Nhắn tin “Tri ân liệt sĩ”

Đến trụ sở Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam vào những ngày này, chúng tôi nhận thấy không khí khẩn trương và bận rộn của cán bộ, hội viên chuẩn bị cho các hoạt động tri ân liệt sĩ. Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia-1400 vừa tổ chức phát động Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ-2022”, từ 0 giờ ngày 15-6 đến hết 24 giờ ngày 13-8-2022.

Kể từ năm 2012 đến nay, hằng năm, hội đều tổ chức Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ”, số lượt người tham gia năm sau nhiều hơn năm trước. Mỗi tin nhắn được gửi đi 20.000 đồng là một tấm lòng, nghĩa cử đẹp góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, bù đắp phần nào về vật chất, tinh thần cho thân nhân các liệt sĩ. Số tiền nhận được qua chương trình nhắn tin các năm, hội sử dụng trực tiếp vào việc hỗ trợ tìm kiếm, quy tập HCLS, giám định ADN; tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, quà... các GĐLS, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... “Chỉ tính riêng Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ-2021”, hội đã nhận được 69.300 lượt tin nhắn, tương ứng 1 tỷ 386 triệu đồng. Hội đã chi hỗ trợ trực tiếp tặng: 6 nhà tình nghĩa (mỗi nhà 60 triệu đồng); 90 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng) tặng các GĐLS và Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 192 suất quà (mỗi suất 3 triệu đồng)...”, Thiếu tướng Trần Đình Hướng, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam cho hay.

leftcenterrightdel
 Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Yên Bái tặng nhà cho thân nhân liệt sĩ thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (tháng 11-2020). Ảnh: TƯ KIÊN

Cùng với việc tổ chức Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ”, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các GĐLS về thông tin tìm kiếm, quy tập HCLS; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ; huy động những nguồn lực trong xã hội để tri ân các GĐLS, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia nghiên cứu, đề xuất được nhiều nội dung, chính sách, giải pháp cụ thể thực hiện công tác tri ân, tìm kiếm, quy tập HCLS, thờ cúng liệt sĩ... Tính đến hết năm 2021, hội đã trao tặng gần 800 nhà tình nghĩa (mỗi nhà 60 triệu đồng); hỗ trợ kinh phí sửa chữa 40 ngôi nhà (mỗi ngôi nhà 20-40 triệu đồng); trao gần 2.400 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng), gần 600 suất học bổng (mỗi suất 3 triệu đồng) tặng các con, cháu của liệt sĩ nghèo vượt khó và gần 37.000 suất quà tặng các GĐLS, Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên toàn quốc... Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ tri ân liệt sĩ của hội đạt hơn 150 tỷ đồng.    

Hằng năm, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam còn triển khai thực hiện hiệu quả trong công tác phối hợp tìm kiếm, quy tập HCLS. Theo đó, hội đã chủ động, tích cực thu thập, hỗ trợ thông tin liệt sĩ tìm kiếm, quy tập HCLS; thông báo, thông tin hơn 115.000 liệt sĩ lên các trang web, Tạp chí điện tử Tri ân liệt sĩ (http://trianlietsi.vn) và các phương tiện truyền thông...   

Gian nan tìm danh tính liệt sĩ

Phía sau mỗi kết quả giám định ADN là một câu chuyện cảm động về hành trình tìm kiếm, quy tập HCLS cũng như những cán bộ, hội viên Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam và đồng đội của liệt sĩ. Là người có nhiều năm đi tìm kiếm, quy tập HCLS, lấy mẫu sinh phẩm để xác định danh tính liệt sĩ, Đại tá Phạm Văn Phủng, Phó trưởng ban Tổ chức-Chính sách Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam kể lại: “Mỗi khi nhắc tới Đại tá Nguyễn Hùng Phong, nguyên Phó chủ tịch Thường trực hội, ai nấy đều cảm phục, ngưỡng mộ tinh thần làm việc không ngơi nghỉ của ông. “Tuổi cao, chí không sờn”, mỗi chuyến đi tìm kiếm, quy tập HCLS đều in dấu chân người lính già. Có những ngày ông băng rừng, lội suối cùng đồng đội, đêm ngủ tạm ở nhà dân, bữa ăn vội ngay nơi khai quật... Mỗi khi tìm thấy hài cốt đồng đội, ông lại xúc động đến rơi nước mắt. Nhiều lần đi về “tay trắng”, ông buồn day dứt và càng quyết tâm hơn cho những chuyến tiếp theo. Vẫn biết rằng việc tìm kiếm, quy tập HCLS cũng như giám định ADN khó ngang “đãi cát tìm vàng” nhưng chúng tôi luôn quyết tâm, đong đầy niềm tin và hy vọng. Trong hai ngày 6 và 7-2-2015, chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc thuộc xã Lý Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tiến hành khai quật 19 ngôi mộ liệt sĩ, lấy được 17 mẫu xương gửi sang Viện Pháp y Quốc gia để làm xét nghiệm. Kết quả đợt tìm kiếm đó, có 7 trường hợp xác định được danh tính HCLS. Nhận được thông báo ấy, anh em đã ôm nhau khóc”.

