Lê Lựu (1942-2022) quê ở xã Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên), từng làm phóng viên Báo Quân khu 3, phóng viên mặt trận tại chiến trường Trường Sơn. Ông tham gia lớp bồi dưỡngviết văn của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá (Hà Nội), làm biên tập viên, Trưởng ban Văn xuôi rồi Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Tác phẩm chính đã xuất bản (chỉ xin giới thiệu ở mảng tiểu thuyết): “Mở rừng”, “Ranh giới”, “Thời xa vắng”, “Đại tá không biết đùa”, “Chuyện làng Cuội”, “Sóng ở đáy sông”, “Hai nhà”. Ông từng đoạt Giải A Hội Nhà văn Việt Nam (1990) với tiểu thuyết “Thời xa vắng” và được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật đợt 1 năm 2001...

Cả một đời văn vạm vỡ và nổi tiếng, nhưng đúng như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, không có “Mở rừng” sẽ không có những “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”... Không chỉ đúng với nghĩa đen là câu chuyện miêu tả những con người vượt qua bao khó khăn tưởng chừng như không thể để mở đường cho đoàn quân tiến vào Nam, “Mở rừng” còn đúng với nghiệp viết của tác giả, như chìa khóa mở ra cả một kho báu về vốn sống, về lối viết, tức là mở ra rồi định hình một phong cách Lê Lựu trong các tiểu thuyết sau đó. Ngoài nội dung mang tầm sử thi hoành tráng của đất nước những năm 1972, 1973 đánh Mỹ cực kỳ ác liệt, như là sự đi trước, tác phẩm còn đặt tiền đề cho đổi mới văn chương, mạnh dạn đi sâu vào những góc khuất bi kịch rất riêng của người lính.

Bối cảnh câu chuyện là một binh trạm vận chuyển trên đường Trường Sơn: Đầu mùa mưa 1972, Quang Văn được cử làm Chính ủy Binh trạm 120 gặp lại bạn cũ là Trạm trưởng Lan, Đại đội trưởng Trường và nhận ra hai người này đang có mâu thuẫn. Mùa mưa, toàn binh trạm dồn sức đưa hàng qua các ngầm. Bom Mỹ ném liên tục. Số xe vận tải của Đại đội 3 cháy quá nửa. Giặc thả bom nổ chậm. Trường đề nghị cho xe lên phá. Vũ xung phong đi. Thắng lợi nhưng Vũ bị thương. Ở quê, bố và em trai Vũ chết vì bom Mỹ. Trường bị nghi phản bội vì xe luôn trúng bom. Chính Trường tìm ra nguyên nhân là do giặc thả “cây nhiệt đới” thu phát tiếng động của xe... Giữa chiến trường, tình yêu của Vũ và Bình Nguyên (con gái Quang Văn) nảy nở như sự thách thức đạn bom khốc liệt. Trường được nghỉ phép về quê cưới vợ nhưng lỡ làng vì chờ đợi mãi, lại có tin Trường hy sinh nên người yêu đi lấy chồng khác. Trường trở lại đơn vị, được Thú vun vén với Ngà. Khép lại tác phẩm là hình ảnh đám cưới Trường-Ngà giữa Trường Sơn, nhưng mở ra cả một chân trời ý nghĩa: Giữa cái chết là vô cùng sự sống, giữa bi kịch là vô cùng hy vọng, giữa gian lao, ác liệt là tình yêu tỏa hương...  

leftcenterrightdel

Nhà văn Lê Lựu. Ảnh do gia đình cung cấp

Tác phẩm đã điêu khắc hình tượng người lính với chất liệu hiện thực cuộc sống ở Trường Sơn khi ấy. Người lính anh hùng, kiên cường, mưu trí đã chiến thắng giặc Mỹ tinh khôn lắm của nhiều tiền, vũ khí tối tân. Họ hiện lên thật đẹp, trữ tình với những mối tình đầy thi vị, cũng thật sử thi hoành tráng với những chiến công... Trên hết là họ có tâm hồn thật đẹp, trong sáng, thánh thiện. Đó là điểm tựa để người lính sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, vì đồng chí, đồng đội. Nhưng cũng có lúc họ buông xuôi, hèn nhát, tham sống... Nhờ thế mà tiểu thuyết mang tính chân thực cao.

