Nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” tại trận địa

Để tìm hiểu những chiến công của đơn vị, chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Đức Tình (91 tuổi), nguyên chiến sĩ Đại đội 806 (nay thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh)-Đại đội được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Tình nhớ lại: “Đêm 22-12-1953, từ Tuyên Quang, chúng tôi hành quân lên Điện Biên Phủ với tinh thần “tới đích đúng thời gian, bảo đảm an toàn người, xe, pháo và khí tài, bí mật tuyệt đối”.

Theo ông Tình, quãng đường hành quân rất vất vả, đường nhỏ, có lúc chỉ toàn đất, lúc thì đá lổn nhổn, nhiều cua gấp, lại phải đối diện với những trận mưa rừng dai dẳng. Vì quá mệt, có những lúc ông và đồng đội chỉ có thể hành quân bằng ý chí và nghị lực.

leftcenterrightdel
 Từ hầm pháo chờ giờ khai hỏa (ảnh chụp tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954). Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Khi được lệnh kéo pháo vào trận địa, lúc đầu, Trung đoàn sử dụng 20 chiến sĩ, tổ chức thành 2 dây kéo pháo. Càng lên cao, việc kéo pháo càng khó khăn, tốc độ cứ chậm dần. Mỗi khẩu pháo lại phải tổ chức thêm 2 dây nữa (thành 40 người), thậm chí có dốc cao phải huy động hàng trăm người. “Cuộc vật lộn với đèo cao, mưa trơn, địch đánh phá... khiến chiến sĩ ta gặp nhiều tổn thất. Nhưng chính trong gian lao, mệnh lệnh cứu pháo luôn được ưu tiên cao nhất. Đã có những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh để cứu pháo như đồng chí Nguyễn Văn Chức”, ông Tình cho biết.

Khi Trung đoàn sẵn sàng mọi mặt cho chiến đấu thì lại nhận lệnh kéo pháo trở lại vị trí tập kết. Việc kéo pháo ra còn nguy hiểm, gian khổ hơn kéo pháo vào, nhưng chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật chiến trường, Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra vị trí tập kết.

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, Đại đội 806 vinh dự bắn phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay trận đầu, bộ binh và pháo binh đã hiệp đồng chặt chẽ nên đến 23 giờ 30 phút, toàn bộ cứ điểm Him Lam đã bị tiêu diệt. “Kết thúc đợt 1 chiến dịch, Bộ đội Pháo binh vinh dự được đón nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vinh dự đó được trao cho Trung đoàn 45 và lễ đón nhận cờ được tổ chức ngay trên trận địa của Đại đội 806 chúng tôi. Đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục tham gia các trận đánh lớn vào đồi Độc Lập, sân bay Mường Thanh và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, ông Tình cho biết.

Nhiệm vụ vinh quang

“Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lữ đoàn lại đưa pháo đi các chiến trường, tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, lập được nhiều chiến công. Trong đó cuộc hành quân thần tốc lịch sử vượt gần 1.700km bằng xe xích, xe ô tô kéo pháo vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự nối tiếp những kỳ tích của Lữ đoàn”, Đại tá Trần Trung Kiên, Chính ủy Lữ đoàn chia sẻ.

Tiếp lời đồng đội, Đại tá Bùi Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng, cho biết thêm: “Phát huy truyền thống hai lần anh hùng, hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng kế hoạch huấn luyện sát thực tế, huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, theo giai đoạn, lấy huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm”. Là cái nôi của Phong trào “Pháo thủ toàn năng”, Lữ đoàn đặc biệt ưu tiên huấn luyện theo các phương án tác chiến, huấn luyện dã ngoại với cường độ cao, tăng cường huấn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sĩ. Từ năm 1992 đến nay, Lữ đoàn tổ chức gần 30 cuộc diễn tập có bắn đạn thật đều đạt giỏi và tuyệt đối an toàn, trong đó có các lần tham gia diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng, cơ động đường dài tiểu đoàn pháo với cự ly 400km, diễn tập tiếp nhận dự bị động viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều năm liền, Lữ đoàn được công nhận là “Đơn vị huấn luyện giỏi”, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh chủng. Năm 2021, Lữ đoàn được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2022, được nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 45 thực hiện nhiệm vụ bắn pháo lễ đón nguyên thủ quốc gia. Ảnh: ĐINH XUÂN TÙNG 

Cùng với huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, từ năm 2010 đến nay, Lữ đoàn 45 còn được trên giao nhiệm vụ huấn luyện, bắn pháo lễ phục vụ đối ngoại và những sự kiện trọng đại của đất nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã trực tiếp tham gia 5 đợt bắn pháo lễ đón các nguyên thủ quốc gia. Hiện nay, Lữ đoàn đang tổ chức luyện tập cho hai đội pháo lễ. Một đội đảm nhiệm bắn pháo lễ tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và một đội đảm nhiệm đón khách quốc tế. “Đây là nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng đầy áp lực, đòi hỏi người chiến sĩ phải có bản lĩnh, tâm lý vững vàng cùng sự tập trung cao độ khi thực hiện nhiệm vụ. Khi đại bác vang rền trên bầu trời, ít ai biết chúng tôi đã phải tính toán từng giây để truyền lệnh và thực hiện động tác. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Lữ đoàn xác định, phải luôn luôn “Tất Thắng” như danh hiệu Bác Hồ đã trao tặng đơn vị!”, Đại tá Bùi Anh Tuấn khẳng định.

THU HOÀI - MINH HUYỀN