Thái Bá Lợi sinh ngày 8-4-1945 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1971, khi đang là quân y sĩ bám trụ trong khu rừng già Đại Lộc (Quảng Nam), anh được chuyển về Cục Chính trị Quân khu 5. Năm 1979, anh vào học Trường viết văn Nguyễn Du khóa I. Năm 1983, anh chuyển công tác về Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) cho đến khi nghỉ hưu.

Thái Bá Lợi có một gia tài văn xuôi đồ sộ, về tiểu thuyết có: Thung lũng thử thách (năm 1978); Họ cùng thời với những ai (năm 1981); Còn lại với thời gian (năm 1989); Trùng tu (năm 2003); Khê mama (năm 2004); Minh sư (năm 2010). Về truyện có Bán đảo (năm 1983); Đội hành quyết (truyện ngắn, năm 1994)... Năm 2021, Thái Bá Lợi-Tuyển tập (5 tập) dày hơn 3.000 trang ra đời. Nhà văn đã nhận nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam các năm 1983, 2010; Giải A Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2003; Giải thưởng văn học Đông Nam Á (S.E.A Write Award), năm 2013; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, năm 2012. Những thành quả đạt được đủ khẳng định Thái Bá Lợi là một trong số không nhiều nhà văn viết về chiến tranh được xã hội, bạn đọc chú ý, đánh giá cao.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Thái Bá Lợi và tác phẩm "Câu chuyện Đà Nẵng". Ảnh: NGUYỄN THANH

Với Thái Bá Lợi, nghề y giúp anh có điều kiện đi sâu vào tâm hồn con người để tìm thấy ở đó những vẻ đẹp, những căn tính riêng. Phẩm chất phân tích những trạng thái tâm lý trong những tình huống khác nhau giúp cho trang văn anh sâu sắc mà nhân hậu, tinh tế mà tỉnh táo. Trong tác phẩm của anh thường có nhân vật là quân y sĩ, như Nhương, Quang (Họ cùng thời với những ai), “tôi” (Trùng tu)... Thế giới nghệ thuật văn xuôi Thái Bá Lợi luôn được khúc xạ qua ký ức một con người từng trải giàu chiêm nghiệm, đầy ắp những kỷ niệm về các sự kiện trong chiến tranh. Nhờ vậy, tác phẩm gần với đời sống, giàu chất sống, để lại dư âm thao thức nơi độc giả. Ví như gấp trang cuối tác phẩm Trùng tu, độc giả sẽ nhận ra ở đời này không chỉ cần trùng tu di sản, cổ vật quý hiếm mà còn cần “trùng tu” ký ức để khơi mạch trở về quá khứ, để làm sao con người không được quên quá khứ, nhất là quá khứ vẻ vang của cha ông mình. Hiện thực của ký ức cũng phức tạp, đa dạng như chính nó. Nhân vật có tốt, có xấu, không tròn vo mà gồ ghề, đa chiều như ở giữa nơi chiến trường vậy. Đó là Mây-nữ trinh sát dũng cảm nhưng lại cả tin, ngây thơ, ngộ nhận (Hai người trở lại trung đoàn); là Vẻ-đại đội phó tài năng nhưng bị hạ cấp vì không chấp hành lệnh cấp trên (Thung lũng thử thách); là Hải-đại đội trưởng gan dạ lại bắn nhầm tiểu đoàn trưởng của mình (Bán đảo)... Cảm hứng chủ đạo trong hầu hết các tác phẩm của Thái Bá Lợi là vấn đề đạo đức (trung thực, hy sinh, bổn phận, trách nhiệm) trong chiến tranh. Nhìn từ góc độ “đổi mới” văn học thì tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai là một trong những tác phẩm mang tính tiên phong. Đúng với quy luật vận động của nội tại một nền văn học, sau năm 1975, âm hưởng sử thi, theo quán tính, còn vọng vào hầu hết các tác phẩm văn chương. Mà văn chương thời bình thì không thể chung giọng điệu với văn chương thời ra trận hừng hực khí thế, tất cả đều phải sáng trưng, địch ta phải rõ ràng... 

