Có lần, tôi hỏi:
- Thưa ông, có người cho rằng, trong 8 lần dự thảo kế hoạch chiến lược của Tổ trung tâm thì lần thứ nhất đến lần thứ 6 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo, còn hai lần cuối do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn chỉ đạo...
Trung tướng Lê Hữu Đức hơi nhíu mày, rồi mỉm cười đôn hậu:
- Nói như thế là sai sự thật! Bởi bất cứ kế hoạch tác chiến một chiến dịch, một đợt, một giai đoạn, một năm... của Bộ Tổng Tham mưu, trước hết phải được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng thông qua, chúng tôi mới báo cáo các đồng chí trong Bộ Chính trị. Đó là nguyên tắc làm việc của Tổng hành dinh. Còn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chỉ đạo trực tiếp Tổ trung tâm là 3 đồng chí: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng. Vậy làm sao có chuyện đó được?
Rồi ông kể: Sau Hiệp định Paris tháng 1-1973, Bộ Chính trị nhận định khả năng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sẽ gây chiến, không chịu thực hiện hiệp định, buộc chúng ta phải dùng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, tháng 4-1973, được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ trung tâm để xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Tổ có 4 người, do Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tổ trưởng. Các ủy viên là Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng, hai Phó cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức và Võ Quang Hồ (tháng 6-1974, Cục trưởng Vũ Lăng vào Tây Nguyên giữ chức Tư lệnh mặt trận, đồng chí Lê Hữu Đức lên thay).
Nội dung nghiên cứu của Tổ trung tâm tập trung 5 vấn đề lớn: Nghiên cứu, so sánh lực lượng địch-ta sau Hiệp định Paris; chọn hướng tiến công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy; phương pháp tác chiến chiến lược; những khó khăn cần khắc phục; cuộc tiến công bắt đầu từ năm nào là thích hợp nhất. Đó là những vấn đề rất khó khăn, hóc búa không những của Tổ trung tâm mà còn là nỗi trăn trở, tranh luận thẳng thắn, lắng nghe để đi đến thống nhất trong Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.
- Thưa ông, 8 dự thảo của Tổ trung tâm chắc khác nhau về phương pháp tác chiến chiến lược?-tôi hỏi.
- Quá trình nghiên cứu, cũng có lúc ta nghiêng về tổng khởi nghĩa, đặt tổng khởi nghĩa lên hàng đầu thì phương hướng là các thành phố lớn, mục tiêu chủ yếu là Sài Gòn, Đà Nẵng, còn Tây Nguyên và Khu 5 là hướng phối hợp. Đó là dự thảo lần thứ 3 và thứ 6. Cũng có lúc là tổng khởi nghĩa, tổng công kích đi đôi với kế hoạch “giành thắng lợi ở miền Nam trong vài ba năm” thì mục tiêu số 1 vẫn là Sài Gòn nhằm tiêu diệt 3 sư đoàn địch, tạo điều kiện tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn, thực hiện phương châm: Đánh rắn phải đánh giập đầu!
Cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến 2-1-1975 thông qua bản dự thảo cuối cùng của Tổ trung tâm mang tên “Kế hoạch chiến lược sắp tới” với 3 phương án, cuối cùng quyết định thực hiện phương án 1: Tổng tiến công thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược đi trước một bước, tích cực thúc đẩy nhanh chóng, tạo điều kiện nổi dậy ở các thành phố trung tâm, phối hợp tổng tiến công và tổng khởi nghĩa thắng lợi. Cũng trong hội nghị đó, vấn đề Tây Nguyên và đòn hiểm Buôn Ma Thuột mới được quyết định!
- Thưa ông, những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, Tổng hành dinh làm việc như thế nào?
- Căng thẳng lắm nhưng vui và rạo rực lắm!-Trung tướng Lê Hữu Đức cười sảng khoái-tôi là Cục trưởng Cục Tác chiến nên thường xuyên làm việc với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Lúc này, anh Văn đã 65 tuổi, lại mới mổ thận, nhưng làm việc mỗi ngày 15, 16 tiếng đồng hồ. Anh ăn ngủ luôn ở Tổng hành dinh trên một chiếc giường đơn kê ở phòng làm việc. Đại tướng thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, kiểm tra trực ban tác chiến và quân báo để nắm tình hình. Giao ban buổi sáng, sau khi nghe Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục báo cáo, Đại tướng bổ sung, giao nhiệm vụ, rồi viết mệnh lệnh chiến đấu. Còn đồng chí Lê Duẩn thì chủ trì các cuộc họp của Bộ Chính trị. Theo sự phân công của Bộ Tổng Tham mưu, cứ 19 giờ hằng ngày, tôi đến gặp anh Ba báo cáo tình hình chiến sự và xin ý kiến chỉ đạo. Ấn tượng về đồng chí Lê Duẩn đối với tôi là người có tầm nhìn chiến lược, luôn chăm chú lắng nghe ý kiến của mọi người, đề xuất những vấn đề mới, táo bạo trong chỉ đạo tác chiến.
Người đào tạo, giáo dục tôi nhiều nhất, để lại trong tôi những tình cảm sâu đậm nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Lê Trọng Tấn. Cả hai anh đều dân chủ trong bàn bạc, thảo luận. Là nhà quân sự thiên tài nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ phủ nhận ý kiến của anh em chúng tôi, luôn gợi ý phát biểu để chúng tôi nêu chính kiến. Còn Đại tướng Lê Trọng Tấn là thủ trưởng trực tiếp của tôi, thường nhắc chúng tôi phải độc lập trong suy nghĩ. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất của đời tôi!
HỒNG SƠN