Từ cuốn sách “chiến lợi phẩm”

Lê Công sinh năm 1952 trong một gia đình trí thức cách mạng. Cha của ông là cụ Lê Dung, một trong những người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp kỹ sư giao thông công chính Đông Dương của Pháp, sau đó làm Tham biện lục lộ Trung Bộ. Năm 1947, cụ được Bác Hồ gọi ra Việt Bắc giao chức Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ Giao thông vận tải). Mẹ ông là bà Lê Thị Lịch, Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) năm 1943, Trưởng ban An ninh an toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1971, Lê Công nhập ngũ. Qua hai tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Đoàn Pháo cao xạ Hồng Lĩnh (nay là Trung đoàn 280, Sư đoàn 361). Năm 1973, ông được cử đi học dài hạn ở Trường Sĩ quan Phòng không. Ra trường với quân hàm thiếu úy, Lê Công về chỉ huy một trạm radar ở Phù Cát (Bình Định). Sau đó, ông được cử đi đào tạo tại trường đại học thể dục thể thao (TDTT).

Mặc dù được học về bóng đá nhưng võ thuật mới là môn thể thao Lê Công yêu thích. Với tư chất thông minh và hiếu động, từ nhỏ, Công đã tìm sách dạy võ, tìm thầy để học, không phân biệt môn phái nào. Năm 1972, tình cờ trong khi cùng đồng đội đánh chiếm căn cứ Ái Tử ở mặt trận Quảng Trị, Lê Công kiếm được cuốn sách dạy võ “Linh trường công thủ đạo” của võ sư Hạ Quốc Huy, một tài liệu hướng dẫn tập môn võ karate rất chi tiết và khoa học. Như bắt được vàng, anh tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi để rèn luyện, biến cuốn cẩm nang kia ngấm vào máu thịt của mình.

leftcenterrightdel
Huấn luyện viên Lê Công (thứ hai, từ trái sang) hướng dẫn các võ sinh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp trường đại học TDTT, Lê Công được phân công về Đoàn TDTT Quân đội (nay là Trung tâm TDTT Quân đội) công tác. Năm 1979, Lê Công được phép mở lò dạy võ tư ở phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội. Năm 1990, đang là Trưởng ban Giáo vụ của Đoàn TDTT Quân đội, nhân có đại hội karate toàn quốc, Lê Công đề nghị và được cấp trên chấp thuận đưa các võ sinh ở võ đường của mình tham dự. Không ngờ chiến thắng vang dội và từ đó, Lê Công chuyển sang làm HLV đội tuyển karate Quân đội. Năm 1991, ông được gọi lên làm HLV đội tuyển quốc gia. Từ đó, cái tên Lê Công cùng với các HLV Lê Văn Thạnh, Đoàn Đình Long luôn được nhắc đến trong mỗi chiến công của đoàn thể thao Việt Nam đi thi đấu ở nước ngoài.

Thương yêu vận động viên

Đã nhiều thế hệ học trò được Lê Công đào tạo thành tài, làm vẻ vang cho karate Việt Nam, trong đó có 4 HCV ASIAD. Để có các vận động viên (VĐV) giỏi, ông đã dày công về các lò đào tạo để tuyển chọn. Ông huấn luyện các học trò với giáo án huấn luyện khoa học. Nghiêm khắc, nhưng ông rất chăm lo cho VĐV trong đời sống. Ông mất ăn mất ngủ khi học trò ốm; ông tận tụy như người mẹ và công bằng như người cha. VĐV Vũ Thị Nguyệt Ánh còn nhớ, để có nhiều HCV mà cao nhất là HCV ASIAD 2006 mà cô giành được thì 8 tháng thầy Lê Công ngày ngày chở cô đến Bệnh viện Quân y 103 chữa bệnh. Đó là tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu của ông đối với học trò mà ông xem như con cháu.

Đời HLV và VĐV thành tích cao thường xa nhà, một năm phải 9 tháng chinh chiến ở các đấu trường. Giải này chưa xong, ông lại cùng ban huấn luyện lo giải khác khó khăn hơn. Đau đầu nhất là việc tìm ra chiến thuật và kỹ thuật mới. Bước vào trận đấu, người HLV không những động viên tinh thần cho võ sĩ mà còn chỉ đạo từng miếng đánh, từng đòn thoát tránh...

HLV trưởng đội tuyển quốc gia phải chịu rất nhiều áp lực. Như trước khi lên đường dự ASIAD 14 ở Busan, Hàn Quốc năm 2002, ông từng bị gây áp lực rất lớn. Kìm mình để chỉ đạo học trò, cho đến lúc Vũ Kim Anh và Nguyễn Trọng Bảo Ngọc giành 2 HCV, thành tích cao nhất của đội tuyển karate từ trước đến thời điểm đó, ông dang rộng cánh tay ôm hai học trò vào lòng. Sung sướng pha chút buồn tủi, mắt ông ngấn lệ khiến hai học trò òa khóc.

 “Tôi dạy cho học trò là luôn luôn phải giữ thăng bằng, không được sợ và nhất là không được hèn. Và phải chung thủy với tình bạn, tình yêu, gia đình, nghề nghiệp, tổ chức. Tôi không chỉ nói mà còn làm gương. Tôi phục vụ quân ngũ 46 năm, phấn đấu từ binh nhì cho đến đại tá. Tôi không bao giờ quên ơn Quân đội. Năm 2014, sau khi thôi làm HLV đội tuyển quốc gia, tôi trở về Phòng TDTT (Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu) công tác, làm Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Quân đội, đến năm 2017, tôi về nghỉ hưu ở tuổi 65. Từ nhiều năm nay, năm nào tôi cũng tự lái xe trở lại chiến trường xưa, nơi đồng đội đã ngã xuống. Mỗi lần đi về, tôi cảm thấy mình khỏe hơn, tự tin hơn trước mọi thử thách của cuộc sống”-Đại tá Lê Công chia sẻ.

HỒNG SƠN