1. Khoảng cuối tháng 6, sông Đà đang mùa nước cạn, các bản người Cống ở huyện Mường Tè rộn ràng trong những ngày Tết ngô, còn có tên gọi khác là Tết mùa mưa. Từng nhà thay nhau mời gọi dân bản về nhà mình chung vui, mừng mùa ngô đã được thu hoạch xong với những đồ lễ chính được chế biến từ ngô dâng lên thần linh trên trời và tổ tiên. Ông Lý Văn So, bản Nậm Khao (xã Nậm Khao) cho biết: “Theo cách tính của người Cống, thời gian này bắt đầu vào mùa mưa và vụ ngô thu hoạch xong, bà con chuẩn bị cho Tết ngô, mỗi nhà đã nuôi lợn, gà từ trước nửa năm để ngày Tết dâng lễ trình báo tổ tiên”.

leftcenterrightdel
Phụ nữ Hà Nhì làm bánh giầy cho ngày Tết. Ảnh: ĐỨC DUẨN 

Ngày Tết, từ sáng sớm, người già đã đeo gùi vào rừng, chọn những ống tre xanh nhất mang về chẻ nan đan giỏ quà để phát lộc cho con trẻ trong nhà. Còn những người khác nhanh chân ra suối lấy nước về làm lễ và tắm gội. Phụ nữ chuẩn bị mâm lễ gồm các món được chế biến từ ngô non vừa thu hoạch, như: Bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc, rượu ngô... với cách chế biến tinh tế, khéo léo, mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc thần linh, tổ tiên.

Ngoài ra, những sản vật của núi rừng, con lợn nuôi từ giữa năm được thịt và bày lên mâm gồm thủ, đuôi và chân, thể hiện mong ước “đầu xuôi đuôi lọt”. Ở giữa mâm lễ là cỗ lòng được luộc chín, cuộn tròn, mang hàm ý trọn vẹn lòng thành của con cháu với tổ tiên. Đặc biệt, mâm lễ còn có 12 con cua đá, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, bởi bà con quan niệm con cua có công bảo vệ mùa màng. Sáng sớm ngày đầu năm mới, các cháu đến nhà mừng thọ ông bà, sau đó, ông bà sẽ trao những giỏ quà cho các cháu. Rồi mọi người cùng ra đầu bản để chúc tụng, vui chơi. 

leftcenterrightdel
 Vũ điệu múa của người Cống (tỉnh Lai Châu). Ảnh: TẤN VINH

2. Ở Mường Tè, hàng trăm năm qua, người Hà Nhì dù có đói kém đến đâu cũng phải lo cho được miếng thịt lợn dâng cúng tổ tiên. Nhiều gia đình ăn củ mài, cơm nếp quanh năm, nhưng nhất định phải tự nuôi một con lợn đực thiến từ đầu năm. Đặc biệt, bà con có tục khi mổ lợn ăn Tết, phải hết sức cẩn thận lấy nguyên vẹn lá gan để đoán cát hung trong năm mới. Nếu lá gan lợn lành lặn, màu sắc tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó gia đình chăn nuôi phát triển, anh em, con cháu vui vẻ, thuận hòa.

Trong ngày Tết, người già hát sử thi “P’hùy ca Na ca” cho thanh niên, trẻ nhỏ cùng nghe. Đó là câu chuyện rất hấp dẫn, kể về cuộc chiến đấu dũng mãnh của người Hà Nhì chống lại quân xâm lược, một mệnh đề được nhắc đi nhắc lại như khẳng định quyết tâm giữ đất của họ. Tác phẩm này biểu đạt nhiều thông tin quan trọng về xã hội, truyền thống nông nghiệp và phong tục, tập quán của cộng đồng người Hà Nhì. Tín ngưỡng của đồng bào cũng chỉ rõ họ kiêng ăn thịt mèo trong năm mới bởi quan niệm, nếu giết mèo, hổ sẽ trả thù, gây họa cho cả bản.

Giống như nhiều dân tộc khác, người Hà Nhì cũng phải “làm lý” để xin phép tổ tiên, thần linh trước khi hát “P’hùy ca Na ca”. Một mâm cơm trên đó nhất thiết cần có một con gà và hai chén rượu được dâng lên, sau khi khấn vái mời bề trên về ăn thịt, uống rượu và nghe con cháu hát, người chủ lễ đồng thời là người hát sẽ ngân nga từ đầu sử thi. Vừa uống vừa hát, vừa đưa tay ra điệu bộ và biểu cảm nét mặt theo nội dung lời hát, khi mệt sẽ có người khác đỡ lời để câu hát luôn liền điệu, liền vần.

