yếu (Buôn Ma Thuột). Muốn vậy, ta thực hiện nghi binh chiến dịch, đưa Sư đoàn 968 đánh thật mạnh ở Pleiku. Địch tập trung đối phó với Sư đoàn 968, bỏ hở Buôn Ma Thuột. Thế là 3 sư đoàn của ta đánh chiếm, giải phóng Buôn Ma Thuột một cách nhanh chóng.

leftcenterrightdel
 Bộ đội ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, năm 1975. Ảnh tư liệu

Để có mưu kế đó, tháng 4-1973, được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ trung tâm xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Tổ có 4 người do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tổ trưởng, các ủy viên gồm: Đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến; Lê Hữu Đức và Võ Quang Hồ đều là Phó cục trưởng Cục Tác chiến. Sau này, đồng chí Vũ Lăng vào Tây Nguyên giữ cương vị Tư lệnh mặt trận, Phó tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên; đồng chí Lê Hữu Đức lên làm Cục trưởng Cục Tác chiến.

Nội dung nghiên cứu của Tổ trung tâm gồm 5 vấn đề lớn, trong đó, việc chọn hướng tiến công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy là khó khăn nhất, đau đầu nhất đối với các thành viên. Đó cũng là nội dung mà các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trăn trở nhiều, tranh luận thẳng thắn, lắng nghe nhau để đi đến thống nhất.

Chính vì thế mà Tổ trung tâm phải xây dựng dự thảo đến 8 lần. Ngay từ dự thảo đầu tiên, Tổ đã kiến nghị hướng tiến công chủ yếu của cuộc tổng tiến công là Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột. Nhưng quá trình nghiên cứu, có lúc nghiêng về tổng khởi nghĩa thì mục tiêu chủ yếu là các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, còn Tây Nguyên và Quân khu 5 trở thành hướng phối hợp. Đó là dự thảo lần thứ ba và thứ sáu. Nhưng cũng có lúc là tổng khởi nghĩa, tổng công kích đi đôi với kế hoạch “giành thắng lợi ở miền Nam vài ba năm” thì mục tiêu số một vẫn là Sài Gòn, nhằm tiêu diệt 3 sư đoàn địch, tạo điều kiện tiến công và nổi dậy đồng loạt ở Sài Gòn. Thế nên ở Tây Nguyên hồi đó, trong 5 tháng phải thay đổi 3 nhiệm vụ.

Cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975 thông qua bản dự thảo cuối cùng với 3 phương án, thống nhất quyết định phương án 1: Tổng tiến công thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược đi trước một bước, tích cực thúc đẩy nhanh chóng, tạo điều kiện nổi dậy ở các thành phố trung tâm, phối hợp tổng tiến công và tổng khởi nghĩa thắng lợi. Lúc bấy giờ, vấn đề Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột được đề cập trở lại và đi đến quyết định cuối cùng.

Không riêng gì Tổ trung tâm mà cuối năm 1974, khi Bộ Tổng Tư lệnh gợi ý: Nếu năm 1975 ta đánh lớn ở Tây Nguyên thì mục tiêu nào là chủ yếu, Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên trả lời là nên chọn Buôn Ma Thuột. Như vậy, trận mở màn Buôn Ma Thuột là sự gặp gỡ giữa chỉ đạo chiến lược với chỉ đạo chiến trận, giữa chiến lược và chiến dịch.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến (mất tháng 11-2024) đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3. Ông là người chấp bút cho Tư lệnh Vũ Lăng, Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước và Bộ tư lệnh chiến dịch soạn thảo kế hoạch tác chiến, trong đó có kế hoạch nghi binh đánh lừa địch (bản kế hoạch này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Ông kể với Đại tá Trần Tiến Hoạt, nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự: “Sau khi nhận nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch nghi binh chiến dịch, chúng tôi căn cứ vào nhiệm vụ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao cho Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên lần thứ ba (giữa tháng 1-1975), đó là đánh thiệt hại nặng Quân đoàn 2 ngụy, giải phóng 3 tỉnh: Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột. Từ đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh chiến dịch, chúng tôi thiết lập phương án nghi binh, sử dụng Sư đoàn 10 và một số đơn vị kỹ thuật đứng chân ở Kon Tum “mở chiến dịch tấn công Bắc Tây Nguyên”, mục tiêu chính là Kon Tum; “Sư đoàn 320A” đánh mạnh Đồn Tầm, Thanh An, Thanh Bình, Đường 5A, 5B, áp sát Pleiku; Trung đoàn 95A đánh cắt Đường 19; Trung đoàn Công binh 7 sử dụng 1 tiểu đoàn mở tiếp ra phía Đông Nam thị xã Kon Tum để xe cơ giới vận chuyển lương thực và đạn; Trung đoàn Pháo binh 40 làm một số trận địa pháo giả... Kết quả công việc được các tổ máy vô tuyến 2W báo về sở chỉ huy các cấp nhưng cố tình để cho địch bắt được. Trong khi đó, từ cuối tháng 12-1974 đến đầu tháng 1-1975, các lực lượng chủ yếu của chiến dịch như Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 bí mật hành quân vào Tây Đắk Lắk, còn các bộ phận nghi binh vẫn tiếp tục ở lại, duy trì đều đặn các công việc được phân công.

