Huy động toàn dân đánh giặc

Đến Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được Đại tá Trần Ngọc Minh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh cung cấp tư liệu về thành tích, những đóng góp của quân và dân tỉnh Phú Thọ vào Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 và giới thiệu đến gặp một số nhân chứng trên địa bàn.

Từ những cứ liệu khẳng định, trước khi quân Pháp hành quân đánh chiếm thị xã Phú Thọ, Việt Trì (nay là TP Việt Trì) và hành quân bằng đường thủy theo sông Lô lên Tuyên Quang, nhằm hợp với cánh quân đường bộ thành hai gọng kìm, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta ở Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân tỉnh Phú Thọ cùng với các địa phương Khu 10 (Quân khu 2 ngày nay) tích cực làm công tác chuẩn bị cho kháng chiến. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị nơi làm việc, sinh hoạt và bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan Trung ương Đảng trên đường lên Việt Bắc.

Những điểm dừng chân và làm việc của Bác Hồ, cơ quan Trung ương Đảng như xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông), xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao (nay thuộc TP Việt Trì) và xã Tây Sơn (nay là xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng), nay được xây dựng khu lưu niệm, trở thành nơi tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. “Tại những nơi ở và làm việc của Người trên đường lên Việt Bắc, Bác Hồ đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng, ký các sắc lệnh kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng, cuộc kháng chiến của nhân dân ta”-Đại tá Trần Ngọc Minh cho biết.

leftcenterrightdel

Quân và dân tỉnh Phú Thọ cắm chông, tạo vật cản ngăn bước tiến quân của quân Pháp năm 1947. Ảnh tư liệu

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, từ tháng 12-1946 đến tháng 10-1947, quân và dân tỉnh Phú Thọ ra sức xây dựng, củng cố lực lượng; chuẩn bị cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị và bước vào kháng chiến, dũng cảm chiến đấu, giành nhiều thắng lợi. Cụ thể là, theo chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, từ tháng 3-1947, tỉnh Phú Thọ thành lập các cơ quan chỉ huy quân sự như tỉnh đội, huyện đội và xã đội; thành lập các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân, du kích chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở địa phương. Đến tháng 9-1947, mỗi huyện của tỉnh Phú Thọ đã thành lập được đại đội du kích, bộ đội địa phương. Tỉnh Phú Thọ đã thành lập nhiều công binh xưởng, cơ sở sản xuất vũ khí, như trại Kiến Thiết, xưởng Việt Trì, xưởng Do Nghĩa ở Lâm Thao...

Các cơ sở này đã sản xuất được hàng nghìn quả lựu đạn, thủ pháo, địa lôi, bộc phá, mìn các loại. Tỉnh đội đã mở các lớp huấn luyện về chính trị, quân sự cho bộ đội và dân quân, du kích, như chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu, cách đánh phục kích, tập kích, trinh sát, tuần tra, giao thông liên lạc, nắm thông tin tình báo v.v.. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, quân và dân Phú Thọ tích cực, chủ động làm chướng ngại vật ngăn bước tiến quân của địch, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Xác định dòng sông Lô là tuyến đường thủy quan trọng mà địch dùng để tiến công lên Việt Bắc, Bộ tư lệnh Khu 10 đã chỉ đạo quân và dân tỉnh Phú Thọ đắp đập, làm kè ngăn cản tàu chiến địch ở Sóc Đăng (Đoan Hùng), bến Cóc (xã Trị Quận, huyện Phù Ninh). Riêng kè ngầm ở Sóc Đăng, tỉnh đã huy động hàng nghìn bộ đội, dân quân, du kích và dân công ra làm gần 3 tháng, sử dụng khối lượng lớn cọc gỗ, rọ đá, tạo thành chướng ngại lớn, địch muốn lưu thông phải mất nhiều thời gian và lực lượng để giải tỏa.

leftcenterrightdel

 Ông Hoàng Đức Quân (thứ hai, từ trái sang) kể chuyện cho thế hệ sau nghe về Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, ảnh chụp tháng 12-2021. Ảnh: DUY THỦY.

Ông Hoàng Đức Quân, sinh năm 1923, hiện trú tại thôn 5, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng kể: “Năm 1947, tôi là đội viên Đội Tuyên truyền xã Tây Sơn và là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Tôi tích cực tham gia hoạt động cách mạng, tuyên truyền cho bà con đường lối kháng chiến của Đảng; vận động bà con giữ bí mật; huy động lực lượng tham gia chuẩn bị kháng chiến như đi phá đường giao thông, làm kè trên sông Lô; đi làm trận địa giả dọc theo sông Lô ở các xã Chí Đám, Hữu Đô, Đại Nghĩa (nay là xã Hợp Nhất); rồi vót chông, đi cắm chông cản đường hành quân của địch... Những ngày đó, không khí kháng chiến rất khẩn trương. Ai cũng có tinh thần quyết tâm đánh quân Pháp!”.

