Thơ chị đem đến niềm tin, tình yêu Tổ quốc, mở ra cả một chân trời lạc quan đất nước mình bình yên, hạnh phúc. “Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường/ Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Ðánh lạc hướng thù”. Đó là những câu thơ trong bài thơ “Khoảng trời hố bom” giành một trong 4 giải nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ (1972-1973), tác giả là Lâm Thị Mỹ Dạ, khi ấy mới ngoài 20 tuổi.
Bài thơ của Mỹ Dạ nói về cái chết của người con gái rất trẻ, đầy tương lai, thế mà không làm người ta buồn, ngược lại như được tiếp thêm niềm tin và nghị lực. Vì đó là những cái chết gieo mầm sự sống để đất nước mình nở hoa độc lập. Những cái chết ấy đã mở ra “khoảng trời” tự do cho đất nước: “Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Ðất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau/ Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh...”. Những câu thơ này không chỉ mãi mãi tỏa sáng trong lịch sử văn học mà nó sẽ trở thành ký ức cộng đồng để trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Không chỉ là ghi công các liệt sĩ mà cao hơn, bài thơ góp phần lý giải vì sao chúng ta thắng đế quốc Mỹ, vì “đất nước mình nhân hậu”, vì “có nước trời xoa dịu vết thương đau”. “Nước trời” là nước gì? Hẳn nhiên nghĩa đen là “nước mưa”, không đơn giản thế, hình tượng đã vượt tầm nghĩa thông thường để vươn tới miền cao cả, thiêng liêng nhất. Có thể hiểu đó là chân lý, là tình thương, là chính nghĩa, là lịch sử, là tâm linh ở nghĩa lớn lao, trong sáng nhất. Những cái chết vì đất nước sẽ tạo ra những “khoảng trời”, sẽ “tỏa sáng”, sẽ thành “những vì sao ngời chói, lung linh”... Được nâng bởi hai cánh hiện thực và lãng mạn, những câu thơ mang hồn đất nước ấy sẽ bay vào bầu trời văn hóa dân tộc để rồi vĩnh cửu cùng thời gian lịch sử!
|
|
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
|
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18-9-1949 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), từng làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương, học Trường Viết văn Nguyễn Du (1978-1983), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V, là tác giả hơn 10 tập thơ đã xuất bản. Chị nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhờ vốn sống phong phú cùng một mẫn cảm nghệ thuật rất riêng, Mỹ Dạ đã góp một tiếng thơ đặc sắc, tiêu biểu trong thơ thời chống Mỹ. Thơ chị trong sáng như tiếng chim gọi bình minh: “Hôm qua bom nổ trước thềm/ Sáng ra trời vẫn ngọt mềm tiếng chim”. Một đối cực tuyệt vời, bom giặc nổ ngay trước thềm nhà nhưng vẫn không ngăn được tiếng chim tự do, tiếng chim hòa bình. Thơ chị tinh khôi nhưng có gì đấy mong manh “như hạt sương/ Trong chiếc lá của hạnh phúc”. Thơ chị tràn đầy hy vọng: “hồn xanh như cỏ/ hồn đầy nụ xanh”. Thơ chị giàu có liên tưởng: “Ánh trăng tan vào hoa cau/ nồi cơm sôi có tiếng cơn mưa...”. Thơ chị là tiếng nói của niềm tin. Niềm tin là cơ sở của tình yêu, tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu vượt qua mọi thách thức, mà chiến tranh là thách thức lớn nhất: “Bao năm rồi đánh Mỹ/ Lòng tin vẫn y nguyên/ Đạn bom không xóa được/ Nét mùa xuân hồn nhiên” (Tiếng mùa xuân).
