Từ lễ giỗ liệt sĩ đầu tiên...

Những ngày tháng 7, tôi được gặp cô Nguyễn Thị Hậu (Tư Hậu), người phụ nữ từng là cán bộ quân báo. Cô cho biết, qua các cuộc chiến tranh và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có 614 liệt sĩ, trong đó có chồng, con trai và đồng đội của cô. Trong lòng cô không nguôi thương nhớ chồng con và những đồng đội, nhất là vào dịp 27-7... Theo lời kể của cô Tư Hậu, tháng 7-1997, trong một lần uống trà, cô Tư Hậu bàn với một số cô chú từng tham gia hoạt động cách mạng: “Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), mình làm cái gì đó mang ra bia ghi danh liệt sĩ thắp hương mời các anh, các chị về sum vầy ấm cúng”. Ý tưởng ấy ngay lập tức được mọi người tán thành. Vậy là lễ giỗ liệt sĩ đầu tiên vào đúng ngày 27-7-1997.

“Lúc đó, tôi và anh Ba Truyền, các chị Hai Bông, Năm Quặng và Chín Mụ làm vài món đơn giản rồi mang ra bia ghi danh các liệt sĩ trong Khu di tích lịch sử Đình Long Hưng thắp hương. Cúng xong, mấy người ngồi lại với nhau, rồi nhận thấy cúng mà không có cái bàn thì không ra giỗ. Vậy là hùn tiền lại mua cái bàn thờ, chân đèn, lư hương, lục bình, thảm trải để ngày 27-7 năm sau giỗ đồng đội tươm tất hơn. Từ đó, cứ đến ngày 27-7, người con gà, con vịt, người trái cây, mâm xôi, mâm bánh... cùng nhau làm lễ giỗ các liệt sĩ ở bia ghi danh liệt sĩ, trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đình Long Hưng”, cô Tư Hậu bộc bạch.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, nhân dân xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thắp hương tại bia ghi danh liệt sĩ nhân lễ giỗ liệt sĩ (27-7).

Để lễ giỗ liệt sĩ trở thành nếp văn hóa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, năm 2000, lãnh đạo xã Long Hưng thành lập Hội Cúng giỗ liệt sĩ. Cô Nguyễn Thị Hậu được mọi người tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Từ đó, hằng năm, xã Long Hưng hỗ trợ Hội Cúng giỗ liệt sĩ để tổ chức lễ giỗ được chu đáo hơn. Không chỉ hỗ trợ tiền, xã còn cắt băng rôn, treo cờ, đặt tràng hoa, đánh trống, múa lân, đọc diễn văn ôn lại truyền thống cách mạng quê hương, về công ơn các anh hùng liệt sĩ để ngày giỗ thật sự trang nghiêm, ý nghĩa. Mỗi ban, ngành, đoàn thể của xã đảm nhiệm một khâu; mỗi người một việc cùng nhau làm, xem như là việc chung. Cứ thế, lễ giỗ năm sau lại đông hơn năm trước, lên đến hàng trăm người tham gia. Cụ Nguyễn Thị Minh, dù đã 97 tuổi nhưng năm nào cũng bảo con cháu đưa đến Khu di tích lịch sử Đình Long Hưng để tham dự lễ giỗ. Trên tấm bia ghi danh có tên người con trai duy nhất của cụ.

Theo lời cô Tư Hậu, những năm đầu tổ chức, Hội Cúng giỗ liệt sĩ mời một số con em gia đình chính sách đi công tác, làm ăn xa về tham dự. Những năm sau, không cần phải mời mà các anh, các chị, các em xem ngày 27-7 như là một ngày truyền thống của địa phương, cứ đến ngày ấy là về tham dự lễ giỗ để thắp hương tri ân thế hệ ông cha đã ngã xuống cho quê hương. Có người về dự lễ giỗ còn rủ thêm bạn bè. Nhiều người đến ngày giỗ mặc áo dài, đội mâm xôi, bánh... đến dâng cúng rất trang trọng.

... đến nét đẹp tri ân

Mô hình tổ chức lễ giỗ liệt sĩ ở xã Long Hưng đã lan tỏa trong toàn tỉnh. Năm 2001, xã Tân Bình (nay thuộc thị xã Cai Lậy) tổ chức lễ giỗ liệt sĩ lần đầu tiên. Hơn 20 năm qua, hoạt động tri ân này được huyện Cai Lậy nhân rộng và trở thành nét đẹp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Ông Võ Văn Nhanh, Phó chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, toàn huyện hiện có 2.308 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang được phụng dưỡng; 904 thương binh, bệnh binh; 113 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 133 người có công với cách mạng... Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa được chính quyền đặc biệt quan tâm. Và lễ giỗ liệt sĩ được tổ chức hằng năm đã làm ấm lòng các gia đình chính sách trong những ngày tháng 7 tri ân.

Tham gia lễ giỗ liệt sĩ không chỉ có các tổ chức, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh mà còn rất nhiều người trẻ tuổi. Đối với các cựu chiến binh, lễ giỗ liệt sĩ là những phút giây lắng đọng ký ức không thể nào quên về một thời tuổi trẻ đánh giặc, cứu nước và động viên nhau góp sức xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Văn Luyến, cựu chiến binh ấp 1, xã Cẩm Sơn, bày tỏ: “Những nén hương, từng chiếc bánh mà người dân, gia đình chính sách cùng các xã, thị trấn dâng lên trong ngày giỗ liệt sĩ như niềm tin sưởi ấm linh hồn các anh hùng liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân hy sinh trong kháng chiến. Mỗi lần đến dự lễ giỗ liệt sĩ, cảm nhận được sự quan tâm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay, tôi và đồng đội đều chung niềm xúc động, tự hào...”.

Bài và ảnh: THÚY AN - KIM NGÂN