leftcenterrightdel

 Người Cống chuẩn bị dâng lễ cúng tổ tiên trong ngày Tết ngô. Ảnh: ĐỨC DUẨN

Một phong tục rất “đáng yêu” khác là năm mới, người con gái Hà Nhì chưa chồng được quyền chọn người con trai mình thích để trao gửi “khước xuân” mà không đòi hỏi hay ràng buộc bất cứ trách nhiệm, điều kiện gì. Chàng trai được chọn sẽ là người đàn ông đầu tiên của cô gái và nếu sau lần tìm “khước xuân” ấy có để lại những “hạt giống” cho người Hà Nhì thì cả bản sẽ cùng quý yêu đứa trẻ ấy; người chồng sau này của cô gái cũng sẽ yêu thương, chăm sóc đứa trẻ như con ruột. Hiện nay, khi đời sống văn hóa mới được phát động mạnh mẽ, những tục lệ như vậy không còn, song cũng cho thấy tư tưởng khá thoáng của đồng bào đối với vấn đề nữ quyền và hôn nhân.

3. Người La Hủ tự gọi mình là “Ngừ Sô Hả”, có nghĩa là “người khổ”. Cách đây 10 năm, đồng bào luôn đói ăn, thiếu mặc, không biết nói tiếng phổ thông, thậm chí sợ cả ánh mặt trời. Nhưng giờ đây, trên những hành trình di cư của bà con, sau những mái lá bỏ hoang đều có sự đồng hành lặng lẽ của Bộ đội Biên phòng. Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, “cái lý” của Bộ đội Biên phòng đã giúp đồng bào hiểu rằng, cần thay đổi để đời sống tốt đẹp hơn.

leftcenterrightdel
 Bản Thu Lũm (xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) của đồng bào La Hủ chuẩn bị đón Tết. Ảnh: ĐỨC DUẨN

Từ cuộc sống gần như đói khổ nhất trong các dân tộc ở miền Bắc, trải qua những lần thay đổi lớn, cuộc sống của người La Hủ giờ đây đã có nhiều đổi mới. Chị Lu Lỳ Ga ở bản Hà Xi (xã Pa Ủ) chia sẻ: “Sống lang thang trên rừng, bà con khổ lắm. Thấy Bộ đội Biên phòng tìm đến nói, xuống núi ở sẽ bớt khổ, con cháu mình sẽ được đi học chữ, không còn đói rét nữa. Về bản mới, có nhà cao rộng để ở, được hỗ trợ cuộc sống, bà con không còn phải chịu đói rét nữa. Giờ thì bản mình nhiều hộ đã khá giả rồi”.

Có một hệ lịch riêng lên đến 13 tháng nên người La Hủ ăn Tết cổ truyền vào nửa cuối tháng 12 âm lịch. Đặc biệt, bà con không tổ chức ăn Tết cùng thời điểm như các dân tộc khác mà thường theo hộ gia đình và dòng họ. Họ chọn khởi đầu kỳ nghỉ Tết từ 3 đến 5 ngày, bắt đầu ngày đẹp trong tháng ứng với tuổi của từng gia chủ. Vì thế mà người ta tổ chức cả tháng, tuần này vui Tết ở bản này, tuần sau sang bản kế bên mừng năm mới. Đặc biệt, bà con có tục gói bánh chưng như người Kinh, để mấy ngày Tết phát cho trẻ nhỏ cầm đi chơi. Họ quan niệm làm như vậy là thể hiện sự no đủ và sung túc.

Đêm Giao thừa sẽ là đêm mọi người cùng giã gạo làm bánh giầy, bánh trôi cho đến khi bình minh ló rạng. Chiếc bánh đầu tiên được đem cúng mời tổ tiên rồi mới chia cho mọi người cùng ăn. Bánh giầy được ăn cùng lạp xường nên có phong vị đặc biệt, nồng ấm bởi được kết hợp từ nhiều loại thảo mộc. Bánh trôi chấm với mật ong rừng có vị ngọt tinh khiết đến mức còn thoang thoảng hàng chục mùi phấn hoa rừng.

leftcenterrightdel

Đồng bào Hà Nhì, La Hủ cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra nơi đầu nguồn sông Đà. Ảnh: ĐỨC DUẨN 

Có thể nói, dưới những mái lá đơn sơ ở mảnh đất Mường Tè, bản sắc văn hóa với những luật tục vẫn được cả cộng đồng duy trì và tôn trọng. Bằng mạch ngầm giao kết ấy, cộng đồng các dân tộc thiểu số sống giữa thiên nhiên đầy bất trắc mới thấy mình vững vàng hơn với mối dây liên kết vô hình mà vô cùng bền chặt. Còn trên đỉnh núi mờ xa kia, bước chân thầm lặng của những người lính biên phòng vẫn miệt mài ngày đêm, canh giữ cho sự bình yên và toàn vẹn của Tổ quốc, giữ cho mùa xuân đến trọn vẹn cùng đất trời và lòng người.

Ghi chép của TUỆ LÂM