Tháng 8-1966, tôi tốt nghiệp cấp hai (lớp 7/10), đúng thời kỳ chiến tranh đang ác liệt. Thanh niên cả nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ xung phong lên đường đánh giặc. Tôi và các bạn cùng trang lứa quê hương xã Đức Ân, huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) của tỉnh Hà Tĩnh đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau đợt khám khoảng 10 ngày, tôi và hai bạn cùng lớp là Nguyễn Văn Chín, Nguyễn Văn Khôi được bà con quê hương tổ chức liên hoan, tiễn chân lên đường.

Huấn luyện gấp rút chừng 3 tháng, chúng tôi được bổ sung cho chiến trường Quảng Trị. Hằng ngày, chúng tôi qua lại sông Bến Hải như con thoi. Nhiều trận đánh xảy ra, nhiều đồng đội tôi hy sinh, bị thương. Ác liệt nhất là những trận đánh vào đồn Cồn Tiên hay chống giặc càn vào xã Gio An, huyện Gio Linh và các đồi núi của miền Tây Quảng Trị. Cuối tháng 11-1967, tôi bị thương lần đầu, dân quân và đồng đội đưa tôi đến Đội điều trị tiền phương 48. Tại đây, tôi gặp lại nhiều nữ y tá từng được đào tạo tại quê hương. Dù bom đạn đe dọa ngày đêm nhưng các cô vẫn bình tĩnh, hết lòng chăm sóc, cứu chữa thương binh, không có ngày, giờ nghỉ. 

leftcenterrightdel

 Vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Đặng Sỹ Ngọc. Ảnh: PHƯƠNG HUYỀN

Ngày 20-7-1972, đang cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tôi bị thương nặng, phải về tuyến sau. Dọc đường vận chuyển thương binh ra miền Bắc, tôi phải trải qua nhiều trạm chuyển thương, nhiều bệnh viện từ nhỏ đến lớn. Tôi không thể kể hết, có hàng trăm nhân viên, thầy thuốc quân y đã cấp cứu, điều trị, chăm sóc từng phút, từng giờ để tôi được sống...

Sức khỏe dần hồi phục, đang trong thời gian an dưỡng, bỗng tôi nhận được điện khẩn: “Mẹ ốm nặng, về gấp!”. Nhận điện, tôi bàng hoàng, lo lắng. Nghĩ đến mẹ, nhưng thương tật nặng, tôi đang phải chống nạng tập đi từng bước. Sau khi tôi báo cáo cán bộ tiểu đoàn, đơn vị cử một đồng chí trung úy cũng là thương binh, bị cụt tay, cùng quê tranh thủ nghỉ phép “hộ tống” tôi về nhà. Mọi người thấy tôi lâu ngày trở về thì mừng vui khôn xiết. Tôi chống nạng vào nhà, gặp mẹ và em gái sau nhiều ngày xa cách nên không nén nổi xúc động. Tôi mừng vì thấy mẹ vẫn bình an. Sau giây phút xúc động, mẹ bảo: “Mẹ vẫn bình thường, mẹ điện vậy là để con về tranh thủ lấy vợ. Bố con mất lúc con chưa đầy 10 tuổi. Cùng tuổi với con, bạn bè đã yên bề gia thất cả rồi”.

Tôi ngập ngừng: “Nhưng, giờ con là thương binh nặng, mẹ ạ!”...

Mẹ tôi nói ngay: “Hiện có Vân, con ông bà Giáo ở đơn vị Trường Sơn về phép, mẹ đã thăm dò biết hắn chưa yêu ai. Mẹ thấy vừa lòng bởi cùng quê, cùng là bộ đội, dễ hiểu nhau mà thông cảm. Với lại hắn là quân y, có thể chăm sóc sức khỏe cho con sau này”.

Thì ra, mẹ đã lên kế hoạch cho tôi rất cụ thể, kín đáo và chắc chắn. Mẹ tôi là cán bộ phụ nữ xã, được bà con làng xóm yêu quý. Trong lòng mẹ luôn nghĩ đến đứa con trai độc nhất ngoài mặt trận. 

