Dùng “kính lúp” soi công, xóa tội
Bàn đến các nhân vật, sự kiện lịch sử là vấn đề hệ trọng của khoa học và đời sống văn hóa. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ xin đề cập một khía cạnh nhỏ từ đời sống văn học-nghệ thuật. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, thiên về cảm tính của người sáng tạo. Chính vì thế, nếu các tác giả đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, có góc nhìn và thái độ khách quan, trung thực, thể hiện rõ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh... thì tác phẩm sẽ rất có ích cho đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng, góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc và nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngược lại, nếu có cái nhìn định kiến, chủ quan, lấy sáng tạo văn học-nghệ thuật làm cái cớ để hư cấu nhằm mục đích ám chỉ, thay đổi bản chất sự kiện và sự thật lịch sử thì đó chính là biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, dễ trở thành công cụ để các thế lực thù địch thực hiện mục tiêu “lật sử”, “tẩy sử”, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc, đi ngược lại lợi ích quốc gia, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên thực tế, trong đời sống văn hóa, văn học-nghệ thuật của chúng ta thời gian gần đây đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực này. Bởi, bản chất của sáng tạo văn học-nghệ thuật là hư cấu, cảm tính nên việc “chỉ mặt đặt tên” để nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực này là công việc nhạy cảm và khó khăn. Tuy nhiên, đứng trên lập trường, quan điểm, tư tưởng của Đảng, chúng ta không khó nhận ra những “phong cách”, “khuynh hướng” sáng tạo mang tính cực đoan này.
Xin dẫn một ví dụ từ triều đình nhà Nguyễn, tiêu biểu là nhân vật Nguyễn Ánh (Chúa Nguyễn). Đây là nhân vật lịch sử đã được các thế hệ văn nghệ sĩ khai thác, phản ánh dưới những lăng kính đa chiều. Dưới góc nhìn khách quan, trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, sử liệu đã ghi nhận sự hèn nhát, bạc nhược kiểu “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”... gây nên bao tai họa cho dân tộc của nhân vật này. Tuy nhiên, sau gần 4 thế kỷ nhìn lại, thời gian gần đây, có không ít học giả lên tiếng kêu gọi phải nhìn nhận lại công-tội của Nguyễn Ánh một cách “công tâm”, “khách quan”... Thậm chí đã có những cuộc tọa đàm, hội thảo do một số tổ chức xã hội-nghề nghiệp thực hiện với sự tham gia của một số học giả có tiếng tăm. Theo đó, có những ý kiến lập luận rằng, Nguyễn Ánh có công lao to lớn trong việc khai khẩn, mở mang lãnh thổ vùng đất Nam Bộ, để lại nhiều công trình đã trở thành di sản văn hóa vật thể đến ngày nay. Cùng với đó, nhiều nhân vật đại thần dưới triều Nguyễn cũng được khai thác, ca ngợi công lao một cách thái quá.
|
|
Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn |
Bám vào hoạt động và những phát ngôn của một số học giả, đời sống văn học-nghệ thuật đã xuất hiện nhiều sáng tác (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và điện ảnh...) theo khuynh hướng giả sử, tô hồng, phóng đại, tuyệt đối hóa “công lao” của những nhân vật lịch sử này. Cách mà một số tác giả thực hiện là lấy “kính lúp” soi công, xóa tội, dựng lên những nhân vật mang “tầm vóc thời đại”. Một trong những nhân vật được khai thác nhiều nhất là quan đại thần Lê Văn Duyệt (còn gọi là Tả quân Duyệt) dưới triều vua Gia Long (Nguyễn Ánh) và vua Minh Mạng. Trong một số sáng tác văn học-nghệ thuật , nhân vật gây nhiều tranh cãi này xuất hiện như một “anh hùng”, “vĩ nhân”, người có khả năng quyền biến, xoay chuyển thời cuộc...
Ca ngợi cận thần thực chất là để tô hồng, tuyệt đối hóa vai trò của Nguyễn Ánh trong lịch sử dân tộc. Với thủ thuật so sánh, đối sánh, đó là cách để gián tiếp phủ nhận cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ, hy sinh của dân tộc ta, bắt đầu từ các cuộc khởi nghĩa của những sĩ phu yêu nước cho đến con đường giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Mác-Lênin của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Lối tư duy “bắc cầu” này làm phát sinh những quan điểm “tẩy sử”, “lật sử”, coi nhẹ, phủ nhận thành quả Nam Bộ kháng chiến và cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân giành độc lập dân tộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thậm chí, để phục vụ cho ý đồ này, trên một số diễn đàn sử học đã có ý kiến cho rằng, Pháp đặt chân đến Việt Nam không phải để đô hộ Việt Nam mà là tạo bàn đạp để tấn công Trung Quốc(?)! Cách lập luận này dễ dẫn đến những suy diễn lệch lạc về lịch sử dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay...
Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết
Chúng ta đều biết, sáng tạo tác phẩm văn học-nghệ thuật là quá trình lao động nghề nghiệp của văn nghệ sĩ, mang tính độc lập cao, cả về tư duy và thao tác ngôn từ. Khi lấy nhân vật, sự kiện lịch sử làm đề tài trung tâm, người sáng tạo có quyền hư cấu theo cảm tính. Tuy nhiên, các thủ pháp nghệ thuật chỉ là công cụ, phương tiện để tác giả chuyển tải tư tưởng, chủ đề, nội dung, thông điệp đến với bạn đọc, công chúng. Công-tội, ưu-khuyết, tốt-xấu... là thuộc tính hai mặt của con người. Để định rõ công-tội, phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm thước đo, tiêu chí đánh giá. Những nhân vật lịch sử nổi tiếng trong các triều đại mang bản chất “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”... dù có công ở một số lĩnh vực, phần việc nhất định nhưng quá trình hư cấu, sáng tạo không thể lấy đó làm tư tưởng chủ đạo nhằm lấy “công” phủ trùm, che khuất “tội”, làm thay đổi bản ngã nhân vật và bản chất lịch sử, đặt họ ngang hàng với các anh hùng dân tộc.
Theo mạch tư duy lệch lạc đó, một số tác giả đã đưa vào các sáng tác của mình (với những quy mô, cấp độ khác nhau) những nhân vật có hành vi bán nước, phản bội, “nối giáo cho giặc”, thậm chí là những nhân vật từng “nợ máu” với nhân dân trong lịch sử kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cũng với kiểu dùng “kính lúp” soi công, xóa tội, những nhân vật này hiện lên trong một số tác phẩm như là những con người có khí phách, hào hiệp, bản lĩnh... Trên một số diễn đàn văn học-nghệ thuật , những người có khuynh hướng sáng tác lệch lạc này biện minh rằng, họ chỉ muốn đi sâu vào những “lát cắt” của nhân vật, sự kiện lịch sử để giúp công chúng có cái nhìn đa chiều, nhằm nhìn nhận lịch sử chiến tranh một cách “công bằng”, “khách quan”. Thực chất, khi cố tình tẩy trắng cho những vết đen của lịch sử, tác phẩm văn học-nghệ thuật đó vô hình trung làm phai nhạt, lu mờ hình ảnh của tuyến nhân vật chính diện, đó là những sĩ phu yêu nước, những nhà lãnh đạo khởi nghĩa, các anh hùng dân tộc, Anh hùng LLVT nhân dân, các dũng sĩ, thương binh, Bộ đội Cụ Hồ... Kiểu sáng tác nhập nhằng chính-tà, “vàng thau lẫn lộn”... rất nguy hiểm. Nó là tác nhân gây nhiễu thông tin, đánh tráo khái niệm, thay đổi bản chất, rất nguy hại đối với nền tảng tư tưởng của Đảng và bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ: Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa-nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng... là một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đời sống văn học-nghệ thuật. Việc biến “tội đồ” của dân tộc thành “anh hùng”, “vĩ nhân”, “người hùng”... của lịch sử chính là gián tiếp hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo, hạ thấp vai trò của các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Đề tài lịch sử (nhất là các nhân vật lịch sử có số phận, giàu chi tiết nghệ thuật) luôn là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng đối với giới sáng tác văn học-nghệ thuật. Tuy nhiên, đây cũng là mảng đề tài gai góc, thử thách tài năng, tâm huyết của nhà văn, nghệ sĩ. Để tác phẩm thành công, tạo dấu ấn trong đời sống công chúng, đòi hỏi cao nhất đối với văn nghệ sĩ là phải có tâm, có tầm, có tài. Cái tâm, cái tầm ấy phải luôn hướng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo văn học-nghệ thuật , được kế thừa, phát triển từ nền tảng tư tưởng văn hóa của tiên tổ, ông cha trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ”. Tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam là sự kết tinh của truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Những “phong cách”, “khuynh hướng” sáng tác lệch lạc như đã nêu trên hoàn toàn đi ngược lại truyền thống dân tộc, quan điểm của Đảng.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang hướng tới những ngày lễ lớn trong những năm tới. Các chương trình, kế hoạch, dự án về văn học-nghệ thuật đã và đang được chuẩn bị, khởi động, triển khai. Để có môi trường lành mạnh, tiến bộ về đời sống văn học-nghệ thuật , các tổ chức hội nghề nghiệp, các cơ quan thẩm định, xuất bản, cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật... cần có định hướng rõ ràng, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác, biểu diễn, phổ biến tác phẩm văn học-nghệ thuật. Trên hết và trước hết, giới sáng tác, sáng tạo văn học-nghệ thuật cần đề cao bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của mình. Khi dựng chân dung các nhân vật công ít, tội nhiều ở các triều đại, thời kỳ lịch sử, cần bám sát quan điểm của Đảng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, xác định rõ lằn ranh công-tội của nhân vật và biên độ cảm tính, hư cấu của tác giả. Cần tỉnh táo, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc “tẩy sử”, “lật sử”, chống phá đất nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng...
PHAN TÙNG SƠN