Phạm Ngũ Lão sinh năm Ất Mão 1255 tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Xuất thân từ một gia đình nông dân, ngay từ nhỏ, Phạm Ngũ Lão không chỉ miệt mài cày cuốc lao động mà còn tranh thủ say sưa rèn luyện võ nghệ và dùi mài văn chương.

Sử cũ chép rằng, một hôm, Phạm Ngũ Lão đang mải mê ngồi đan sọt ven đường, đầu óc mông lung nghĩ đến vận nước nên không biết có đoàn tùy tùng của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đi ngang qua. Viên lính dẫn đường thấy có kẻ nông phu vẫn ung dung ngồi bên đường đan sọt liền tiến đến dùng ngọn giáo đâm vào đùi. Máu chảy lênh láng nhưng người đó vẫn không hề nhúc nhích hay có phản ứng gì. Thấy lạ, Trần Hưng Đạo đã hỏi chuyện và biết đây quả là người tài, có chí lớn nên thuyết phục và đón về làm gia thần. Nhờ có tài trí hơn người, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo trọng dụng, dạy bảo và coi như người thân trong nhà. Ông còn được Hưng Đạo Đại vương gả con gái nuôi cho. Từ một gia thần, Phạm Ngũ Lão nhanh chóng trở thành vị tướng giỏi trong đội quân của Trần Hưng Đạo.

Sau đó, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo tiến cử lên Vua Trần Thánh Tông và được nhà vua tin tưởng giao chỉ huy cấm quân bảo vệ hoàng thành. Thời gian đầu, nhiều quan quân trong thành thấy Phạm Ngũ Lão xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn nên có ý khinh thường, không phục và còn thường xuyên thách đấu võ nhằm hạ uy tín. Không nói không rằng, Phạm Ngũ Lão bèn xin nhà vua cho về quê một thời gian. Tại quê nhà, ngày đêm ông tập trung vào việc chăm chỉ luyện võ. Đúng 3 tháng sau, Phạm Ngũ Lão trở lại kinh thành. Vừa nhìn thấy ông nhún mình nhảy qua cấm thành và thi triển mấy đường võ, tất thảy binh sĩ đều cúi đầu thán phục.

Cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ hai (1285), Phạm Ngũ Lão thống lĩnh quân Thánh dực chốt giữ địa bàn chiến lược Chi Lăng và kìm chân đạo quân của Thoát Hoan tại đây. Sau cuộc rút lui chiến lược của quan quân nhà Trần, Phạm Ngũ Lão chỉ huy đạo quân của mình vào Nghệ An ngăn chặn cánh quân của Toa Đô đang từ phía Nam đánh ra. Giữa năm đó, khi quân đội nhà Trần mở cuộc phản công chiến lược, Phạm Ngũ Lão đã lại có mặt trong đạo quân chủ lực của Trần Quốc Tuấn chặn địch ở Vạn Kiếp. Và ông đã lập công lớn trong các trận đánh tại đây. Lần thứ ba kháng chiến chống quân Mông-Nguyên 1288, Phạm Ngũ Lão góp công lớn trong trận tiêu diệt đạo quân Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Điều này khiến Phạm Ngũ Lão càng được nhà vua trọng dụng và hết sức tin tưởng. Ông trở thành một trong những vị tướng có vai trò quan trọng trong quân đội nhà Trần...

Có tài liệu cho rằng, cuộc đời binh nghiệp của Phạm Ngũ Lão chủ yếu ở thời kỳ nhà Trần đánh tan giấc mộng xâm lược của giặc Nguyên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Phạm Ngũ Lão không chỉ là một dũng tướng, giỏi cầm quân trên chiến trường mà còn là một nhân tướng có uy tín và tầm ảnh hưởng to lớn trong quân đội triều Trần lúc bấy giờ.

leftcenterrightdel

Lễ hội đền Ủng ở xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: LINH KIÊN   

Năm 1290, vua Trần giao cho Phạm Ngũ Lão quản quân Thánh dực, rồi phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân cai quản cả quân Thiên thuộc. Lúc bấy giờ ở vùng biên giới phía Tây thường xảy ra nạn quấy phá của giặc Ai Lao, Phạm Ngũ Lão được nhà vua giao cầm quân đi dẹp trừ. Sau khi chỉ huy quân sĩ đánh tan quân Ai Lao, thu hồi được vùng đất cũ trở về, ông được nhà vua ngợi khen và ban cho nhiều phần thưởng cao quý như Kim phù, Vân phù rồi Quy phù; đồng thời được gia phong Thân vệ Đại tướng quân kiêm cai quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng.

