1. Những tháng đầu năm học 2023-2024, cùng với những lùm xùm của dư luận về chuyện lạm thu, tận thu, “đẻ” ra nhiều loại phí, đóng góp ở nhiều trường học gây bất bình trong phụ huynh học sinh thì nghi thức khai giảng, chào đón tân sinh viên, học sinh của một số trường học cũng lập tức “tạo sóng” dư luận. Mới đây, một trường đại học mang danh “quốc tế” ở phía Nam đã có màn chào đón tân sinh viên được dư luận quan tâm. Theo đó, từ bài diễn văn đến các phát biểu trong chương trình đều được nhà trường sử dụng hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Đáng chú ý là các cán bộ, nhà giáo của trường đã sử dụng đến hàng chục thứ tiếng nước ngoài trong các bài diễn văn, phát biểu để chào đón tân sinh viên và quảng bá thương hiệu nhà trường. Cùng với ứng dụng công nghệ tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng lạ tai, bắt mắt, việc sính ngoại một cách thái quá của lãnh đạo trường này khiến dư luận có những phản ứng đa chiều. Một số người bày tỏ thái độ ngạc nhiên, thích thú trước cách thức tổ chức chương trình theo hướng hiện đại và những màn “bắn” ngoại ngữ “như gió” của đại diện cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. Cùng với đó là tâm lý tò mò, háo hức trước những ngôn từ mà trường này sử dụng để quảng bá thương hiệu, như: “Giáo dục đẳng cấp quốc tế”, “triết lý giáo dục khai phóng”, “tạo ra những con người có tinh thần tự do”, “đa dạng và khác biệt”, “bứt phá”, “vượt xa mọi giới hạn” v.v..
Ở chiều diễn biến khác, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại trước mục tiêu và phương pháp giáo dục mà trường này đang thực hiện. Trước hết là, tại sao một buổi lễ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hàng nghìn tân sinh viên mà từ hình thức trang trí, nghi thức tổ chức, nội dung diễn văn và các phát biểu... lại hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt Nam, lễ đài không có Quốc kỳ, không có tượng Bác Hồ, sinh viên không được chào cờ, không hát Quốc ca? Tại sao trong tất cả “lời hay ý đẹp” của diễn văn, các bài phát biểu của giáo viên, sinh viên tiêu biểu không có dòng nào thể hiện tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; không có dòng nào định hướng sinh viên về tinh thần yêu nước, truyền thống ông cha, về những điều Bác Hồ dạy? Thay vào đó là những ngôn từ “đao to búa lớn”, lộng ngôn, sáo ngữ...
Tân sinh viên là những học sinh vừa rời ghế nhà trường trung học phổ thông. Môi trường giáo dục đại học không chỉ tạo dựng cơ sở về trình độ, kỹ năng chuyên môn theo ngành nghề đào tạo để các em sau khi ra trường vững tin lập thân, lập nghiệp mà quan trọng hơn cả, đây là chiếc nôi đào tạo đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Khi nhà trường, ngay từ ngày đầu các em nhập học, đã “vẽ” ra những cái gọi là “khai phóng”, “tự do”, “khác biệt”, “vượt xa mọi giới hạn”... kiểu phương Tây, hoàn toàn tách rời khỏi bệ đỡ truyền thống, lịch sử dân tộc thì rồi các em sẽ được thầy cô và nhà trường dẫn dắt đi về đâu? Khi nhà trường chỉ chú trọng các ngành nghề theo yêu cầu sử dụng lao động của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, bỏ quên giáo dục lý luận chính trị, trọng tâm là triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, chính trị tư tưởng, văn hóa dân tộc, pháp luật... thì những kỹ sư, cử nhân sẽ suy nghĩ và hành động vì mục đích gì, mục tiêu phấn đấu, cống hiến của họ là gì? Trong tương lai, khi những sinh viên trong môi trường này ra trường và phát triển, giữ những cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, họ sẽ chèo lái đất nước như thế nào?
Vấn đề không phải là chuyện nhỏ, câu trả lời thực sự không hề dễ dàng và không dành riêng cho bất kỳ ai!
Điều đáng nói là, mặc dù mang danh “trường quốc tế” nhưng bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ hữu của trường đều là người Việt. Sinh viên cũng đại đa số là người Việt. Khi tiếp nhận những thông tin này, một vị tướng là thương binh, cựu chiến binh ở TP Hồ Chí Minh đã bức xúc bày tỏ với chúng tôi:
- Trường xây dựng trên đất mình, cán bộ, giáo viên là người mình, sinh viên là con em mình... thế mà họ cứ hồn nhiên bỏ qua hết mọi nghi thức giáo dục truyền thống tối thiểu. Suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong môi trường giáo dục nó đến từ những biểu hiện như vậy chứ đâu! Trường làm theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa đã đành, chẳng lẽ cơ quan quản lý giáo dục không biết? Chúng ta thường nói: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Khước từ truyền thống, coi nhẹ lịch sử dân tộc thực sự đang là mối nguy của giáo dục. Ở đây, “súng lục” đang nằm trong tay nhiều tổ chức, cá nhân của mô hình giáo dục quốc tế, giáo dục ngoài công lập. Họ bắn vào quá khứ theo cách của họ, nhưng tương lai thì chính quốc gia, dân tộc phải hứng chịu hậu quả.
