Khi chúng tôi nhắc tới Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, cựu chiến binh Đặng Ngọc Sơn kể: “Hồi đó, ban ngày anh em chiến đấu, đêm xuống làm nhiệm vụ đào hầm. Một đêm, 3 chiến sĩ phải làm xong một cái hầm chữ A để bộ đội trú bom, pháo địch. Việc đào hầm chủ yếu vào ban đêm. Quảng Trị năm 1972 như cái chảo lửa của bom, đạn pháo địch giội xuống và đạn pháo của ta nã vào các mục tiêu của địch...”.

Đặng Ngọc Sơn sinh năm 1954, quê ở xóm Diệm, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngày 5-12-1971, chàng trai quê lúa xung phong vào bộ đội. Sau thời gian ngắn huấn luyện, đơn vị hành quân vào Quảng Trị tham gia chiến đấu. “Ngày 25-6-1972, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đánh cầu Bồ Bản nằm trên trục đường 8 Quảng Trị. Đây là cây cầu cốt thép, huyết mạch của địch trong việc vận chuyển quân, hàng hóa trên trục đường 8 giữa các căn cứ địch tại tỉnh Quảng Trị và phía trong. Canh giữ cầu Bồ Bản thường xuyên có một trung đội lính ngụy. Ở dưới sông, hai đầu cầu, địch đặt hệ thống máy thu tiếng động, nên rất dễ bị lộ khi bộ đội ta cơ động bằng đường sông vào mố cầu để đặt thuốc nổ, phá cầu. Cầu Bồ Bản đã bị bộ đội đặc công đánh nhiều lần nhưng chưa thành công”, cựu chiến binh Đặng Ngọc Sơn nhớ lại.

leftcenterrightdel
 

 Vợ chồng cựu chiến binh Đặng Ngọc Sơn

Gỡ chiếc gọng kính, ông Sơn rót thêm nước trà mời chúng tôi. Ông kể tiếp: “Tiểu đội chúng tôi nhận nhiệm vụ trực tiếp đánh cầu Bồ Bản. Lúc đó tôi là Trung đội phó, quân hàm hạ sĩ. Toàn đơn vị thống nhất cách đánh cầu Bồ Bản là sử dụng súng B40, thuốc nổ và thủ pháo. Khi ta bắn đạn B40 vào đồn ở đầu cầu, tiêu diệt lính canh giữ, địch cho rằng ta dùng pháo tập kích. Khi thấy các lều bạt của địch bị cháy rụi, chúng rút xuống hầm, chúng tôi mới xung phong lên cầu ném thủ pháo xuống hầm. Trận chiến đấu này, ta phá được cầu, diệt được địch, nhưng một chiến sĩ trinh sát của đơn vị đã hy sinh...”.

leftcenterrightdel

 

Cựu chiến binh Đặng Ngọc Sơn kể lại trận đánh cầu Bồ Bản

Chiến tranh kết thúc, ông Sơn phục viên về quê và làm Đại đội trưởng Đại đội dân quân xã Trà Giang, được hai năm thì ông xin nghỉ về làm kinh tế gia đình. Vợ ông, trước năm 1975 cũng tham gia trong Đại đội dân quân xã Trà Giang. Năm 2000, ông Sơn đưa vợ con vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp và thường trú ở ấp 6, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài (nay là TP Đồng Xoài). Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông Đặng Ngọc Sơn được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì, Huy chương Giải phóng hạng Nhì, Kỷ niệm chương tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và Kỷ niệm chương Ban liên lạc bạn chiến đấu Mặt trận Đường 9-Quảng Trị (B5)... 

Bài và ảnh: DUY HIẾN