Thậm Thình là tên một xóm nhỏ (nay thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), theo nhiều cứ liệu, thời Hùng Vương là trung tâm buôn bán, cũng là nơi để các quân tướng, tộc trưởng ở xa về nghỉ chân trước khi vào chầu Vua Hùng... Theo truyền thuyết, đây cũng là nơi Vua Hùng dựng lầu giã gạo. Như vậy, tên gọi Thậm Thình là sự chuyển nghĩa từ động tính từ chỉ âm thanh của những tiếng chày giã gạo đều đều, liên tục thành danh từ chỉ địa điểm, nơi chốn. Một biểu hiện tinh tế, linh hoạt của ngôn ngữ, vừa để chỉ địa danh, vừa để nói lên một sự kiện quá khứ, thậm chí là sự khái quát cao nhất về một sự kiện lịch sử.

Hai tiếng “thậm thình” gợi nên những thanh âm dân dã, quen thuộc, gắn liền với một sự kiện về cội nguồn trong truyền thuyết nên dễ tạo ra sự quan tâm. Ngay cái vỏ âm thanh “thậm thình” đã gợi liên tưởng về một vị vua Tổ bình dân như người thường. Thế là khoảng cách giữa nhân vật trữ tình (Vua Hùng) và người đọc được rút ngắn đến mức thấp nhất. Đến bài thơ này lại thêm một lần rút ngắn để đưa tất cả về trong một mặt phẳng không gian chung, cùng nghe âm hưởng “thậm thình”.

 

Qua Thậm Thình

   Đi qua xóm núi Thậm Thình

Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm

     Vua Hùng một sáng đi săn

Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này

        Dân dâng một quả xôi đầy

Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi

        Đẹp lòng, vua phán bầy tôi

Tìm đất kén thợ, định nơi xây nhà

       Trăm cô gái tựa tiên sa

Múa chày đôi với chày ba rập rình     

       Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình

Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.

        Không còn dấu cũ lầu son

Phía sau thành phố khói vờn trong mây     

       Trời cao. Bóng tỏa đường cây

Nhịp chày xưa thoảng đâu đây... thậm thình.

                                                       Việt Trì, tháng 7-1971

Bài thơ mở ra một không gian “xóm núi Thậm Thình” để cái tôi trữ tình tác giả làm nhiệm vụ bắc cầu cảm xúc đưa người đọc về ngày hôm qua với “nước non mình nghìn năm”: “Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm”. Chữ “nhớ” tinh tế được đặt ở vị trí giữa câu, nối cái “bâng khuâng” hiện tại và “nghìn năm” quá khứ. Mười câu giữa bài là cảnh của hôm qua:

         Vua Hùng một sáng đi săn

Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này

Trong hồi ký, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi kể lại thật thú vị quá trình sáng tác bài thơ (từng được chọn in trong sách giáo khoa). Lần ấy, trong chuyến đi thực tế, nhà thơ đến Thậm Thình, nghỉ chân ở quán nước, được một bà cụ hiền lành, phúc hậu kể cho nghe sự tích xóm Thậm Thình gắn liền với sự kiện Vua Hùng, thế là “ý tưởng rất thơ” vụt đến. Cái tứ chắc chắn của bài thơ nhanh chóng được hình thành. Viết về sự kiện nên phải có nhân vật (Vua Hùng), thời gian, không gian (một sáng, trưa tròn bóng nắng), địa điểm (chốn này). Viết về thời quá khứ nên dùng cách nói hôm qua, dân dã: “Tròn bóng nắng”, tức giữa trưa. Đây cũng là thời điểm phù hợp nhất để “nghỉ chân”, nhưng logic hơn cả là với việc:

        Dân dâng một quả xôi đầy

Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi

Không phải như có người hiểu “quả” trong “quả xôi” là chỉ kết quả (trừu tượng), mà là danh từ “quả xôi” thật. Ngày nay, cách dùng này vẫn còn, trong từ “mâm quả cưới”, vật phẩm quan trọng của một đám cưới. Hình tượng đĩa xôi-một hình ảnh thu nhỏ từ “quả xôi”, luôn có trong các mâm cỗ cúng giỗ của người Việt, ngoài ý nghĩa kính trọng tổ tiên, kính trọng người đã khuất, còn là một dấu chỉ biểu nghĩa nhắc về cội nguồn ngày xưa cha ông ta lao động cày cấy làm nương trên núi. Thế nên dù ở miền biển không cấy lúa nếp, trong mâm giỗ cúng vẫn thường có đĩa xôi, nhà giàu thì làm xôi gấc, phổ biến là xôi trắng.