2. Dẫn chứng trên đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều chuyện gây bức xúc dư luận trong môi trường học đường, phổ biến là tại các trường, cơ sở giáo dục quốc tế, giáo dục tư thục, ngoài công lập... hiện nay. Biểu hiện bề ngoài phản ánh thực chất bên trong. Những trường học, cơ sở giáo dục này coi nhẹ, thậm chí bỏ qua vai trò giáo dục đạo đức, văn hóa, lý luận chính trị cho sinh viên. Họ chỉ chú trọng đào tạo ngoại ngữ, công nghệ và các ngành nghề theo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nước ngoài. Thực trạng này diễn ra đã lâu nhưng trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển nên ít người biết. Nay, mọi hoạt động của đời sống xã hội đều được thông tin nhanh chóng trên không gian mạng. Những hiện tượng lệch pha, lệch chuẩn một cách có chủ ý như trên chỉ đáp ứng được nhu cầu cấp tiến, thực dụng của một bộ phận nhỏ người dân và phần lớn họ đều là những gia đình khá giả. Còn đại đa số nhân dân, không ai mong muốn tương lai con em mình bị mất hoặc lệch phương hướng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch chuẩn trong môi trường học đường chính là mặt trái của xã hội hóa giáo dục. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, đất nước còn nghèo, muốn “đi tắt đón đầu” để đạt trình độ cao về khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, việc xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế đầu tư cho giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Mô hình các trường học, cơ sở giáo dục quốc tế, tư thục, ngoài công lập... ra đời và phát triển rộng khắp các địa phương cả nước, đặc biệt là tại những đô thị lớn, chính là hiện thực hóa chủ trương này. Tuy nhiên, dù xã hội hóa như thế nào, xã hội hóa ở đâu thì vẫn phải bảo đảm mục tiêu, yêu cầu Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vấn đề này đã được pháp luật quy định. Tại các phiên họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh lưu ý: Xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao sinh ra lạm dụng khoa học-công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực...
Rõ ràng, trong môi trường giáo dục, lĩnh vực được Đảng ta xác định là “quốc sách hàng đầu”, việc xã hội hóa quá cao, để cho các nhà trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập “tự quyết” nhiều thứ quan trọng đã dẫn đến tình trạng lệch chuẩn như dẫn ở trên.
Để chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện lệch chuẩn đòi hỏi cao ở tính năng động, chủ động, linh hoạt của các đơn vị chủ quản và hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục các cấp. Cùng với đó là vai trò giám sát của hội đồng nhân dân, sự phối hợp của chính quyền địa phương...
Khi bàn đến vấn đề này, tại một số diễn đàn giáo dục trên không gian mạng, nhiều người đã dẫn lại câu chuyện của một trường quốc tế dạy học bằng tiếng Anh ở TP Hồ Chí Minh mấy năm trước. Chuyện là, khi biết trường này không tổ chức chào cờ, không cho học sinh hát Quốc ca, một vị đại biểu hội đồng nhân dân đã đưa vấn đề này ra thảo luận tại một kỳ họp. Theo vị đại biểu này, dù là trường quốc tế nhưng học sinh là người Việt Nam thì phải chào cờ Tổ quốc, phải được hát Quốc ca. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là bổn phận của công dân ở một đất nước có độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Không thể lấy lý do trường quốc tế, đa văn hóa để bỏ qua những nghi thức, quyền và nghĩa vụ tối thiểu đó. Khi được chấn chỉnh, đơn vị làm sai đã phải sửa.
Những người dẫn lại câu chuyện ấy muốn nhấn mạnh một vấn đề, đó là: Trường học, đơn vị giáo dục đó có thể sai; bộ máy quản lý, cán bộ, giáo viên nhà trường có thể sai, nhưng nếu chúng ta (tức cơ quan chức năng, giám sát các cấp) biết họ sai mà cứ làm ngơ, bàng quan, coi đó là chuyện nhỏ thì đấy là lỗi của chúng ta. Việc góp ý, nhắc nhở, chấn chỉnh để khắc phục bất cập, hạn chế từ những việc tưởng như là nhỏ nhưng lại không hề nhỏ, chắc chắn sẽ có hiệu lực, hiệu quả giáo dục tốt hơn. Cao hơn nữa, sâu hơn nữa là công tác thanh tra, giám sát chất lượng giáo dục, phải quan tâm đến những việc đó. Có như vậy Nhà nước mới giữ vững, phát huy vai trò chủ đạo trong xã hội hóa giáo dục, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong môi trường giáo dục.
Muốn tương lai không bắn vào ta bằng “đại bác” thì hiện tại, ta phải quản lý chặt chẽ “súng lục”, đừng để xảy ra hiện tượng giáo dục tư nhân, giáo dục quốc tế, giáo dục ngoài công lập tùy tiện “bóp cò” một cách tự nhiên chủ nghĩa.
Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục các cấp.
LỮ NGÀN