Năm 1972, tôi là chiến sĩ thông tin thuộc Trung đoàn 132 (nay là Lữ đoàn 132, Binh chủng Thông tin liên lạc). Một năm công tác gian lao, vất vả và chiến đấu, vượt qua hiểm nguy tại chiến trường Quảng Trị. Đúng vào những ngày đầu tiên của năm 1973, chỉ trước Tết Quý Sửu mấy ngày thì đế quốc Mỹ, sau thất bại trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972, đã phải ngồi lại vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973. Tôi hòa vào niềm vui chung của đất nước, dân tộc và vui hơn vì đúng dịp này, tôi được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam điều động ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới: Làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân!

leftcenterrightdel

Di tích lịch sử cầu Hiền Lương-sông Bến Hải (Quảng Trị). Ảnh: HOA LÊ

Những ngày ấy, tôi đã ghi chép vào cuốn sổ nhật ký của mình. Bây giờ đọc lại, lòng tôi vẫn rộn rực niềm vui. Tôi xin được trích những trang nhật ký viết từ 50 năm trước.

* Chiều 24-1-1973

Mình đang ở thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy. Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: Hội nghị Paris đã thành công, ta và Mỹ sẽ ký Hiệp định đình chiến chính thức vào ngày 27-1-1973. Trong lòng mình cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

... Quảng Bình nắng ấm, hôm nay trời đẹp. Gió xạc xào trên lũy tre. Mình sắp xa nó rồi, một xứ sở đã vĩnh viễn nằm trong tâm hồn ta... Ngày trở về sim chín tím môi em!

* Ngày 26-1-1973

 Mấy hôm nay sống trong một tâm trạng khó tả. Nghe đài đọc nội dung Hiệp định Paris. Mình cũng như mọi người trong tâm trạng lâng lâng. Gặp gỡ, chia tay bạn bè, mọi người. Đêm hôm qua nói chuyện với lớp huấn luyện, anh em trong lớp chúc mình lên đường ra Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chiều qua, đến chơi với một người bạn đang trọ ở nhà dân. Cô gái chủ nhà rất xinh đẹp. Mình chép tặng cô bài thơ “Cây xấu hổ”. Hình ảnh rất đẹp cuối cùng của Quảng Bình đấy. Cám ơn cuộc sống vô hạn. Sẽ thành thơ thôi. Mai sẽ ký Hiệp định Paris và ngày kia im tiếng súng trên chiến trường?

* Đêm 27-1-1973

Những giờ cuối cùng ở chiến trường, ở Quảng Bình. Còn khoảng 9-10 tiếng nữa, nghĩa là 7 giờ sáng mai, mình lên đường. Ngày mai, cả nước sẽ treo Quốc kỳ trong 8 ngày liền! Mình sẽ trở về trong sóng đỏ của cờ, có còn sự ngẫu nhiên nào kỳ diệu hơn không? Ngẫu nhiên mà hoàn toàn quy luật. Ai cũng phải ghen với chuyến đi của chúng mình... Và đời mình thì sẽ không bao giờ quên đâu.

Chiều nay Hòa bình đã về ở Paris và sáng mai Hòa bình đã về với toàn quốc Việt Nam.

Ngày hội lớn ngàn năm có một của cả nhân dân và của đời ta!

Hỡi cây bút, hãy trả lời đi em nhé...

Thôi, tạm biệt chiến trường, Quảng Bình: Mắt em long lanh thế, giọng em đằm thắm thế, sao ta nỡ ra đi... Tiếng súng ơi, khói lam chiều ơi và tiếng gầm phản lực, có bao giờ thôi náo động trong ta? Mang theo, mang theo tất cả, không thể phụ bạc được đâu...

Ta sẽ gặp lại tất cả thôi. Và ngày ấy thì em đã hạnh phúc lắm rồi, hỡi chiến trường, hỡi Quảng Bình, hỡi Quảng Trị của đời ta...

Ở lại nhé, dòng sông luôn xao động trước nhà...

Ở lại nhé, đôi mắt xếch của em e ấp.

Ở lại nhé, trái tim ta...

* Chiều 28-1-1973

Như vậy là còn được ở chiến trường một hôm nay nữa, ngày hòa bình đầu tiên. Đêm nay, sang Đội xe ngủ và sáng mai, 3 giờ sáng về bằng ô tô.

* Đêm Giao thừa Quý Sửu, 2-2-1973

Đây là những dòng cuối cùng của năm 1972 lịch sử, khép lại 10 tháng gian lao, vất vả làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình.

Nhớ đêm 28-1-1973, mình và bạn Duy Độ ngủ trong một cái hầm gần ga tàu Phú Hòa để hôm sau lên ô tô sớm. Hai thằng Kha và Tăng ra tiễn. Bốn thằng mắc võng, nằm hát với nhau mãi. Chia tay với chúng gắn bó, lưu luyến vô cùng. Thương chúng vô hạn.

3 giờ sáng 29-1-1973. Trăng hạ tuần lơ lửng. Mình và Độ ngồi trên thùng xe về đến Đồng Hới thì vừa sáng. Qua Gianh, bắt đầu mưa tầm tã, hai thằng ôm nhau. Mưa. Ướt. Xóc nẩy người. Không qua Đèo Ngang được, phải đợi. Đêm ngủ trên xe. Đã hai đêm như vậy. Hôm sau ra đi tiếp. Lại vướng ngầm, đợi thêm một ngày, một đêm... Đến hôm sau thì xe qua được. Cờ hoa hai bên đường san sát. Ô tô nối đuôi nhau hàng chục cây số. Người xe như nước chảy. Một tứ thơ nảy trong đầu: “Đi suốt màu cờ đỏ”...

Đến Bến Thủy nghỉ ăn cơm và đêm vào một trường học bỏ không ở Quỳnh Lưu ngủ. Sáng hôm sau tiếp tục hành trình về Hà Nội. Mưa đêm Hà Nội. Hai thằng trở lại ga Hàng Cỏ đổ nát. Tất cả vẫn đầy kỷ niệm.

Rồi pháo hoa sáng rực ở hồ Ha-le, hồ Bảy Mẫu như đón, như chào... Mình đã ra đi và trở về cùng với Hòa bình và Chiến thắng!

ANH NGỌC