Vùng đất giàu truyền thống

 Đại tá Hà Minh Triết, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang cùng chúng tôi đến tham quan, tìm hiểu ở các “địa chỉ đỏ” của tỉnh An Giang. Anh giới thiệu về vùng đất An Giang nằm ở phía Tây Nam Đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal của Vương quốc Campuchia. Trong những ngày sục sôi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào cách mạng ở hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc (sau này sáp nhập thành tỉnh An Giang) cũng dâng cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ và Việt Minh Liên tỉnh Long Xuyên-Châu Đốc, quần chúng nhân dân đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 26-8-1945, các đội viên Thanh niên Tiền phong, một tổ chức thành viên của Việt Minh, tập hợp tại Thành lính tập (Thành PC ở Châu Đốc), thành lập Đại đội Cộng hòa vệ binh do đồng chí Hùng Cẩm Hòa làm Tổng chỉ huy. Đây là đơn vị tiền thân của LLVT nhân dân tỉnh An Giang và ngày 26-8-1945 trở thành ngày truyền thống của LLVT nhân dân tỉnh An Giang.

Ngay sau khi thành lập, Đại đội Cộng hòa vệ binh tổ chức bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ; huấn luyện quân sự, học tập chính trị. Thời gian ngắn sau đó, các đơn vị Cộng hòa vệ binh và tự vệ vũ trang Liên tỉnh Long Xuyên-Châu Đốc được tổ chức lại thành các chi đội, đại đội bộ đội chủ lực địa phương, dân quân, du kích, tự vệ để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. LLVT liên tỉnh Long Xuyên-Châu Đốc vừa vận động xây dựng, củng cố khối đoàn kết các tôn giáo, dân tộc, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện, vừa kết hợp đấu tranh quân sự với vận động chính trị và chiến đấu vũ trang tuyên truyền, đồng thời xây dựng hậu cần tại chỗ, bảo đảm tự túc lương thực. Quân và dân Liên tỉnh Long Xuyên-Châu Đốc phối hợp với bộ đội chủ lực Khu 9 tổ chức nhiều chiến dịch, đánh nhiều trận giành thắng lợi như: Trận Chân Đùng-Cái Hố (tháng 7-1947), trận đánh tàu trên sông Sở Thượng (tháng 4-1949), trận cầu sắt Vĩnh Thông (tháng 6-1949), Chiến dịch Long Châu Hà I (năm 1950), Chiến dịch Long Châu Hà II (năm 1951)... góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

leftcenterrightdel

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Trí (áo trắng) trò chuyện với cán bộ cơ quan chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang, tháng 12-2023. Ảnh: HIẾU GIANG

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân An Giang tiếp tục đoàn kết chiến đấu, một mặt đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneva, một mặt xây dựng LLVT, cơ sở cách mạng, chống địch lập ấp chiến lược, càn quét và phối hợp với Quân Giải phóng đánh địch, lập nhiều chiến công vang dội. Điển hình là trận quyết chiến 128 ngày đêm (từ ngày 7-11-1968 đến 23-2-1969) tại đồi Tức Dụp, núi Cô Tô (huyện Tri Tôn). Quân và dân An Giang đã bám trụ, đương đầu với quân Mỹ, ngụy đông hơn gấp 400 lần, chịu đựng hàng nghìn tấn bom, đạn các loại của địch giội xuống... Song ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép và phương tiện chiến tranh của địch. Chiến thắng đồi Tức Dụp trở thành biểu tượng lịch sử đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân An Giang.

Đại tá Hà Minh Triết kể với tôi về những lần cùng đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh đến thăm, tặng quà, tri ân các cán bộ lão thành cách mạng, người có công, những nhân chứng góp phần làm nên chiến công hào hùng của LLVT tỉnh. Đó là đồng chí Vũ Hồng Đức (Mười Đức), nguyên Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, năm 1957 đã chỉ đạo tổ chức xây dựng Đội quân Thất Sơn ở vùng Bảy Núi, do đồng chí Năm Hòa làm Đội trưởng. Trước chính sách khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm với Luật 10-59, Tỉnh ủy An Giang phân công đồng chí Võ Thái Bảo (Tám Sử), Phó bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Quân sự tỉnh, thành lập các đội vũ trang để chống lại chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Đồng chí Võ Thái Bảo tập hợp các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, dân quân, du kích để thành lập “Đội vũ trang tuyên truyền số 8”, do đồng chí Lê Ngà làm Đội trưởng để vừa đấu tranh quân sự, vừa đấu tranh chính trị, bảo vệ cơ sở cách mạng. Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, Tỉnh đội An Giang tổ chức lại các tổ chức vũ trang trên địa bàn như Đội vũ trang tuyên truyền số 8, Đội quân Thất Sơn, thành các Tiểu đoàn 510, Tiểu đoàn 512...

Chúng tôi đến thăm Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Trí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang, nguyên chiến sĩ Trung đội Trinh sát, Tiểu đoàn 512, Tỉnh đội An Giang trong những năm kháng chiến. Anh hùng Huỳnh Trí trú tại nhà riêng ở ấp Bình Phú 1, xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang). Trong căn nhà rộng rãi ngay ngã ba đường, Anh hùng Huỳnh Trí kể: “Tôi sinh năm 1949 trong gia đình mà bố mẹ đều là cơ sở cách mạng. Năm 1962, tôi tham gia làm giao liên cho Đội du kích ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang). Năm 1969, tôi được chọn nhập ngũ vào Tiểu đoàn 512, Tỉnh đội An Giang, biên chế trong Trung đội Trinh sát. Trong 6 năm (1969-1975) công tác và chiến đấu, tôi luôn nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tham gia gần một trăm trận chiến đấu, nhiều trận được giao phụ trách hỏa lực B-40, B-41, đã tiêu diệt hàng trăm tên địch và xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới. Nhiều lần bị thương và cũng nhiều năm tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ quyết thắng, được cử đi dự Hội nghị mừng công của tỉnh và Quân khu 9. Sau khi miền Nam giải phóng, tôi lại cùng đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giữ các cương vị: Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 512; Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Đoàn 9905 (Mặt trận 979, Quân khu 9); Phó tham mưu trưởng Đoàn 9905; Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn 9905. Năm 1988, tôi được cử giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang đến khi nghỉ hưu năm 1999. Sau khi nghỉ hưu, tôi tích cực tham gia với các Đội K90, K93 của Quân khu 9 và tỉnh An Giang đi tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ... Tôi tự hào có đóng góp xứng đáng vào thành tích của LLVT tỉnh An Giang”.

Những mô hình giáo dục truyền thống hiệu quả

An Giang là vùng đất lịch sử, văn hóa và cách mạng gắn liền với những chiến công trong chiến đấu và đau thương, mất mát trong chiến tranh. Những “địa chỉ đỏ” như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên; Di tích lịch sử Cột dây thép Long Điền A, nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên năm 1930 ở An Giang; Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc ở núi Dài (huyện Tri Tôn), nơi đặt cơ quan của Tỉnh ủy An Giang và Quân Giải phóng từ năm 1962; Khu di tích đồi Tức Dụp; Khu chứng tích vụ thảm sát Ba Chúc, nhà mồ Ba Chúc... “Chúng tôi thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến tham quan, học tập truyền thống ở các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phát huy hiệu quả giáo dục chính trị, truyền thống thông qua hoạt động tham quan Nhà truyền thống của LLVT tỉnh trong khuôn viên Bộ CHQS tỉnh; Phòng Hồ Chí Minh ở các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Bộ binh 892 (Bộ CHQS tỉnh). Hằng năm, trong chương trình giáo dục chính trị, chúng tôi đều xây dựng, cập nhật nội dung các chuyên đề, bài giảng, như: Truyền thống LLVT tỉnh An Giang; truyền thống các đơn vị, địa phương; xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình; giao lưu với các nhân chứng lịch sử...”, Đại tá Hà Minh Triết cho biết.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 892 (Bộ CHQS tỉnh An Giang) tham quan Nhà trưng bày tội ác của quân Pol Pot tại Khu chứng tích vụ thảm sát Ba Chúc (An Giang). Ảnh: HUỲNH TIỀN 

Đến tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ngoài những hiện vật như ca nô Giải phóng đã đưa đồng chí Tôn Đức Thắng và một số cán bộ cách mạng bị tù đày ở Côn Đảo trở về đất liền; máy bay YAK-40, số hiệu VNA.452 đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn chủ trì Đại lễ mừng Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975); tàu Giang Cảnh từng đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng về thăm quê nhà ở cù lao Ông Hổ tháng 10-1975... chúng tôi còn chú ý đến một số hiện vật mới. Đó là tàu PCF do Bộ CHQS tỉnh An Giang phục hồi sửa chữa, tân trang, bàn giao cho Khu lưu niệm năm 2023. Đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang cho biết: “Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng và 79 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh, các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công trên địa bàn. Kinh phí cho công tác chính sách, hậu phương Quân đội, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ hộ nghèo, khó khăn, xây “Nhà nghĩa tình đồng đội” lên tới hơn 1 tỷ đồng. LLVT tỉnh còn huy động hơn 7.000 ngày công tham gia làm đường giao thông, các công trình phúc lợi, trường học, vệ sinh môi trường... góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn”.

XUÂN TIỀN