Thời nào cũng thế, đời nào cũng thế, tình yêu luôn đi liền với sự băn khoăn. Vì tình yêu là quý nhất, giá trị nhất, thiêng liêng nhất. Mà tình yêu là để gửi trao, để cho, để nhận. Không băn khoăn sao được, chẳng may trao nhầm, nhận nhầm... Một đặc điểm của thơ tình yêu thời chống Mỹ là sự băn khoăn ấy luôn nằm trong phạm trù đạo lý. Chuyện đạo lý là chuyện tốt-xấu, hay-dở. Tiêu chuẩn chọn người yêu của nam, nữ thời ấy là bộ đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong... vì trong hoàn cảnh chiến tranh thì xã hội đã mặc nhiên coi đó là những người tốt. Điều băn khoăn của cô gái trong thơ Mỹ Dạ cũng là niềm băn khoăn tiêu biểu cho bao cô gái ngoài đời: “Trời anh mênh mông/ Mây em bay lượn/ Gió anh bao la/ Cây em ve vuốt/ Đất anh thẳm sâu/ Lúa em cúi đầu/ Nhưng sao vẫn hỏi/ Day dứt trong lòng/ Anh có tốt không” (Anh có tốt không?). Và khi đã yêu nhau rồi thì mong muốn về nhau cũng là làm “người tốt lành” (không như bây giờ phải là người giỏi, người giàu...): “Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh/ Anh ơi, anh có biết không/ Vì anh em buồn biết mấy/ Tình yêu khắt khe thế đấy/ Anh ơi anh đừng khen em” (Anh đừng khen em).
Sau năm 1975, thơ Mỹ Dạ chuyển sang giọng triết lý. Có những triết lý mang tầm thời đại. Bài thơ “Bức tường đen” là một “cật vấn” của lịch sử ra đời trong hoàn cảnh tác giả sang nước Mỹ, đến thăm Bức tường đen ở Washington D.C khắc tên 58.000 lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Nhà thơ đau cùng nỗi đau của những bà mẹ Mỹ: “Có phải/ Tôi đã đến đây bằng trái tim người mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mỹ mất con/ Có phải/ Tôi đã nhập thân vào người mẹ ấy/ Người mẹ khóc con suốt mấy mươi năm/... Giọt nước mắt như giọt lửa bỏng rát mẹ vẫn khóc cho anh”. Một liên tưởng tinh tế, một sự chuyển đổi hình tượng đột ngột, bất ngờ: “Giọt nước mắt như giọt lửa bỏng. Nếu trong giọt nước mắt có nỗi đau nghẹn ngào mất con thì trong “giọt lửa bỏng rát”, nỗi đau không chỉ như “xát muối” mà còn thêm một sự uất hận căm thù kẻ gây ra chiến tranh. Đoạn sau như một bổ ngữ làm rõ hơn điều ấy: “Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Bức tường đen như một vết thương/ Nằm im lặng giữa lòng nước Mỹ/ Nhức nhối không bao giờ thành sẹo”... Nếu bài thơ được dịch ra tiếng Anh rồi khắc vào Bức tường đen này sẽ trở thành một biểu tượng hoàn chỉnh về tiếng nói lên án chiến tranh, kêu gọi nhân loại hãy cùng yêu thương nhau trong hòa bình!
Thơ kỵ sự dễ dãi. Thơ phải là sự gạn chắt nỗi niềm sâu sắc riêng để tri âm lòng người. Không cứ phải có nỗi đau mới có thơ, nhưng có sự thẳm sâu chất chứa nỗi niềm thì thơ đến dễ dàng hơn. Tuổi thơ buồn của Mỹ Dạ đi vào thơ trở thành nỗi ám ảnh: “Em có nỗi buồn như tro/ Hoang lạnh cả một đời thiếu nữ” (Anh đã nhìn thấy em). Một hiện tại vất vả (chồng là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến nhiều năm), bản thân Mỹ Dạ cũng mang bệnh nhưng vẫn phải làm điểm tựa cho cả nhà: “Em tựa vào em-đơn độc quen rồi/ Em tựa vào em-gắng vững giữa đời”. Không có chữ “đau” nhưng nỗi đau cứ như bật ra từ con chữ: “Trên đôi vai bình yên/ Mà bão dông nghiêng ngửa!/... Em quặn mình như rễ giữa đất im” (Cho anh tựa vào em). Đây là một triết lý về nỗi đau và hạnh phúc-một nét phong cách đối cực trong thi pháp thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Ôi trái tim/ Sao em lại mang dáng lưỡi cày/ Để suốt đời không bao giờ yên ổn/ Để suốt đời cày lên/ Cày lên/ Đớn đau và hạnh phúc...” (Nói với trái tim)...
Người thơ ấy, nhà thơ ấy, như một thiên sứ đã rời cõi tạm để bay về thiên giới ngày 6-7-2023. Nơi ấy chắc chị cũng vừa lòng bởi thế hệ sau vẫn đang viết tiếp những tiếng lòng thơ “Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa”...
NGUYÊN THANH