Đầu thế kỷ 14, một số nơi ở vùng biên viễn nước ta liên tục xảy ra các cuộc nổi loạn, Phạm Ngũ Lão lại được triều đình giao cầm quân đi dẹp loạn. Sử cũ chép rằng, trong lần đánh dẹp giặc Ngưu Hống ở Tây Bắc, quân triều đình rơi vào thế bất lợi, đối phó lúng túng khi đương đầu với đàn voi chiến của quân giặc. Thấy thế, Phạm Ngũ Lão nghĩ ra cách sai quân sĩ chặt những đoạn gậy tre ngắn, lệnh cho binh sĩ nhằm vào chân voi mà phang. Cả đàn voi chiến hùng dũng bị phang vào chân đau không chịu nổi phải quay đầu chạy. Thấy voi bỏ chạy, quân giặc cũng bỏ chạy tán loạn. Sau trận đánh này, Phạm Ngũ Lão được vua Trần Anh Tông phong chức Điện súy Thượng tướng quân và ban cho Hổ phù.

Năm 1318, quân Chiêm lấn phá vùng biên ải phía Nam, triều đình phái Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn đem quân đi đánh. Trong khi lâm trận, quân triều đình bị rơi vào thế bế tắc, đối mặt với nguy cơ thất bại. Trước tình thế đó, Phạm Ngũ Lão quyết định dùng kế tập hậu, tung quân đánh đòn hiểm vào sau lưng đội hình quân địch. Bị đánh bất ngờ, quân Chiêm rối loạn và nhanh chóng bị tiêu diệt. Với chiến công này, Phạm Ngũ Lão được vua Trần Anh Tông phong tước Quan nội hầu, ban cho Phi ngư phù; đồng thời cho con trai của Phạm Ngũ Lão được lập ấp làm quan.

Như đã nói ở trên, Phạm Ngũ Lão không chỉ là một dũng tướng đầy mưu lược mà còn là một nhân tướng. Trong đời thường cũng như lúc lâm trận, ông thường quên mình vì quân sĩ. Ông chỉ huy quân sĩ rất nghiêm khắc; dưới trướng ông luôn là một đội quân có kỷ luật, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau. Thế nhưng trong đời thường, ông lại luôn đối xử nhân ái với họ, thân tình như cha con. Những vật phẩm thu được sau mỗi trận đánh hay phần thưởng được nhà vua ban, ông đều phân phát và chia sẻ cho quân sĩ. Có lúc ông còn bày ra trò “vật cù” rồi dùng những chiến lợi phẩm đó làm phần thưởng nhằm rèn luyện sức bền và tính linh hoạt cho binh sĩ.

Theo sử cũ, một lần Vua Trần Anh Tông thân chinh cầm quân đi đánh giặc phương Nam; cùng đi còn có cả Minh Hiến Vương Trần Quốc Uất (con út của Trần Thái Tông) và Phạm Ngũ Lão. Trước khi xung trận, Minh Hiến Vương phạm tội bàn tán làm ảnh hưởng tới tinh thần của quân sĩ nên bị nhà vua nổi giận đuổi khỏi doanh binh, lệnh các quân không được thâu nạp. Tuân lệnh, Minh Hiến Vương cùng một số thuộc hạ bèn ra ngủ ở ngoài đồng. Thấy thế, Phạm Ngũ Lão bèn mời Minh Hiến Vương và mọi người vào trong quân của mình. Biết làm như vậy là trái lệnh vua, song ông bộc bạch với mọi người rằng: Thánh thượng vừa trách quở ân chúa và đuổi ra ngoài. Lỡ ra bị giặc bắt được thì chúng sẽ rêu rao là bắt được hoàng tử, sẽ rất bất lợi. Ngũ Lão này thà chịu tội trái lệnh thánh thượng chứ nhất quyết không nỡ làm lợi cho giặc. Sau đó, chuyện đến tai vua Anh Tông, nhưng ngài cũng không nỡ bắt tội hay trách cứ Phạm Ngũ Lão.

Là một danh tướng nhưng Phạm Ngũ Lão lại rất say mê dùi mài văn chương. Ông để lại cho đời rất nhiều áng thơ văn đầy cảm xúc chân thành, trong đó có thể kể đến bài “Thuật hoài” (Tỏ lòng): Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu/ Tam quân tì hổ khí thôn ngưu/ Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu (tạm dịch: Vung giáo non sông đã mấy thu/ Ba quân tựa cọp nuốt phăng trâu/ Công danh trai tráng còn vương nợ/ Luống thẹn nghe bàn chuyện Vũ Hầu).

Phạm Ngũ Lão qua đời năm 1320 ngay tại Phủ đệ vườn cau trong Kinh thành. Vua Trần Anh Tông thương tiếc khôn nguôi, lệnh cho nghỉ chầu 5 ngày đêm liền-một đặc ân hiếm hoi mà ngay cả quý tộc họ Trần lúc bấy giờ không phải ai cũng có được. Triều đình và trong dân chúng, ai ai cũng tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ công lao của ông. Vì vậy, không chỉ ở quê nhà mà tại nhiều địa phương, nhân dân đã lập đền thờ ông.

TRẦN VĨNH THÀNH 

 (Bài viết tham khảo cuốn “Danh tướng Việt Nam”, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000)