“Quả xôi đầy” bao giờ cũng hình tròn, thể hiện sự tròn đầy, viên mãn cùng với “bánh chưng”, “bánh giầy” gắn liền với quan niệm “trời tròn đất vuông” chính là thể hiện sự kính trọng, biết ơn của dân với vua, coi công lao của vua như trời, như đất vậy. Hình tượng “bánh chưng”, “bánh giầy” còn là cầu nối đưa ta về truyền thuyết Lang Liêu dâng lên vua cha thứ bánh được làm từ hạt gạo dẻo và tấm lòng thơm thảo của người con-một nông dân tảo tần sớm hôm lam lũ trên đồng đất gieo trồng, chăm chút cây lúa hiền lành.

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Ảnh: PHÚ THỌ

Sau khi đánh tan giặc Ân, Hùng Vương thứ sáu bèn gọi các con lại và nói ai đi tìm được vật phẩm quý giá nhất sẽ truyền ngôi cho. Trong khi các anh đi tìm những sơn hào hải vị, ngọc ngà châu báu thì Lang Liêu được thần mách chọn loại gạo nếp ngon làm bánh hình tròn và hình vuông có lá bọc ngoài, có nhân bên trong, gói trong đó bao ước mơ, khát vọng... Chàng được truyền ngôi, từ đó thành lệ, đến ngày Tết, các đời vua sau truyền cho dân làm các bánh này dâng cúng tổ tiên. Một huyền tích nhưng mở ra cả một chân trời ý nghĩa tinh tế, sâu sắc mà ý vị.

Nhưng còn ý này nữa được thể hiện trong phong tục ấy. Đó là “lòng dân” gặp “ý vua” hay là sự gặp gỡ giữa con người và đất trời, thiên nhiên:

        Đẹp lòng, vua phán bầy tôi

        Tìm đất kén thợ, định nơi xây nhà

“Tìm đất”, “kén thợ”, “định nơi” để “xây nhà” chính là một nét văn hóa phong thủy phương Đông đã có từ thời Vua Hùng. Đối chiếu truyền thuyết với thực tế thì chùm truyện Vua Hùng dựng nước và chùm truyện về Sơn Tinh, Thánh Gióng giữ nước đều gắn liền với các vùng đất thiêng: Nghĩa Lĩnh, Tản Viên, Sóc Sơn... Nét văn hóa này ăn sâu vào tập quán, không hề mê tín, nên ngày nay được ứng dụng một cách phổ biến.

        Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình

      Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.

Không chỉ là một vài “đêm đêm” mà là cả một thời gian dài lịch sử, “tiếng thậm, tiếng thình” ấy vang vọng khắp không gian đất Lạc Việt, sau này là Đại Việt... Vượt lên trên tính minh họa một sự kiện chào mừng Vua Hùng, tiếng chày còn là mã văn hóa gửi trong đó bao lớp nghĩa về “nghĩa tình nước non”.

Bài thơ mở ra là thời hiện tại, khép lại cũng là hiện tại. Kết cấu vòng tròn này thật tương hợp với các hình tượng vòng tròn được kiến tạo trong nội dung: Bóng nắng tròn, quả xôi tròn, bánh giầy tròn, điệu múa vòng tròn...

        Không còn dấu cũ lầu son

Phía sau thành phố khói vờn trong mây

        Trời cao. Bóng tỏa đường cây

Nhịp chày xưa thoảng đâu đây... thậm thình.

Hai thế giới hình ảnh đối nhau “dấu cũ lầu son” cổ xưa và “thành phố” hiện đại đưa suy tưởng người đọc trở về thực tại. Nhưng âm thanh “thậm thình” thì vẫn vang vọng trong tâm hồn. Một sự nhắc nhớ về truyền thống nhẹ nhàng, nhuần nhụy, sâu lắng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN

Chỉ 16 câu lục bát truyền thống-một hình thức gần như phù hợp nhất để thể hiện nội dung, ngắn gọn về câu chữ nhưng khéo léo tựa vào sự kiện “Vua Hùng một sáng đi săn...”, bài thơ tạo ra một sự dài rộng về lịch sử hôm qua, về không gian hôm nay. Sự kiện chính được đặt ở vị trí thượng nguồn để bao sự kiện nhỏ, như những dòng suối nhận thức chảy về dòng sông tình yêu nhẹ nhàng mà thao thiết chảy trong lòng người. Được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc, ý thơ được chắp thêm cánh nhạc để bay vào bầu trời mỗi tâm hồn Việt trao gửi tình yêu thương đồng bào cùng hướng về cội nguồn xứ sở!

NGUYÊN THANH