Đang dự lễ, bỗng chị Hãnh, nhân viên bưu điện Kim Thành tất tả đến tận nơi kéo chị Ngòi ra ngoài, nói,  “Anh Phiêu còn sống! Anh về rồi, đang ở nhà”. Chị Ngòi lên xe đạp một mạch 10km về nhà ở thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành. Dân làng đã đứng kín cả trong sân, ngoài ngõ. Mấy bà hàng xóm kéo dãn mọi người để lấy lối đưa chị vào. Chị Ngòi nức nở ôm chặt anh Phiêu như sợ lại mất anh một lần nữa...

Nhớ lại nhiều năm về trước, chiều 15-10-1964, tại Trường Trung cấp Hàng Hải ở Hải Phòng, chị Ngòi 20 tuổi, bế con gái Trần Thị Phượng mới chập chững biết đi, chứng kiến hai sự kiện vô cùng quan trọng đối với chồng chị: 14 giờ, anh được kết nạp Đảng, 3 tiếng sau thì dự lễ tiễn anh cùng với 19 chàng trai đều là sinh viên năm thứ ba lên đường nhập ngũ. Để rồi sau lần nghỉ phép kết thúc huấn luyện tân binh tháng 3-1965, anh đi biệt tăm biệt tích, gây bao lo âu cho mẹ con chị cùng gia đình.

leftcenterrightdel
Vợ chồng ông Trần Quang Phiêu. 

Chị đâu có biết, từ ngày ấy, anh Phiêu được biên chế vào Đoàn tàu Không số và được bổ nhiệm Tiểu đội trưởng Hàng hải Tàu 187. Tháng 6-1966, theo lệnh của trên, anh lái con tàu này dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thuyền trưởng Phan Văn Xã và Chính trị viên Hồ Đức Thắng, cùng cán bộ, thuyền viên chở 62 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Hành quân đến hải phận vịnh Ba Động, tỉnh Trà Vinh thì bị tàu tuần tra của địch phát hiện. Chúng nổ súng bắn vào Tàu 187.

Thuyền trưởng hạ lệnh chiến đấu và tăng tốc cho tàu chuyển hướng vào bờ. Khi còn cách bờ khoảng 300m, tàu bị mắc cạn. Địch bám theo bắn xối xả. Thuyền trưởng Phan Văn Xã lệnh cho một bộ phận thuyền viên rời tàu bơi vào bờ. Số còn lại, gồm thuyền trưởng, máy trưởng, quân sĩ trưởng pháo, tiểu đội trưởng hàng hải và y tá thực hiện nhiệm vụ hủy tàu. Thuyền trưởng Phan Văn Xã và máy trưởng Vũ Xuân An trực tiếp lắp kíp bộc phá. Chuẩn bị xong, tất cả nhảy xuống nước bơi vào bờ. Do trời tối, sóng to nên mọi người mất liên lạc với nhau.

Anh Phiêu lên khỏi mép nước thì bị trúng đạn của địch, vỡ xương háng bên trái. Đến 14 giờ cùng ngày, địch càn quét và bắt được anh, bắt giam qua các nhà lao Cần Thơ, Sài Gòn, Biên Hòa. Tháng 3-1968, chúng đày anh ra Phú Quốc. Tại đây, anh gặp anh Khung, quê ở Thái Bình (cùng nhập ngũ một đợt, là đồng nghiệp, bị địch bắt năm 1968 tại vùng biển Đà Nẵng) và anh Đức, người Thanh Hà, Hải Dương, bị địch bắt trong trận Gò Nổi (Quảng Nam) trước đó, bấy giờ là Bí thư Đoàn thanh niên nhà tù. Tổ chức đảng tin tưởng, cử anh Phiêu tham gia cấp ủy chi bộ nhà tù. Từ năm 1971, anh là bí thư cho đến tháng 3-1973 khi địch trao trả các anh về với cách mạng.

Trong khi đó, Đoàn 125 tìm kiếm anh Phiêu suốt 6 tháng trời. Không có tin tức, ngày 18-1-1967, đơn vị gửi giấy báo tử về địa phương. Trong lễ truy điệu do lãnh đạo xã Cộng Hòa tổ chức, chị Ngòi thương tiếc anh, lại nhìn đứa con gái bé nhỏ mang khăn tang trên đầu mà quyết toàn tâm toàn ý nuôi con khôn lớn... Khi đoạn tang chồng, chị nhận được những lời ngỏ cùng xây dựng gia đình mới của không ít người, trong đó có cả những thương binh từ chiến trường ra, song chị đều khéo léo khước từ.

Sau gần 9 năm xa cách, anh chị về sống bên nhau. Tình nghĩa vợ chồng qua thử thách ngặt nghèo nay được bù đắp. Sau khi điều trị vết thương ổn định, tháng 12-1975, anh Trần Quang Phiêu được chuyển ngành về công tác tại Ty Thương binh-Xã hội (nay là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) tỉnh Hải Dương. Sau đó, anh Phiêu phấn đấu, đi học, được giữ lại giảng dạy tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), rồi chuyển công tác về địa phương, giữ các chức vụ: Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kim Môn (nay là Kim Thành và Kinh Môn); Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kim Thành cho đến ngày nghỉ hưu.

Sau khi về sống với nhau, vợ chồng thương binh hạng 3/4 Trần Quang Phiêu sinh thêm 3 người con nữa. Đến nay, cả 4 người con của ông bà đều trưởng thành. Năm 2020, ông Phiêu phải vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cắt bỏ 2/3 ống chân do vết thương cũ tái phát. Hiện nay, dù sức khỏe giảm sút song ông Phiêu vẫn là chỗ dựa tinh thần, tấm gương sáng đối với con cháu, đồng thời là công dân, cựu chiến binh gương mẫu ở quê hương.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG