Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên khai sinh là Nguyễn Vịnh), sinh ngày 1-1-1914, tại làng Niêm Phò (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước. Ông sớm được giác ngộ và tham gia cách mạng, trở thành đảng viên rồi Bí thư Tỉnh ủy khi còn rất trẻ. Ông là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho hậu thế nhiều di sản trên tất cả lĩnh vực đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được bảo tồn và phát huy trong công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, sau một thời gian chuẩn bị kỳ công của gia đình, các cơ quan chức năng và những người làm công tác bảo tàng, được sự ủng hộ, giúp đỡ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã được xây dựng. Bảo tàng được các địa phương cấp phép hoạt động theo hình thức bảo tàng ngoài công lập theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

leftcenterrightdel
Một góc trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội được UBND TP Hà Nội cấp phép hoạt động ngày 30-12-2020. Bảo tàng có địa chỉ tại số 81 phố Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. Bảo tàng có diện tích 550m2. Diện tích xây dựng: 300m2, diện tích trưng bày: 200m2. Kiến trúc bảo tàng được thiết kế theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, là ngôi nhà trước đây Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến 1986. Ngôi nhà này nhiều lần được đón Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm. Đặc biệt, tại đây diễn ra các cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 6-8-1964 và các ngày 25, 26-9-1964 để bàn về con đường cách mạng giải phóng miền Nam. Trung ương đã quyết định cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam tìm cách đánh Mỹ và thắng Mỹ.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Du khách tham quan và nghe giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 

Hệ thống trưng bày của Bảo tàng ngoài khu khánh tiết trưng bày trang trọng tượng chân dung của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn được sắp xếp theo 8 chủ đề chính: Quê hương-cách mạng miền Trung; Việt Bắc; xây dựng Quân đội; xây dựng hòa bình ở miền Bắc; cách mạng miền Nam; ngày 6-7-1967; tấm lòng những người ở lại và gia đình-hành trình tiếp nối. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn giới thiệu 25 tác phẩm tượng đồng gắn với các sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu, hơn 100 cuốn sách do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết và các tác giả viết về ông. Hai không gian tái hiện là căn phòng làm việc của Đại tướng trước đây ở căn nhà số 34 Lý Nam Đế và nhà làm việc của Đại tướng ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Tổng số tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn trưng bày là 799, bao gồm: 176 ảnh, 147 hiện vật gốc khối, 76 lá thư của Đại tướng viết cho gia đình và ngược lại, 200 tài liệu giấy là những bài viết của Đại tướng về các lĩnh vực như xây dựng Đảng; xây dựng Quân đội; xây dựng hòa bình ở miền Bắc; công tác nông nghiệp, nông thôn; chống chủ nghĩa cá nhân; về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội; hệ thống phim tài liệu về thân thế và cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...

Tất cả tài liệu, hình ảnh, hiện vật trên được gia đình dày công sưu tầm, lưu giữ, bảo quản cẩn thận và được trưng bày trang trọng từ sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời ngày 6-7-1967. Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội đã mở cửa đón khách tham quan từ ngày 6-7-2023, nhân dịp tưởng niệm 56 năm Ngày mất của Đại tướng và dự kiến tổ chức lễ khánh thành vào ngày 1-1-2024, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng.

leftcenterrightdel
Trong khuôn viên Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: HUYỀN TRANG

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép hoạt động ngày 2-6-2022. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 4-7-2022, dịp tưởng niệm 55 năm Ngày mất của Đại tướng (6-7-1967 / 6-7-2022). Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế có trụ sở ở số 144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP Huế. Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế được xây dựng trên khuôn viên 530m2 với kiến trúc nhà rường đặc trưng, mang đậm dấu ấn kiến trúc Huế xưa.

Hệ thống trưng bày của Bảo tàng cũng được chia thành 8 chủ đề chính, giới thiệu 395 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, phản ánh phong trào cách mạng của quân dân Thừa Thiên Huế và miền Trung trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp, vai trò của Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Liên khu ủy 4 Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí tiền bối cách mạng ở miền Trung và Thừa Thiên Huế. Qua đó tái hiện cuộc trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân và LLVT Bình Trị Thiên cho đến ngày thắng lợi.

Các tài liệu, hiện vật, hình ảnh được Bảo tàng bảo quản cẩn thận, được số hóa, trưng bày trang trọng, hình thức thể hiện hấp dẫn. Từ ngày mở cửa đến nay, Bảo tàng đã đón và phục vụ hơn 13.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Cảm nhận của khách tham quan qua các dòng lưu bút đều bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những đóng góp quan trọng của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS PHẠM VĂN PHI (Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh)