Nghệ sĩ Tuấn Long hiện nay là Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Đoàn Văn công Quân khu 1 khu vực Hà Nội. Ông cho biết, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập đoàn vào tháng 10-2022, ban liên lạc sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để ôn lại một thời hoa lửa với những đêm diễn “có một không hai” phục vụ bộ đội. “Tôi có 35 năm gắn bó với đoàn từ khi là Đội Tuyên truyền văn hóa văn nghệ của Liên khu Việt Bắc, nên có biết bao kỷ niệm thăng trầm. Nhưng nhớ nhất là khoảng thời gian ở tổ sáng tác với nhạc sĩ Đàm Thanh, tác giả của hai ca khúc nổi tiếng “Anh chiến sĩ quân bưu vui tính” và “Tôi là Lê Anh Nuôi”-nghệ sĩ Tuấn Long thổ lộ.

Khi tôi hỏi về ca khúc “Tôi là Lê Anh Nuôi”, như chạm đúng mạch cảm xúc, nghệ sĩ Tuấn Long không khỏi bồi hồi nhớ về nhạc sĩ tài hoa người dân tộc Tày mà ông vô cùng mến phục...

Đàm Thanh sinh năm 1940 tại xóm Cốc Lại, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Năm 1961, ông tốt nghiệp trung cấp âm nhạc tại Nhạc viện Việt Nam rồi gia nhập Đoàn Văn công khu tự trị Việt Bắc do nhạc sĩ Đỗ Minh và nhà thơ Nông Viết Toại chỉ huy. ông đảm nhiệm vai trò sáng tác âm nhạc và đã cho ra đời các vở nhạc kịch “Kim Đồng” và “Bác kỹ sư” trên kịch bản của Nông Viết Toại. Đến năm 1967, Đàm Thanh nhập ngũ tại Sư đoàn 304, một năm sau thì được biên chế về Văn công Quân khu Việt Bắc. Tại đây, ông là thành viên của tổ sáng tác với các tên tuổi một thời như: Nguyễn Lầy, Tuấn Long, Duy Luận, Kim Tiến... “Tính tình của Đàm Thanh tự do, phóng khoáng, nhạy bén và cũng rất mực tài hoa”, nhạc sĩ Tuấn Long nhận xét về đồng nghiệp.

leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ Tuấn Long chia sẻ những kỷ niệm về đồng nghiệp. Ảnh: TUẤN TÚ

Là một trong số ít người trực tiếp chứng kiến quá trình ra đời của hai ca khúc “đi cùng năm tháng” của Đàm Thanh, nghệ sĩ Tuấn Long kể: “Hồi ấy, Cục Chính trị Quân khu Việt Bắc phát động đợt thi đua sáng tác ca khúc kéo dài 3 tháng để chuẩn bị cho hội diễn toàn quân. Trong khi hầu hết các đơn vị đã nộp đầy đủ tác phẩm, thậm chí còn hoàn thành trước thời hạn thì Đàm Thanh chẳng có động tĩnh gì. Hằng ngày, anh mải mê đi vào rừng săn thú hoang hoặc ngồi uống trà, hút thuốc. Khi Tổ trưởng tổ sáng tác Nguyễn Lầy giục lên giục xuống, Đàm Thanh vẫn thong thả nói: “Tổ trưởng cứ bình tĩnh, tà tà rồi đâu sẽ có đó!”. Kết quả là đến đúng ngày hẹn, anh đã nộp không chỉ một mà là hai tác phẩm ấn tượng”.

Cả hai tác phẩm mới của Đàm Thanh đều được trao cho ca sĩ Trần Tiệp thể hiện đầu tiên. “Anh chiến sĩ quân bưu vui tính” được các cấp “thông quan” ngay, chỉ lược bớt chữ “chiến sĩ” trong tựa đề cho ngắn gọn hơn, nhưng “Tôi là Lê Anh Nuôi” lại gặp phải trục trặc nhỏ. Trong lời bài hát nguyên thủy có câu: “Có cô em kia má lúm đồng tiền, duyên ơi sao duyên, em hỏi thiệt tình: Tên anh là gì?/ Tôi à, anh ấy à?... là... là Lê Trung Úy”. Khi tổng duyệt, Cục Chính trị quân khu không duyệt bài hát vì cho rằng anh nuôi có “tư tưởng địa vị”, phải sửa, duyệt lại mới được hát. Đúng dịp ấy, hai nhạc sĩ Trọng Hối và Quốc Viễn của Phòng Văn nghệ quân đội (nay là Phòng Văn hóa văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị

Quân đội nhân dân Việt Nam) xuống kiểm tra đoàn. Hai người đề nghị Trần Tiệp hát lại ca khúc nhiều lần. Bỗng anh Quốc Viễn búng tay một cái tách và cười nói: “Tiệp hát lại câu đó như thế này xem nào!... Em hỏi thiệt tình, em yêu anh rồi... Tên anh là gì?/ À!... em yêu tôi rồi, tôi yêu em rồi... tên anh là... là Lê Anh Nuôi... là Lê Anh Nuôi/ Ô này la là là... “Với lời mới ấy, bài hát nhanh chóng được duyệt và Trần Tiệp mang bài hát cùng “Anh quân bưu vui tính” đi diễn khắp quân khu”-Nghệ sĩ Tuấn Long nhớ lại.

Sau này, ngoài ca sĩ Trần Tiệp, nghệ sĩ Trần Hiếu và Quang Hưng cũng biểu diễn rất thành công hai ca khúc trên. Bản thân nhạc sĩ Đàm Thanh suốt một thời gian dài dường như cũng được “đóng đinh” cùng hai ca khúc của mình, mặc dù sau đó ông còn cho ra đời nhiều ca khúc không kém phần nổi tiếng như: “Con trâu”, “Cánh đồng mùa gặt”, “Con voi một ngà”, “Bài ca lái xe đêm”... Rất tiếc, khi tài năng vẫn đang nở rộ, người nhạc sĩ tài hoa đột ngột từ trần vào một ngày cuối năm 2003 khi đang hướng dẫn các ca sĩ của Đoàn Ca múa nhân dân Cao Bằng tập hai tác phẩm ông viết về dân tộc Dao. “Sự ra đi của Đàm Thanh đã để lại nhiều tiếc nuối cho đồng đội. Nhớ về anh và những nghệ sĩ góp phần làm nên thương hiệu “Văn công Việt Bắc”, chúng tôi đang tổ chức sưu tầm và xuất bản tuyển tập tác phẩm của họ để lưu giữ cho mai sau”-Trung tá Trần Tuấn Long cho biết.

SONG THANH