Một nét thi pháp tiểu thuyết mới mẻ được nhà văn triệt để sử dụng là trao điểm nhìn cho nhân vật. Những ngầm Lương Khô, đỉnh cao Phù Lã, đài chị Hằng... khi được khúc xạ qua những tâm hồn trẻ đang yêu bỗng nên thơ lạ lùng. Thông qua điểm nhìn nhân vật, các không gian luôn được hoán đổi, đa dạng và khác lạ. Qua tâm trạng của Thú-một chàng trai giàu tình cảm-thì một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ hiện ra như thước phim vậy. Nhà văn trao quyền kể cho Thú: “Ngày mai ngày kia bão tan nếu ở nhà mình nhất định vác nơm ra đồng cùng bọn trẻ choai choai bâu kín lại ở những cống chụp, vồ cá từ trong các ao tràn ra, hoặc men theo những bờ ruộng lúa chỉ còn loáng thoáng những ngọn phất phơ để đơm cá đàn. Những ngày bé thấy trò ấy thích, nhớn lên nhìn cảnh ruộng lúa đang ngập lụt đổ gãy quấn quýt vào nhau thì xót ruột không sao yên được. Mưa bão quê mình lần nào cũng thấy phũ phàng làm gãy đổ giập nát”. Nhờ cách miêu tả trong hồi tưởng nên không chỉ có cảnh vật tươi nguyên sống động, còn có cả cái men say nồng nàn, lại có cả cái đắng đót, xót xa của người con đi xa nắc nỏm nhớ về quê.

leftcenterrightdel
 Tiểu thuyết "Mở rừng" của nhà văn Lê Lựu. Ảnh: NGUYỄN TÚ

Có người nhận xét “Mở rừng” có nhiều độc thoại, thực ra đó là những đối thoại. Độc thoại thường nói với mình, giọng thường bị chìm đi, hướng nội. Đối thoại là nói với người khác, dù trong tâm tưởng, nó vang lên, hướng ngoại: “Anh nhớ những buổi chiều khoác áo tơi, dắt con bò sứt mũi gặm sừn sựt những vạt cỏ lóng lánh như thủy ngân ở ria đường... Mẹ ơi con vẫn đi, đi bao nhiêu vùng rừng núi, xa mẹ mà con vẫn nhớ mùi khói ấm của mẹ. Chiều nay ở nhà ta mưa hay nắng? Lý ơi! Em vẫn về với mẹ trong những ngày nghỉ như ngày xưa em vẫn nói với anh phải không?”. Đây là “đối thoại” của Trường, một anh lính xa quê, xa mẹ già, xa người yêu (Lý), xa công việc rất “nhà quê” (chăn bò). Lời văn đa thanh, đa giọng, là lời miêu tả (khi chăn bò), lời gọi (mẹ ơi, Lý ơi), lời hỏi, lời kể... Bao trùm lên là giọng băn khoăn đầy trăn trở để bật toát ra một ý nghĩa phổ quát: Thì ra chiến tranh mà quân Mỹ xâm lược gây ra đã cướp của con người cả ước mơ nhỏ bé, bình dị nhất! Người lính phải cầm súng để đòi lại những ước mơ bình thường ấy!

Người đọc còn bắt gặp giọng cật vấn về ngày mai đầy triết lý như là nói với hôm nay. Có đứa con không được như ý, Chính ủy Quang Văn nghĩ nhiều về nó: “Chao ơi, nó sẽ thế nào khi hòa bình trở lại? Nó sẽ nói gì với cha nó, em nó, bạn bè nó, những người đã cống hiến cả thời trai trẻ thanh xuân của mình cho đất nước, cho có ngày nó sống yên thân... Lúc ấy hoặc người ta đã quên đi, hoặc không còn phân biệt được ai là người đã đi dọc đời mình với đá với cây với thú dữ và bom đạn, đói thiếu, ai là người đã xáp mặt với thằng địch hàng mấy chục năm, mang trên mình bao nhiêu mảnh đạn bao nhiêu vết hằn cùm trói, đòn tra. Dễ gì mấy ai nhìn ra...”. Đúng là lời suy tư của một Chính ủy nhưng không lên gân mà nhẹ nhàng, thấm thía... Đó cũng là một biểu hiện của tài năng: Giáo huấn mà không hề giáo huấn, vì đúng với bối cảnh, với thời điểm, với nhân vật!

Ở “Mở rừng”, Lê Lựu đã “kiến tạo” một cuộc sống Trường Sơn “thứ hai” sinh động như vốn có. Tôi nhớ, một lần nói chuyện với cánh viết trẻ chúng tôi, nhà văn khẳng định: “Phải có vốn sống, vốn chữ để viết. Phải sống thật, trải nghiệm thật mới tích lũy được vốn sống. Phải đọc nhiều để có vốn chữ. Tôi bất tài, nhưng viết được là nhờ tôi có vốn...”. Tuy có phần khiêm tốn nhưng điều đó rất thật đối với nhà văn của Trường Sơn-Lê Lựu. Vì ông đã gắn bó sống chết với Trường Sơn. Đằm sâu một vốn sống nên ông viết thật. Giàu có vốn chữ nên ông viết mới!

NGUYÊN THANH