leftcenterrightdel

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng thắp hương tưởng niệm tại lễ an táng hài cốt liệt sĩ Bàng Trung Kiên, tại thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên (tháng 1-2022). Ảnh: OANH LAN  

Trường hợp xác định danh tính liệt sĩ Nguyễn Xuân Kịnh, sinh năm 1941, quê ở xã Trường Thọ (An Lão, Hải Phòng); chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 89, Quân khu 5; hy sinh ngày 11-5-1969, tại xã Hòa Châu (Hòa Vang, Đà Nẵng) là câu chuyện xúc động. Ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1951, là em trai liệt sĩ Nguyễn Xuân Kịnh, ở số nhà 2/53, đường Lương Khánh Thiện, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng kể lại: “Cuối năm 2009, gia đình tôi may mắn được đồng đội của anh trai tôi là cựu chiến binh Phạm Như Tưởng, quê ở thôn Tống Văn, xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình báo tin về nơi anh tôi hy sinh tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu. Sau khi tìm hiểu, đối chứng các thông tin, đầu năm 2012, gia đình tôi đã vào nơi anh trai mình hy sinh (theo địa danh anh Tưởng cung cấp).

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tánh, Trưởng thôn Dương Sơn, chị cho biết, bà con nhân dân địa phương đã quy tập 6 ngôi mộ ở thôn Dương Sơn vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Châu cách đây hơn 10 năm. Cũng trong năm 2012, chúng tôi liên lạc với cựu chiến binh Nguyễn Đức Khu, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công 89. Gia đình anh Khu hiện ở thôn Đồng Xá Bắc, xã Đồng Gia (Kim Thành, Hải Dương). Cựu chiến binh Nguyễn Đức Khu cho biết, rạng sáng 25-5-1969, Đại đội 3, Tiểu đoàn 89 Đặc công tập kích, trong đó có mũi tập kích của anh Kịnh bị hỏa lực địch bắn rất mạnh và ngay thời điểm đó, 6 đồng chí đã anh dũng hy sinh...”. 

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: “Hiện nay, gia đình tôi đã kết nối với thân nhân của 5 liệt sĩ (Nguyễn Xuân Sen, Nguyễn Xuân Sảnh, Đào Đức Phương, Hà Văn Đeng, Trần Văn Nghệ). Nhiều năm nay, vào ngày 27-7 và ngày các anh hy sinh, một số thân nhân đã tới thắp hương 6 ngôi mộ chưa xác định được danh tính và đồng đội của các anh ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Châu...”. 

Khi chúng tôi hỏi về quá trình đi tìm danh tính liệt sĩ Nguyễn Xuân Kịnh, Thượng tá QNCN Trần Thị Oanh Lan, chuyên viên Ban Tổ chức-Chính sách (Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam) ngậm ngùi kể: “Mới đây, ngày 19-5-2022, chúng tôi cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Kịnh, Đào Đức Phương (quê Nam Định), Hà Văn Đen (quê Nghệ An) và cán bộ kỹ thuật viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tới Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Châu để cất bốc mộ, lấy mẫu sinh phẩm xác định danh tính liệt sĩ. Tôi chứng kiến các đồng chí kỹ thuật viên cẩn trọng, nhẹ nhàng gạt từng lớp đất mỏng, kiên nhẫn lần tìm từng chiếc răng, mẩu xương còn cứng, chắc... Nhưng rất tiếc, 4 HCLS đều đã bị phân hủy, mẫu mủn nát, không thể lấy được mẫu sinh phẩm nên chúng tôi quyết định không bốc thêm hai ngôi mộ còn lại. Đó chỉ là một trong hàng trăm trường hợp GĐLS đi tìm HCLS để xác định ADN nhưng không còn hy vọng...”.

Tuy nhiên, với nỗ lực không biết mệt mỏi của lãnh đạo, hội viên Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam và các cơ quan chức năng đã hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính HCLS. “Để xác định danh tính liệt sĩ, mỗi trường hợp phải gửi hai mẫu sinh phẩm của hài cốt liệt sĩ và của thân nhân liệt sĩ. Tính đến nay, hội đã tiếp nhận và thụ lý gần 21.000 hồ sơ liệt sĩ; tư vấn và hỗ trợ hơn 20.000 GĐLS tìm kiếm HCLS; có hơn 200 GĐLS đã xác định được HCLS bằng phương pháp thực chứng; tư vấn, hỗ trợ miễn phí và gửi hơn 1.100 trường hợp giám định ADN; tổ chức 32 lần trao kết quả đúng giám định ADN, gần 500 trường hợp cho GĐLS...”, Thiếu tướng Trần Đình Hướng chia sẻ.   

THÁI KIÊN