Quan điểm của Hồ Chí Minh về tính chân thực của báo chí cách mạng
Hồ Chí Minh đã nói: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới” (1). Muốn thực hiện sứ mệnh đó, trước hết, người làm báo cung cấp cho người đọc lượng thông tin xác thực về các sự kiện, vấn đề, hiện tượng, con người xảy ra hằng ngày, hằng giờ trong đời sống xã hội nhằm định hướng dư luận và hành động của quần chúng nhân dân. Nếu nhà báo đưa thông tin sai lệch, người đọc sẽ hiểu sai, hành động sai và từ đó sẽ dẫn đến những thiệt hại to lớn về vật chất và tinh thần cho xã hội.
Nhu cầu về thông tin của quần chúng mang tính thường trực. Nếu báo chí thường xuyên cung cấp cho người đọc lượng thông tin lớn, chuẩn xác, người dân sẽ thường xuyên tìm đến báo chí như một kênh thông tin đáng tin cậy nhất. Ngược lại, chỉ đôi lần tiếp nhận các thông tin không chính xác, niềm tin của quần chúng vào báo chí của Đảng sẽ bị giảm sút. Vì thế, chân thực là tính chất đầu tiên của một sản phẩm báo chí đích thực và lòng trung thực là phẩm chất đầu tiên của một nhà báo chân chính. Theo Hồ Chí Minh, sự trung thực của một nhà báo trước hết phải thể hiện ở việc phải viết đúng sự thật. Người giải thích: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe” (2). Trong cuộc sống, sự thật chỉ có một nhưng phản sự thật thì muôn hình, vạn trạng. “Căn bệnh thành tích” sẽ dẫn đến “hội chứng tô hồng”, “có ít suýt ra nhiều” hay thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích. Để cảnh báo và nhắc nhở cán bộ nói chung và những nhà báo cách mạng nói riêng về việc không được vi phạm tính chân thực, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra các dạng thức của căn bệnh ba hoa và đề ra 5 giải pháp chữa thói ba hoa. Ngược lại với căn bệnh “tô hồng”, người làm báo cũng không được phép vì sự “bất mãn cá nhân” hoặc động cơ chính trị nào đó mà “bôi đen” hiện thực, làm quần chúng nhìn nhận vấn đề theo hướng tiêu cực. Đề cao tính chân thật, Hồ Chí Minh yêu cầu nhà báo khi phản ánh thực tiễn thì “phải có khen cũng phải có chê. Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi. Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thụ”. Nghĩa là, sự “phóng đại” hiện thực theo bất kỳ chiều hướng nào cũng đều tai hại. Cùng là sản phẩm văn hóa nhưng tác phẩm báo chí khác với tác phẩm văn chương ở chỗ: Sức mạnh của báo chí nằm ở sự thật không cần hư cấu.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 4-1959.
|
Không dừng lại ở yêu cầu viết đúng sự thật, hiện tượng, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, tính chân thực của báo chí cách mạng và sự trung thực của người làm báo cần phải thể hiện ở việc, “mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng” (3), phải thể hiện được vấn đề căn cốt, nóng hổi của cuộc sống. Báo chí cách mạng phải là “diễn đàn” của quần chúng nhân dân, biểu lộ tâm trạng và ý muốn, khát vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Một bài báo chỉ nói những điều vô thưởng, vô phạt, những điều ở “ngoài lề” cuộc sống, tâm điểm xã hội, ngoài tâm trạng và mong muốn của nhân dân thì dù có đúng về chi tiết, sự kiện vẫn không phải là một sản phẩm có tính chân thực cao.
Ở Hồ Chí Minh, tính chân thực của báo chí không dừng ở quan điểm, chủ trương mà còn được cụ thể hóa thành các phương pháp, cách thức thực hiện. Với kinh nghiệm của “người anh cả” của báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ ra các bước thao tác nghiệp vụ để trên cơ sở đó, một sản phẩm báo chí mang tính chân thực, khách quan có thể ra đời. Trước hết, nhà báo phải tích cực đi thực tế, bám sát cơ sở để có được lượng thông tin chính xác. Tiếp đó, người làm báo phải kiểm chứng thông tin; điều gì mà “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết” (4). Để người đọc cảm nhận được tính chân xác của thông tin thì khi phản ánh sự kiện nào đó, nhà báo phải “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?” (5). Người làm báo phải thận trọng rà soát lại tác phẩm của mình trước khi công bố. Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo như sau: “Viết rồi phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại” (6). Để bảo đảm tính chân thực của tờ báo thì mỗi tình tiết sai trong các ấn phẩm báo chí cần phải được đính chính chuẩn xác vào số sau. Hồ Chí Minh từng yêu cầu, ở đầu sách báo “đều phải ghi một câu: Hoan nghênh bạn đọc phê bình” và phải có một mục dùng vào việc đính chính các thông tin sai lệch. Hồ Chí Minh là tấm gương về lòng trung thực và tính cầu thị khi tự thân đính chính và xin lỗi bạn đọc vì chi tiết nhầm lẫn trong bài báo của mình: “Trong báo Nhân Dân (14-3-1962), dưới đầu đề “Làm thế nào cho lạc thêm vui” đúng ra là 1 tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1 tấn rưỡi) gang. Vì để sót một dấu phẩy (,) mà viết sai thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận, T.L. xin thật thà tự phê bình và xin lỗi các bạn đọc”.
