Sinh ra và lớn lên tại huyện Lục Ngạn, năm 1948, khi mới 16 tuổi, người thanh niên Thân Văn Nhã nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 174. Chưa đầy một tuổi quân, ông được lựa chọn vào đội hình 2.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.

Năm nay ông 92 tuổi, tuy sức đã yếu đi nhưng khi nhắc đến Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, đôi mắt người cựu chiến binh từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lại ánh lên niềm tự hào. Ông kể cho chúng tôi nghe: “Trung tuần tháng 4-1949, chúng tôi được giao một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giúp cách mạng Trung Quốc đánh đuổi quân Tưởng, giải phóng biên khu 3 tỉnh: Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông. Lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đang trong giai đoạn cam go, ác liệt. Pháp cho quân chiếm đóng các tỉnh dọc biên giới từ Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến tận tỉnh Hải Ninh. Bên nước bạn, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đang đà thắng lợi, giải phóng được vùng Hoa Bắc, Hoa Trung rộng lớn. Tuy nhiên, phía Hoa Nam tiếp giáp với Việt Nam thì lực lượng quân Tưởng khá mạnh, trong khi đó, cơ sở cách mạng và lực lượng của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc còn mỏng. Theo đề nghị của bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lực lượng sang giúp bạn.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng ông Thân Văn Nhã. Ảnh: Vân Anh

Thập Vạn Đại Sơn là dãy núi non trùng điệp, ngăn cách giữa hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, địa hình hiểm trở vô cùng. Ông Nhã kể: “Lúc ấy, trang bị của bộ đội ta còn thiếu thốn lắm, vũ khí thô sơ và nhiều loại khác nhau. Đã vậy, đại đội có 4 trung đội thì một trung đội không có súng, phải dùng giáo mác nên gọi là “Trung đội giáo mác xung kích”. Trước ngày lên đường, bộ đội được học chính trị, quán triệt tinh thần, nhiệm vụ quốc tế cao cả; giữ vững phẩm chất và kỷ luật với 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân của Quân đội ta.

Khi sang đất bạn làm nhiệm vụ, lúc ấy, chúng tôi có hai điều ước: Một là được một bữa cơm no, ăn với muối cũng được; hai là được đi bộ dưới đồng bằng. Đơn giản vậy thôi mà khó lắm! Thế nhưng, dẫu đói khát, bộ đội ta không tơ hào của dân, không lạm dụng chiến lợi phẩm. Bộ đội vào bản làng, không ở nhà dân mà đóng quân trên đồi, gần đó là những vườn lê của dân-vốn dĩ luôn bị quân Tưởng sách nhiễu, cướp bóc. Vậy mà hôm sau khi quân ta rút đi, vườn lê vẫn nguyên vẹn. Những quả rơi rụng được bộ đội ta nhặt xếp gọn dưới gốc cây. Sau sự việc này, tiếng đồn về Bộ đội Việt Nam lan truyền rất nhanh trong nhân dân nước bạn. Từ đó, bộ đội ta đi đến đâu cũng được người dân nước bạn quý mến, cho vào nhà ở, thậm chí tháo cả cánh cửa kê cho nằm...”.

Kỷ niệm mà ông Nhã nhớ mãi, đó là trận đánh đầu tiên ở Trúc Sơn. Trận ấy, đơn vị ông hy sinh hơn 10 người. Khi đơn vị làm lễ an táng thì một bà mẹ chạy tới ôm lấy các linh cữu khóc thảm thiết, đại ý: “Các con Bộ đội Việt Nam ơi, sao các con lại chết? Các con tốt quá! Hôm qua còn lợp lại mái nhà, gánh nước về cho mẹ cơ mà!”. Nhìn cảnh tượng ấy, mọi người không cầm được nước mắt. Nhân dân nước bạn khen ngợi Bộ đội Việt Nam đánh giặc giỏi, kỷ luật nghiêm, tôn trọng, bảo vệ dân. Cuối tháng 9-1949, khi chính quyền cách mạng và LLVT của biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với Giải phóng quân Trung Quốc Nam Hạ, bộ đội ta được lệnh rút về nước. Lãnh đạo và nhân dân các vùng thuộc biên khu Việt Quế đến tiễn biệt hết sức quyến luyến.

Sau này, để ghi công và tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, năm 1956, tại Đông Hưng (Trung Quốc) đã xây dựng đài liệt sĩ, trên bia khắc dòng chữ: “Nhân dân Trung Quốc đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc”.

Sau khi về nước, người chiến sĩ Thân Văn Nhã tiếp tục chiến đấu trong đội hình Tỉnh đội Hải Ninh cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Tiếp đó, ông chuyển ngành, theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội và công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, rồi chuyển về Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Hà Bắc (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) cho đến lúc nghỉ hưu.

LÊ QUÝ HOÀNG