Theo GS, TSKH Lê Thế Trung, y đức là sự tận tâm đối với người bệnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Một thầy thuốc được gọi là lương y phải đủ hai tiêu chuẩn: Y đức và trình độ chuyên môn. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, người thầy thuốc Quân đội cũng phải ghi nhớ điều đó.

Để trở thành tấm gương sáng về y đức, cuộc đời Thiếu tướng Lê Thế Trung đã trải qua những năm tháng gian khổ, oanh liệt của đất nước trong chiến tranh. Học xong Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), năm 1946, Lê Thế Trung vào học lớp y tá Vệ quốc đoàn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được điều về Trung đoàn Sơn La (nay là Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2). Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ bị thương, sốt rét nhưng không đủ thuốc, tình yêu thương đồng chí, đồng đội trong ông càng nhân lên gấp bội. Tình yêu thương đó giúp ông vượt qua những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp để đến với người bệnh một cách chân tình.

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thế Trung. Ảnh: BẢO LÊ

Năm 1949, ông đỗ đầu lớp quân y sĩ khóa 1, được cử về Trung đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312 (nay là Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1). Năm 1956, ông đỗ đầu lớp y sĩ cao cấp khóa 1. Anh em đề nghị trên cho ông ở lại Hà Nội đào tạo bác sĩ, vả lại khi đó vợ ông mới sinh con đầu lòng. Nhưng trên cử ông trở lại Tây Bắc vì ở đó khó khăn, cần cán bộ giỏi. Ông vui vẻ khoác ba lô lên đường. Sau này, khi đang là bác sĩ chuyên khoa mổ chung nổi tiếng, cấp trên yêu cầu ông chuyển sang học về chữa bỏng, một chuyên ngành rất khó và xa lạ lúc bấy giờ nhưng đang rất cần cho Quân đội, ông nhận nhiệm vụ và sau đó trở thành nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về y học điều trị bỏng, ghép tạng và y học thảm họa.

“Tôi cho rằng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ là tiêu chuẩn số một về y đức của thầy thuốc Quân đội!”-GS Lê Thế Trung khẳng định với tôi-“Khi anh đã có y đức, anh sẽ tận tâm với nhiệm vụ, làm gì cũng đến nơi đến chốn. Y đức thể hiện bằng những việc cụ thể chứ không phải là những câu khẩu hiệu suông. Người ta bảo Lê Thế Trung là người của những sự khởi đầu, song tôi nghĩ, nếu tôi không có được y đức đã rèn luyện trong chiến tranh thì tôi cũng chẳng làm được trò trống gì!”.

GS Lê Thế Trung thường nói với các học trò rằng, thầy thuốc có tài thôi thì chưa đủ. Về tài thì nhiều bậc thầy đàn anh, đồng nghiệp hơn ông. Ông có được những thành công trong y học đầu tiên là do chữ tâm trong mình. Khi đã có tâm thì thu hút được nhiều người tài đến với mình để hợp sức cùng nhau cứu chữa người bệnh. Thành tích của ngành y không riêng gì một cá nhân nào, cho nên phải có tâm, phải tận tình, chu đáo, phải vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác Hồ dạy.

GS Lê Thế Trung đã đi rất nhiều nước trên thế giới. Ông khẳng định, y đức không có biên giới. Ở châu Âu, người thầy thuốc có lời thề Hippocrates. Khi tốt nghiệp, các bác sĩ tương lai phải tuyên thệ theo lời thề này. Ở các nước tiên tiến, y đức được cụ thể hóa thành luật pháp hành nghề, buộc các thầy thuốc phải thực hiện các quy định. Các nước đó có hội nghề nghiệp quản lý y dược tư nhân và làm rất nghiêm. Họ luôn kiểm tra, có quyền đề nghị tước quyền hành nghề đối với những người kém y đức.

Nghỉ hưu năm 2003, GS Lê Thế Trung vẫn tham gia các hoạt động trong chuyên ngành mà ông có nhiều kinh nghiệm. Ông là người tổ chức ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam năm 2004; đồng Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam; viết sách về y học thảm họa-một vấn đề hết sức mới mẻ với ngành y tế nước ta... Nhưng, nỗi niềm trăn trở lớn nhất của ông là vấn đề y đức trong đội ngũ thầy thuốc. Ông cho rằng, việc hành nghề y dược tư nhân ở nước ta quá tự do vì công tác quản lý chưa chặt chẽ. Trong nền kinh tế thị trường, nếu ngành y không được quản lý, chỉ đạo chặt chẽ thì mặt trái của nó sẽ len lỏi vào đội ngũ thầy thuốc, làm hỏng không những đội ngũ ngành y mà cả ngành dược.

HỒNG SƠN