Lập công trên sông Lô

Năm 2007, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Sông Lô (24-10-1947 / 24-10-2007), tôi được tòa soạn cử đến đưa tin về sự kiện này. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ cùng đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân huyện Đoan Hùng. Đặc biệt, tham dự buổi lễ còn có nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu, góp phần làm nên Chiến thắng Sông Lô vang dội, trong đó có Trung tướng Nguyễn Đình Ước (1927-2010), nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, khi đó là chiến sĩ Trung đội sơn pháo 75mm... Ông dự với tư cách là nhân chứng, cùng với cựu chiến binh Phan Văn Đức, nguyên chiến sĩ Trung đội sơn pháo 75mm, đồng đội cùng thời với ông.

Cựu chiến binh Phan Văn Đức sinh năm 1928, trú ở phường Minh Nông, TP Việt Trì (Phú Thọ). Năm 1946, ông nhập ngũ và làm liên lạc cho trung đội pháo binh ở pháo đài Xuân Canh, Hà Nội, nơi nổ phát đạn hiệu lệnh cho toàn quốc kháng chiến. Sau đó, ông cùng đơn vị hành quân lên Việt Bắc, trên đường vừa hành quân vừa chiến đấu. Tháng 9-1947, đơn vị ông đến địa bàn huyện Đoan Hùng và nhận được lệnh chiến đấu, đánh địch trên sông Lô. Ông kể: “Ngày 11-10-1947, quân Pháp sử dụng một đoàn tàu chiến cơ động ngược dòng sông Lô, qua khu vực Đoan Hùng. Trên đường, chúng phải khắc phục vật cản, kè ngầm do ta bố trí ở Sóc Đăng. Trận địa pháo của ta lúc này đặt tại Gò Chỉ ở làng Ngọc Chúc (xã Chí Đám), chỉ cách mục tiêu khoảng 2,5km. Đơn vị nổ súng, nhưng đánh chưa trúng mục tiêu. Cả đơn vị sau đó rút kinh nghiệm và tìm ra cách đánh “đặt gần, bắn thẳng”, nghĩa là đưa pháo đến sát bờ sông, gần tàu địch hơn.

leftcenterrightdel

Ông Hoàng Đức Quân và các con cháu, tháng 12-2021. Ảnh: DUY THỦY 

Và thời cơ đánh địch đã xuất hiện. Ngày 23-10-1947, đoàn tàu vận tải chở quân và hàng tiếp viện của quân Pháp trên đường lên Tuyên Quang theo sông Lô bị quân và dân ta đánh chặn ở Khoan Bộ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Nhận tin, quân Pháp tổ chức một đoàn tàu lớn gồm 5 chiếc chở đầy lính và vũ khí, đạn dược đến ứng cứu. Chúng cơ động từ Tuyên Quang xuôi theo đường sông Lô. Bộ tư lệnh Khu 10 hạ quyết tâm sử dụng pháo binh và các lực lượng phối hợp phục kích, chặn đánh địch trên sông Lô ở khu vực huyện Đoan Hùng. Nhận nhiệm vụ, trung đội pháo binh tích cực làm công tác chuẩn bị. Sở chỉ huy trận đánh đặt trên đồi thuộc làng Ngọc Chúc, cách không xa trận địa phục kích. Đồng chí Vũ Hiển, Tham mưu trưởng Khu 10 chỉ đạo trận đánh; đồng chí Doãn Tuế chỉ huy pháo binh...

Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 24-10-1947, Trung đội sơn pháo 75mm nhận lệnh báo động chiến đấu. Khoảng 12 giờ, sau khi dùng máy bay trinh sát mặt sông, không phát hiện được trận địa pháo của ta, đoàn tàu địch tiếp tục cơ động, đi vào khu vực ta đã bố trí phục kích. Đi đầu là chiếc tàu kiểu LCM (sau này chúng tôi mới biết đó là tàu đổ bộ), cuối là hai chiếc tàu LCVP (tàu đổ bộ cỡ nhỏ). Khi chúng đến cách khẩu sơn pháo 75mm khoảng 1.000m, chúng tôi muốn bắn ngay, nhưng chỉ huy trung đội chưa cho bắn. Đến khi tàu địch cách khoảng 300m, các khẩu đội pháo mới được lệnh điểm hỏa. Bị đánh mạnh, bất ngờ, các tàu của địch đều bị đạn pháo ta đánh trúng nên đội hình rối loạn. Phối hợp với bộ đội pháo binh, dân quân, du kích và các lực lượng hợp đồng đốt lửa, nổ súng, đánh thuốc nổ ở các trận địa nghi binh. Máy bay địch đến bắn phá, ném bom vào trận địa giả của ta.

Trận đánh diễn ra trong khoảng 6 giờ, đến 19 giờ cùng ngày thì kết thúc. Kết quả, ta bắn chìm tại chỗ 2 tàu chiến, bắn hỏng 2 chiếc khác, bắn rơi 1 máy bay và tiêu diệt khoảng 300 tên địch. Sau trận đánh, ta thu được 1 khẩu pháo 105mm, 10 súng cối, cùng hàng trăm khẩu súng các loại và số lượng lớn đạn dược”.

Chiến thắng Sông Lô tại Đoan Hùng đã làm nức lòng quân dân cả nước, động viên, cổ vũ mọi người hăng hái tham gia kháng chiến. Chiến thắng Sông Lô là kết quả của sự phối hợp, hiệp đồng giữa bộ đội pháo binh và các lực lượng vũ trang, góp phần vào Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân bước vào giai đoạn mới và đi đến thắng lợi hoàn toàn.

GIANG ĐỨC HIẾU