Yêu cầu về tính chân thực đối với các sản phẩm báo chí ở nước ta hiện nay
Báo chí là sản phẩm của con người nên muốn có một sản phẩm báo chí mang tính chân thực thì trước hết phải có đội ngũ nhà báo trung thực và dũng cảm. Trong cuộc sống hôm nay, sự trung thực, dũng cảm của nhà báo thể hiện ở việc họ phản ánh khách quan các điển hình tiên tiến, dám chống thói giả dối, “thổi phồng thành tích”, chống căn bệnh “nói không đi đôi với làm”, “làm thì láo, báo cáo thì hay”, dũng cảm phanh phui các hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ các cấp và trong xã hội... Sự trung thực của nhà báo thể hiện ở việc anh ta phải đứng trên lợi ích của “dân” chứ không phải lợi ích của “quan” khi phản ánh hiện thực, phải đồng cảm và nói lên niềm mong mỏi của nhân dân. Trong cơ chế thị trường, sự thiếu trung thực của người làm báo sẽ dẫn đến những động cơ và cách thức tác nghiệp khác nhau. Nếu vì mục đích trục lợi, người làm báo sẽ dùng báo chí như phương tiện để lăng xê người này, vùi dập người khác, thậm chí họ còn dùng sản phẩm báo chí để ép doanh nghiệp phải đưa tiền hoặc ép làm quảng cáo. Nếu vì mục đích “câu khách”, người làm báo sẽ chăm chăm viết những sự kiện “giật gân” như các vụ án mạng, chuyện riêng tư của những người mẫu, diễn viên, các hiện tượng bí hiểm trong đời sống tâm linh mà không ý thức rằng, họ đã góp phần tạo ra sự thiên lệch trong thị hiếu và nhận thức xã hội. Nếu vì lười biếng mà thiếu trung thực thì người làm báo sẽ chỉ chăm chăm “xào xáo” lại những thông tin có sẵn trên mạng để viết bài mà không bám sát, kiểm tra thực tế. Nếu thiếu lòng trung thực, người làm báo còn có thể “ăn cắp” ý tưởng, số liệu trong sản phẩm báo chí của người khác và sau đó “cắt dán”, “xào xáo” lại thành bài viết của mình.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, tháng 1-1965. Ảnh tư liệu |
Mặt khác, tính chân thực của báo chí cũng phải được nhìn nhận, xem xét trên tinh thần biện chứng. Một khi đã xác định báo chí có mục đích tối thượng là phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân thì tính chân thực của báo chí cũng phải được thực hiện trên nền tảng đó, hướng tới mục tiêu đó. Điều đó không có nghĩa là nhà báo phải “bẻ cong ngòi bút”, “uốn cong sự thật” nhưng phải hết sức ý thức về thời điểm và mức độ cung cấp thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng sao cho có lợi nhất cho đất nước, cho nhân dân. Có những sự kiện, sự việc có thể nói ra, viết ra, nhưng cũng có sự kiện, sự việc, sự thật nhưng chưa thể viết hay chưa thể nói hết vì liên quan đến bí mật quốc gia, lợi ích của dân tộc. Khi đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như quan hệ quốc tế, các vấn đề lịch sử còn đang tranh cãi, những vấn đề an ninh, quốc phòng, các vụ án lớn đang trong quá trình điều tra... các nhà báo đều phải “nằm lòng” phương châm: Không phải sự thật nào cũng phải nói hết ra nhưng những gì đã nói ra đều phải là sự thật. Như vậy, chân thật là nguyên tắc nhưng việc thực thi phải tính đến mức độ, chừng mực, thời điểm. Nhà báo Hữu Thọ, bằng sự trải nghiệm của mình, đúc kết: “Bác Hồ dạy chúng ta rất nhiều, nhưng tôi tâm đắc nhất hai điều, một là trung thực, hai là chừng mực. Trung thực là có thế nào nói thế ấy không vì yêu ghét, lợi ích mà bẻ cong ngòi bút. Còn chừng mực là khen, chê phải đúng đắn, có mức độ. Và ở bất kỳ thời điểm nào cũng phải trung thực và giữ chừng mực” (7). Do đó, người làm báo phải ý thức rõ ràng về mối quan hệ giữa tính chân thực và tính tư tưởng của báo chí, giữa đạo đức nghề nghiệp và nghĩa vụ công dân. Sự cân nhắc thấu đáo, sự tính toán hợp lý khi giải quyết mối quan hệ này thể hiện sự nhạy cảm chính trị và bản lĩnh của người làm báo.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, rằng tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể tạo ra những sản phẩm báo chí với mức độ chân thực và gắn với nó là tác dụng, ảnh hưởng khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và đặc biệt là đạo đức, ý thức chính trị của người làm báo.
PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT
-----------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 14, tr.540
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.172
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.345
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.346
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.208
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.208
(7) Nhà báo Hữu Thọ: “Thời điểm nào báo chí cũng phải trung thực”-Báo Quân đội nhân dân ngày 20-4-2010