Giữa tháng 1-1975, Bộ Tổng Tư lệnh điều động Sư đoàn 968 ở Hạ Lào về Tây Nguyên nhận địa điểm tác chiến của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 di chuyển vào Nam Tây Nguyên; điều Sư đoàn 316 ở Nghệ An vào Nam Tây Nguyên. Để đánh lạc hướng địch, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị hành quân vào cài thế ở khu vực Đắk Lắk tuyệt đối không được dùng vô tuyến điện để chỉ huy, liên lạc; cho Sư đoàn 968 mang mật danh “Bộ tư lệnh Mặt trận B3” chỉ thị cho các đơn vị thế chân Sư đoàn 10 và 320A ở Kon Tum, Gia Lai đẩy mạnh hoạt động chuẩn bị chiến trường như trinh sát làm trận địa pháo, củng cố công sự trận địa... Với vai trò là “Bộ tư lệnh Mặt trận B3”, các chỉ huy chủ chốt của Sư đoàn 968 còn cho tăng dày các phiên liên lạc bằng vô tuyến điện chỉ đạo “Sư đoàn 10” ở Bắc Kon Tum và “Sư đoàn 320A” ở Tây Pleiku đẩy mạnh công tác chuẩn bị chiến dịch. Với tần suất liên lạc của mạng thông tin vô tuyến điện của Sư đoàn 968 và hệ thống thông tin của hai Sư đoàn 10 và 320 để lại nguyên vẹn, càng làm cho Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy tin chắc mục tiêu tiến công của Quân Giải phóng trong mùa Xuân 1975 là Bắc Tây Nguyên.

leftcenterrightdel

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (bên phải) và Trung tướng Khuất Duy Tiến,

những cán bộ chỉ huy tham gia Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975. Ảnh: QUANG TUYẾN 

Để củng cố thêm nhận định sai lầm của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 968 đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên các hướng được giao. Từ ngày 28-2 đến 2-3-1975, các đơn vị của Sư đoàn 968 đánh chiếm các dãy điểm cao Chư Kara, Chư Gôi, 605, Đồn Tầm, Chốt Mỹ, uy hiếp Thanh Bình và quận lỵThanh An, pháo kích vào Hàm Rồng, sân bay Cù Hanh (Pleiku)... Trước hành động ráo riết của ta trên hướng Tây Pleiku và xung quanh Kon Tum, cùng với việc lùng sục phía Bắc Buôn Ma Thuột và phía Tây Đường 14 vẫn không phát hiện được Sư đoàn 320A và các lực lượng của ta, buộc Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy phải điều quân từ Thuần Mẫn (Đắk Lắk) về Pleiku (Gia Lai). Cho đến ngày cận kề chiến dịch, chủ lực của Quân đoàn 2 ngụy vẫn bị ta giữ chặt ở Bắc Tây Nguyên. 4 giờ ngày 10-3, khi hay tin xe tăng và bộ binh Sư đoàn 316 cùng các đơn vị phối thuộc đã tràn vào Buôn Ma Thuột, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú mới biết Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính của chiến dịch.

Như vậy, trong Chiến dịch Tây Nguyên, bằng nghệ thuật quân sự thông minh, sáng tạo, ta đã thành công trong việc cài thế lực lượng, nghi binh đánh lừa địch, tạo ưu thế có lợi trong quá trình điều hành tổ chức tác chiến chiến lược, kết thúc chiến dịch trong thời gian ngắn nhất, mở ra cục diện mới để quân và dân ta tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

HỒNG SƠN