Ngày hôm sau, tôi chống nạng đến thăm ông bà Giáo. Cả nhà niềm nở chào đón tôi. Vân nói chuyện một lúc rồi vào phòng trong, để cho tôi nói chuyện với ông bà. Vân là người cùng làng, học sau tôi 2 lớp, hết phổ thông, cô xin nhập ngũ năm 1972, làm lính thông tin rồi chuyển sang y tế của Tiểu đoàn 4, Quân khu 4. Vượt Trường Sơn sang làm nhiệm vụ ở nước Lào, nay Vân được về phép lần đầu. Tôi hồi hộp không biết thưa chuyện với ông bà Giáo thế nào, đành báo cáo theo kiểu của lính:

- Thưa cha mẹ! Trước đây, ở mặt trận con có thể chỉ huy bộ đội đánh nhau với địch. Có trận thắng, có trận tổn thất nhưng vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Nay có một việc muốn nói mà con không biết bắt đầu từ đâu.

Bố Vân mời tôi uống nước và nhắc cứ tự nhiên, nghĩ thế nào, nói thế đó. Tôi an lòng, nhưng vẫn lúng túng: “Con mong được cha mẹ cho phép tìm hiểu Vân để xây dựng gia đình, nhưng con nay đã là thương binh!”. Nói đến đó, tôi lặng im. Mẹ Vân ân cần: “Choa hiểu rồi! Cứ tìm hiểu cho kỹ, hai đứa đồng ý thì choa đồng ý”.

Trời đã tối, tôi chống nạng ra về, Vân muốn tiễn tôi, nhưng trăng còn sáng, tôi về một mình. Ngày hôm sau, Vân mặc quân phục, ve áo đeo quân hàm hạ sĩ quân y đến nhà tôi. Mẹ và em gái tôi mừng ra mặt. Tôi hỏi Vân chuyện về phía Tây Trường Sơn, nơi tôi từng chiến đấu giúp nước bạn Lào mấy năm trước. Còn Vân thì hỏi chuyện chiến trường Quảng Trị và các đơn vị quân y nơi tôi từng điều trị. Khi Vân chuẩn bị ra về, tôi mới mạnh dạn hỏi: “Vân đã có gì chưa?”. Vân trả lời: “Có gì là gì vậy? Vân đang ở bộ đội và đang về phép thăm quê đây. Mấy ngày nữa, hết đợt phép, Vân về đơn vị”.

Thế là trong hai năm tiếp theo, chúng tôi cứ thư đi thư lại trao đổi tình hình, chia sẻ, động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Sau ngày nước nhà thống nhất, tháng Giêng năm Bính Thìn 1976, các tổ chức đoàn thể xã Đức Ân đã tổ chức lễ cưới cho chúng tôi ở hội trường văn hóa xã. Đại diện của hai đơn vị Quân đội, Huyện đoàn và thầy cô giáo của tôi và Vân cùng dự đám cưới. Khi đưa dâu, hai nhà về hai ngả, theo đời sống mới, rất tiết kiệm nhưng đầy đủ sự chúc phúc.

Đã gần 50 năm sau ngày cưới, cho đến hôm nay, sức khỏe tôi vẫn tốt. Các con tôi chăm ngoan, học tập tốt, có việc làm và gia đình ổn định. Đây cũng là nhờ người vợ hiền Nguyễn Thị Hồng Vân mà mẹ tôi đã chọn cho tôi. Một nửa cuộc đời em đã luôn đồng hành bên tôi trong mọi hoàn cảnh. Nửa thế kỷ trôi qua, tôi cũng không bao giờ quên đội ngũ “mẹ hiền” là những hộ lý, y tá, bác sĩ từng chăm sóc tôi sau nhiều lần bị thương trong những năm chiến tranh. Nhiều năm qua, tôi đã đi tìm và gặp được một số người để cảm ơn.

ĐẶNG SỸ NGỌC