Năm 1976, tôi (tên thật là Cái Văn Thái, sinh năm 1953, quê xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), thuộc biên chế của Tiểu đoàn 361, bộ đội địa phương thuộc Huyện đội Lệ Thủy, được điều động về Trung đoàn 186 của Tỉnh đội Quảng Bình. Cùng nhận quyết định điều động, tôi và đồng chí Nguyễn Anh Dũng khoác ba lô từ Tân Thủy (nơi đóng quân của Tiểu đoàn 361), đi bộ men theo đường tàu hỏa, đến đơn vị mới tại Phú Thủy. Tại đây, Trung đoàn 186 làm nhiệm vụ đắp đập, đào mương, lao động làm kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh...
Để động viên bộ đội và tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng toàn Tỉnh đội Quảng Bình, Trung đoàn 186 thành lập Đội Văn nghệ và tôi nhờ có chút năng khiếu văn chương, âm nhạc, được cử tham gia Đội.
Cán bộ, chiến sĩ trong Đội Văn nghệ tuy có chút năng khiếu ca hát, diễn kịch... nhưng đều là “tay ngang”, chưa ai được đào tạo hay tập huấn về văn nghệ, song chúng tôi bước vào “trận tuyến mới” hết sức hào hứng, say mê. Tôi được phân công sáng tác kịch nói và ca khúc. Đồng chí Phạm Xuân Đồng (quê Liên Thủy, Lệ Thủy, hiện là nhạc sĩ với các ca khúc được nhiều người biết đến như “Đưa em về Kiến Giang”, “Quảng Bình trong câu hát”...) được phân công viết ca kịch và tấu nói...
Trong thời gian ngắn, tôi đã viết 4 ca khúc: “Tiếng hát trên dòng mương quê hương” (hợp ca nam nữ), “Lúa về trên sông Kiến” (tốp ca nữ), “Lòng mẹ sông Kiến” (đơn ca nam), “Anh về Minh Hóa quê em” (đơn ca nữ) và vở kịch nói “Trận tuyến mới”. Cùng với các sáng tác của Phạm Xuân Đồng và tự biên của anh em, Đội Văn nghệ Trung đoàn 186 đã xây dựng được chương trình văn nghệ phong phú, bao gồm ca khúc, kịch dân ca Bình Trị Thiên, kịch nói, tấu nói... Tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng toàn Tỉnh đội Quảng Bình, Đội Văn nghệ Trung đoàn 186 giành giải nhất toàn đoàn. Trong đó, hợp ca “Tiếng hát trên dòng mương quê hương” và vở kịch nói “Trận tuyến mới” là những tiết mục đáng nhớ nhất và dư âm còn mãi đến bây giờ, không chỉ trong tôi mà còn với nhiều đồng đội.
    |
 |
Các chiến sĩ nữ của Đội Văn nghệ Trung đoàn 186. Ảnh do tác giả cung cấp
|
Những câu hát giản dị: “Này đồng chí ơi, cho dù nắng cháy da, ta vẫn đi lên khơi tiếp những dòng mương”... hay: “Cho dù mưa tuôn, qua bao (mà) nắng cháy, bên gái cùng bên trai, tiếp bước dẫn đầu”... (Tiếng hát trên dòng mương quê hương) như những âm thanh thôi thúc người lính làm kinh tế “xung trận”. Còn vở kịch nói “Trận tuyến mới” tuy là các diễn viên nghiệp dư đảm nhận, nhưng anh em nhập vai khá xuất sắc, qua đó giành huy chương vàng trong hội diễn. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm, đó là đến lúc vở kịch lên sân khấu hội diễn, nhưng đồng chí Nghĩa, vai chính trị viên vẫn đang lên cơn sốt cao. Cả đội cuống lên.
Một quyết định đưa ra từ đồng chí thượng úy, trợ lý tuyên huấn trung đoàn-Trưởng đoàn: “Đồng chí Thái phải đóng thay ngay! Giờ này không ai thuộc lời thoại nhân vật ngoài tác giả kịch bản...”. Vậy là tôi cuống cuồng mặc bộ quân phục sĩ quan 4 túi và kịp bước ra sân khấu trong lo lắng vì tình huống bất khả kháng này... Khi xong vai, lui về cánh gà sân khấu, mọi người bắt tay chúc mừng, nhưng không quên nói: “Lời thoại khác kịch bản khá nhiều, nhưng cũng có lý...”. Quả thật, lúc bấy giờ, tôi không nhớ chính xác lời thoại nhân vật lắm, nhưng nắm tình huống kịch do mình nghĩ ra, nên vừa diễn vừa sáng tác sao cho khớp...
Sau hội diễn một thời gian, tôi được điều về công tác ở K2, rồi K6 thuộc Trung đoàn 186. Năm 1977, tôi phục viên và năm 1978, tôi thi đỗ vào học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Các hạt nhân của Đội Văn nghệ Trung đoàn 186 như Xuân Đồng, Minh Quang, Quang Thoan, Hai Hồng, Côi, Mỹ, Lập, Thúy... vẫn tiếp tục công tác, phục vụ bộ đội và người lao động trên các công trình ở Lệ Thủy; công trình thủy lợi ở Thạch Hãn (Quảng Trị)... Ở K6 công tác với tôi lúc đó có đồng chí Dương Viết Hòa, quê ở Ba Đồn (Quảng Bình), sau này cũng là nhạc sĩ thành danh, hiện sống ở tỉnh Bình Định.
Với tôi, kỷ niệm những ngày hoạt động ở Đội Văn nghệ Trung đoàn 186 là một trong những khởi nguồn cho con đường văn chương, âm nhạc... của tôi sau này.
Nhà thơ, nhạc sĩ THAI SẮC