“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B-52 ra đánh Hà Nội và căn dặn lãnh đạo Quân chủng PK-KQ. Người nói: Các chú muốn bắt cọp phải vào hang”-Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu cho biết.

Ngay sau đó, thực hiện lời dạy của Bác, Quân chủng PK-KQ đã đưa lần lượt 4 trung đoàn tên lửa vào Khu 4 tìm cách đánh B-52. Các đơn vị đã hiệp đồng tác chiến tốt, bắn rơi được B-52. Qua chiến đấu, các thành phần rút kinh nghiệm, giúp tổ nghiên cứu biên soạn hoàn thiện dần tài liệu cách đánh B-52, phổ biến xuống cho cán bộ, chiến sĩ tập luyện, xây dựng quyết tâm dám đánh và quyết thắng. Cho đến cuối tháng 11-1972, từ thực tế tác chiến ở chiến trường, phương án đánh B-52 cuối cùng đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê chuẩn. “Từ đây, chúng tôi lập kế hoạch tổ chức huấn luyện đánh B-52 trong toàn Quân chủng và ta hoàn toàn chủ động trong chiến dịch này”- Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu khẳng định.

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu. 

Khi có mệnh lệnh chiến đấu, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng PK-KQ đã giao cho Phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu trực tiếp xuống Trung đoàn 261 (Sư đoàn 361) phổ biến nhiệm vụ và khẩn cấp triển khai chiến đấu. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu kể: “Tôi chỉ thị cho Chính ủy Trung đoàn 261 là đồng chí Dương Đình Thảo đang trực chỉ huy, ra lệnh cho toàn trung đoàn triển khai chiến đấu. Tiểu đoàn kỹ thuật lắp ráp ngay tên lửa, cơ động nhanh đến các trận địa; gọi tất cả cán bộ, chiến sĩ đang đi phép, tranh thủ về. Rất mừng là bộ đội đều vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô”.

Sáng 17-12-1972, đồng chí Nguyễn Xuân Mậu vẫn đến các đơn vị, truyền đạt mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân chủng, nhắc bộ đội đào hầm trú ẩn và sẵn sàng chiến đấu, thực hiện mệnh lệnh của trên. Cho đến gần 20 giờ ngày 18-12, ông mới về đến Sở chỉ huy của Quân chủng đang sơ tán ở chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Lúc này đã có hai tốp máy bay B-52 của Mỹ đánh phá Hà Nội. Căng thẳng và quyết liệt...

Hai ngày đầu, hiệu suất chiến đấu còn thấp. Các đơn vị đã bắn hơn 30 quả tên lửa mà mới có 2 máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ. “Đã xuất hiện tư tưởng lo lắng, thiếu tự tin trong cán bộ, chiến sĩ. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điện nhắc nhở gay gắt, yêu cầu Quân chủng tìm nguyên nhân và khắc phục trong thời gian nhanh nhất. Đảng ủy Quân chủng hội ý và truyền mệnh lệnh, nhắc các đơn vị bình tĩnh, tiếp tục mở máy, tìm bắt B-52 như tập huấn. Chúng tôi cũng trực tiếp xuống các đơn vị tìm hiểu. Thì ra do Mỹ đã thay đổi cách đánh và tăng cường gây nhiễu. Nhiễu nặng quá, màn hình sáng không bắt được mục tiêu, do đó, nếu tiếp tục bắn theo phương pháp “ba điểm” đã được tập huấn sẽ không có kết quả. Quân chủng rút kinh nghiệm, bố trí các tiểu đoàn bắn theo phương pháp “một điểm”. Hiệu suất chiến đấu từ đó tăng dần. Cho đến đêm 26-12-1972, bộ đội tên lửa của ta đã bắn rơi hàng chục máy bay B-52, trong đó có nhiều chiếc rơi tại chỗ!”.

leftcenterrightdel

 Lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân chúc mừng Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, tháng 5-2022. Ảnh: Dương Toàn

Là cán bộ chính trị sâu sát, đồng chí Nguyễn Xuân Mậu hiểu rất rõ tâm lý của bộ đội. Vì vậy, 12 ngày đêm ông không về nhà nghỉ, dù gia đình ông ở cách đó không xa, mà thường xuyên có mặt tại Sở chỉ huy Quân chủng. Khi cần thiết, ông lại cùng đồng đội cơ động xuống các đơn vị, động viên, lắng nghe ý kiến của bộ đội.

“Nửa thế kỷ đã qua, nhìn lại, điều tâm đắc nhất là chúng tôi có một tập thể đoàn kết, thẳng thắn làm việc, kiên quyết, kiên trì nêu chính kiến và sẵn sàng phản biện với cấp trên mà không hề e ngại. Điện đàm của chúng tôi được nối thông đến Tổng hành dinh và các thủ trưởng Bộ. Những ý kiến của ngay cả cậu chiến sĩ cũng được chúng tôi tiếp thu, khi cần thiết đưa ra cuộc họp để thảo luận. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” thực sự là chiến thắng của tất cả chúng ta”-Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói.

 KIÊN CƯỜNG - KHẮC THUẦN