Theo lịch hẹn, buổi sáng một ngày cuối tháng Hai âm lịch, ông Phan Văn Thông (Bảy Thông) ở Ban Quản lý Đền thờ Vua Hùng và người bạn già Nguyễn Quốc Vụ (Út Vụ), ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, thức dậy sớm hơn thường lệ, pha ấm trà để cùng với các bậc cao niên trong làng bàn kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ. Công việc này đã được hai ông thực hiện đều đặn hàng chục năm qua, mỗi khi sắp đến ngày lễ trọng đại của ấp. Ông Bảy Thông cho biết: “Tôi và ông Vụ là những người kế thừa di nguyện của cha ông trong việc trông coi Đền Hùng nên phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp đó cho con cháu sau này”.

leftcenterrightdel
Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ tại Đền thờ Vua Hùng. 

Sống từ nhỏ và lớn lên bên cạnh ngôi đền thờ Vua Hùng ở vùng đất cuối trời Nam, nói về lịch sử hình thành đền, ông Út Vụ cho biết: “Tôi nghe cha kể, từ khi cha tôi theo ông nội về đây lập nghiệp thì đã có ngôi đền này rồi. Lúc đó, cha tôi 22 tuổi và hiện giờ đã mất. Nếu còn sống, năm nay cha tôi đã hơn 120 tuổi. Do trước đây vùng đất này mới khai phá, hoang sơ, dân sống thưa thớt và cư dân còn nghèo, nên không có tiền xây đền bằng gạch mà dựng bằng cây lá. Ban đầu, người dân gọi là miếu chứ chưa phải đền. Do làm bằng cây lá nên miếu hay bị mối mọt ăn, phải làm lại. Cũng đã có lần miếu bị trúng bom trong chiến tranh, nhưng mấy ngày sau người dân địa phương đã dựng lại”.

Sau nhiều lần sửa chữa, năm 2006, Đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu được trùng tu quy mô lớn, mặt chính của đền quay ra hướng Quốc lộ 63 thay vì hướng ra sông Bạch Ngưu như trước đây. Ngày 5-4-2011, Đền thờ Vua Hùng được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch, chính quyền địa phương và nhân dân tập trung về đền tổ chức lễ Giỗ Tổ long trọng. Từ năm 2006 đến nay, lễ giỗ được tổ chức rất quy mô với phần lễ và phần hội. Ngoài các trò chơi dân gian, phần lễ được tổ chức trang trọng với phần rước lễ vật dọc theo Quốc lộ 63 về dâng hương, tiến tửu Vua Hùng.

Ông Trịnh Tấn Tài, người dân ở xã Tân Phú, bộc bạch: “Năm nào đến lễ Giỗ Tổ, nhà tôi cũng chuẩn bị gạo nếp ngon từ quê nhà để nấu xôi dâng tiến Vua Hùng. Người dân ở xã chúng tôi bao năm qua vẫn giữ thói quen ai có gì cúng đó. Từ con gà, con vịt đến nải chuối, củ khoai đều mang đến cúng Vua Hùng ngày Giỗ Tổ. Giỗ Tổ Hùng Vương nơi cuối trời đất mẹ Việt Nam không có bánh chưng, bánh giầy như miền Bắc, thay vào đó là xôi, bánh tét, bánh ít miền Nam. Các mâm xôi của người dân nơi đây cung tiến Vua Hùng cũng đặc biệt, ngoài xôi trắng còn có xôi được nhuộm màu đỏ, vàng, tím với ý nghĩa nhắc lại những giống lúa tốt đã được trồng từ thời Hùng Vương mà con cháu chúng ta gìn giữ từ đời này sang đời khác”.

Dù không có Đền Hùng hơn 160 tuổi như ở Cà Mau, nhưng đều đặn hằng năm, đến ngày Giỗ Tổ, bà con trong và ngoài xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đến Đình thần Tân An Trung-nơi có bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương-dọn dẹp vệ sinh, cùng Ban tế tự đình lo chuẩn bị vật cúng. Cũng trong tỉnh Đồng Tháp, tại Trường Đại học Đồng Tháp (thành phố Cao Lãnh), Trường THCS Hùng Vương (thành phố Sa Đéc) và nhiều cơ sở thờ tự khác, đúng mồng 10 tháng Ba âm lịch cũng tổ chức lập bàn thờ dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng, có nơi còn tổ chức lễ hội.

Ông Võ Văn Phước, Trưởng ban tế tự Đình thần Tân An Trung cho biết: “Năm nay là tròn 30 năm đình tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Trước ngày giỗ, các em học sinh trên địa bàn xã Tân Khánh Trung quét dọn lá cây trong sân đình, những người cao tuổi và thanh niên treo cờ phướn, cờ hội, băng rôn trên các tuyến đường gần đình và sơn sửa lại trống đình. Ngoài ra, đình còn tổ chức hội thi gói bánh chưng. Hội thi bắt đầu từ sáng mồng 9 tháng Ba âm lịch, các đội đại diện 13 xã, thị trấn của huyện Lấp Vò cùng nhau gói 10 chiếc bánh chưng, mỗi chiếc nặng khoảng 0,5kg để sáng hôm sau dâng lên bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Đình thần Tân An Trung có tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào dịp Lễ hội Kỳ yên Hạ điền, vì thế mà vào ngày này, có hàng nghìn bà con gần xa mang vật phẩm đến cúng viếng, bày tỏ lòng thành kính”.

Mới đây, chúng tôi gặp được các sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ đến thăm viếng Đền thờ Vua Hùng ở TP Cần Thơ. Em Dương Hữu Tính, quê ở tỉnh Trà Vinh, lần đầu đến viếng Đền thờ Vua Hùng, xúc động nói: “Đền thờ Vua Hùng như một chỗ dựa tâm linh vững chắc, nhắc nhở về bài học dựng nước và giữ nước của ông cha. Bởi vậy, chúng em phải kính nhớ Vua Hùng và làm theo những điều Bác Hồ dạy, học tập, lao động, cống hiến sức trẻ, góp phần xây dựng đất nước ngày một phồn vinh”...

Bài và ảnh: THÚY AN