leftcenterrightdel
 Nhà văn Thái Bá Lợi giới thiệu tiểu thuyết "Trùng tu". Ảnh: NGUYỄN THANH

Hai loại hình nhân vật tỏa sáng làm nên vẻ đẹp riêng trong văn xuôi Thái Bá Lợi là hình tượng người lính và người phụ nữ. Nhờ sự vượt thoát ra ngoài cấu trúc của một nhân vật thông thường để mang giá trị văn hóa của thời đuổi giặc nên những hình tượng ấy vừa rất chung, phổ quát vừa rất riêng, cá biệt. Mỗi người lính đều có những nét tính cách, số phận khác nhau nhưng giống nhau ở phẩm chất tốt đẹp: Dũng cảm, vị tha, chiến đấu vì lý tưởng... Đó là những người lính như Thạch, Thanh (Hai người trở lại trung đoàn), Phan Nam, Trần Thán, Thái, Tánh (Họ cùng thời với những ai), “tôi” và “nó” (Trùng tu)... Với người phụ nữ, không chỉ là dũng cảm, gan dạ, họ còn hiện lên với tất cả sự trong sáng, giản dị, hồn nhiên, thật đáng yêu, đáng kính. Đó là Mây (Hai người trở lại trung đoàn), Lê (Họ cùng thời với những ai), Mai (Trùng tu), Khê (Khê mama)... Nhưng thể hiện rõ ngòi bút phân tích tâm lý sắc sảo, tinh tế và cũng thật ấm áp, nhân văn phải là ở truyện ngắn Đội hành quyết. Có một đứa con vì không vượt qua được khó khăn, gian khổ mà phạm tội nặng, người mẹ làm sao vượt qua được bi kịch ấy. Với trái tim và bản lĩnh của người mẹ, bà đã không gục ngã, trái lại còn là điểm tựa tinh thần cho người thân...

leftcenterrightdel

Tác phẩm "Thái Bá Lợi - Tuyển tập". Ảnh: NGUYỄN THANH

Mỗi nhà văn thường có vốn sống, hiểu sâu rồi nhập thân vào một vùng thẩm mỹ quen thuộc nào đó để viết. Với Thái Bá Lợi, đó là vùng Quảng Nam-Đà Nẵng, mảnh đất anh coi là quê hương thứ hai của mình. Nhà văn đã sống, chiến đấu và viết ở Liên khu 5 nổi tiếng là vùng trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt. Đi trọn hai cuộc chiến tranh vệ quốc, đó là vùng đất mạnh mẽ, anh hùng, bất khuất nhưng giàu có tình người, sâu đậm nghĩa ân. Điều ấy giúp cho những trang văn của anh như được phả vào chất đời thực, tươi tắn, sống động. Văn xuôi hấp dẫn nhờ sự đa dạng, đan cài các tình huống. Mà trong chiến tranh thì thật “thiên hình vạn trạng” các tình huống, được (phải) sống trong đó hoặc phải đọc nhiều, tìm hiểu, nghiền ngẫm thật sâu về nó thì nhà văn mới viết ra được trang văn có hồn. Là người trong cuộc, Thái Bá Lợi “kiến tạo” các tình huống như chẳng có gì khó khăn vì kể ra cái mình biết, mình chứng kiến. Văn anh thiên về kể, một giọng kể khách quan, điềm tĩnh hơn là lối tả “làm văn”, bóng bẩy. Đời viết của anh vắt ngang hai thời chiến tranh và hòa bình nên mỗi câu chuyện thường có kết cấu đan xen ký ức (quá khứ) và hiện tại. Sự “va chạm” giữa hai thời ấy làm bật ra một triết lý, một tư tưởng về thời thế và nhân thế. Vọng từ mỗi tác phẩm thường là những câu hỏi day dứt: Như một dòng chảy, miền thượng nguồn hôm qua đã sống, chiến đấu và hy sinh để giành độc lập, tự do, nơi hạ nguồn hôm nay có kế thừa, phát huy xứng đáng với quá khứ vẻ vang?

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