Chị Thương là câu chuyện đầu tiên trong cuốn sách kể về một người vợ bộ đội đảm đang, đôn hậu, thương chồng đã giấu việc anh đào ngũ ở lại nhà ít ngày, hy vọng có thêm đứa con trai, rồi mới động viên chồng trở lại đơn vị. Câu chuyện có nhân vật cụ thể, sống động. Đó cũng là nhân vật duy nhất được lấy làm tên truyện. 15 truyện còn lại đều được đặt tên theo sự kiện, như: Tết Mậu Thân và những biến cố trong rừng Tân Lạc, Chuyến thăm bất ngờ của bố, Ký ức nhói lòng trận Măng Mô, Về huyện nhà báo công, Một lần “cãi” cấp trên, Qua sông Thạch Hãn năm 1972, Chuyến đi thị sát biên giới cùng tướng Nguyễn Hữu An hoặc đặt tên theo tâm trạng, cảm xúc: Nhớ về Thanh Bình, Day dứt Ta Can... Dù ở phương diện nào thì 16 câu chuyện kể trong tập sách cũng vẫn hiện lên một chân dung tập thể những anh hùng chiến trận qua bao năm tháng chiến tranh. Tác giả không chú ý đặc tả một nhân vật đồng đội, đồng chí nào của mình quá kỹ càng, chi tiết. Tất cả đều dừng lại đủ độ sinh động như những phác thảo ký họa.

Mấy chục năm sau chiến tranh, thể loại hồi ký phát triển khá mạnh. Bên cạnh những hồi ký chiến tranh của các cựu chiến binh, độc giả Việt Nam đương đại còn biết đến nhiều cuốn hồi ký của các tướng lĩnh. Qua sông Thạch Hãn là cuốn sách đầu tiên do chính Trung tướng

Nguyễn Đức Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng trực tiếp viết. Vì vậy, ông có lối kể chuyện hồn nhiên, chân chất mà câu văn đọc đến se lòng. Không những thế, về kết cấu, truyện ông kể thường có kiểu kết thúc bằng những câu khái quát tư tưởng, đúc rút kinh nghiệm, theo kiểu tổng kết một trận đánh. Độc giả khó tính có thể không thích lối kết kiểu “dạy dỗ” thế, nhưng chỉ sau vài truyện, nếu ông không viết thế, người đọc lại nghi ngờ, thấy thiếu thiếu một điều gì đó, chưa minh bạch. Tất nhiên, ông không để cho họ thiệt thòi. Truyện nào ông kể cũng chu đáo, có gói có mở, tổng kết rõ ràng. Người đọc chỉ nhận ra từ các câu chuyện sự trưởng thành của một chiến sĩ qua từng chiến dịch, trên chiến trường Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Quảng Trị rực lửa hay cuộc hành quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn năm 1975... 

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn "Qua sông Thạch Hãn" của tác giả Nguyễn Đức Sơn. Anh chụp lại

Trong câu chuyện Chuyến đi thị sát biên giới cùng tướng Nguyễn Hữu An, tác giả kể trung thực về chuyến đi cùng Trung tướng Nguyễn Hữu An năm 1987 (lúc bấy giờ là Quyền Tư lệnh Quân khu 2). Chuyện rằng, khi Trung tướng Nguyễn Hữu An hỏi đến bằng cấp học hành, tác giả kể có đi học ở học viện 3 lần nhưng đều là những lớp ngắn hạn. Tướng Nguyễn Hữu An động viên đàn em: “Tớ và cậu giống nhau, toàn học ngắn... cứ chuẩn bị đi học dài, học nước ngoài thì lại bị hoãn vì có nhiệm vụ mới. Thế thì mình học từ anh em, đồng đội, từ thực tế, như tớ cũng lên được tướng đấy thôi”. Tâm sự của hai sĩ quan cao cấp trên vùng biên cương Tổ quốc bộc lộ vẻ đẹp tinh thần của những người cầm quân tài ba, suốt đời đánh trận. Đó là những người chịu thiệt thòi, vì nói như lối nói đánh giá lý lịch lâu nay, là không được “đào tạo một cách bài bản, chính quy”. Phẩm chất cách mạng và tài năng vô tình cản trở họ trên con đường học hành tiến thân. May mắn là những con người ưu tú đó đã vượt lên tất cả, để “học từ anh em, đồng đội, học từ thực tế”. Cuộc sống chiến đấu đầy thử thách của dân tộc đã trang bị cho họ những bài giảng khoa học nhất, thực tế nhất.

 Với Qua sông Thạch Hãn, tuy vẫn viết bằng cảm xúc của tình yêu và nỗi nhớ, nhưng không rơi vào những trang viết kể chuyện chết chóc, thường “hành hạ” trí tưởng tượng của độc giả thời hòa bình. Toát lên từ 16 câu chuyện chiến tranh này vẫn là tình yêu cuộc sống, con người, là niềm tin vào tương lai và vẻ đẹp bình dị của người lính Cụ Hồ nửa sau thế kỷ 20. Đó thực sự là những hồi ức “mang lửa”. Tôi rất mừng là cuốn sách đã được phát hành đúng dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022)-nơi mà Nguyễn Đức Sơn đã trải qua một mùa hè đáng nhớ trong đời binh nghiệp của mình!

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG