Sinh ra trong một gia đình, dòng họ nho nhã, giàu truyền thống cách mạng và hiếu học ở xóm Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, từ nhỏ, cậu học trò Nguyễn Khắc Tuyến đã mơ ước sau này làm thầy giáo như ông nội, người được cả làng, cả xã quý mến với cách gọi quý trọng-ông giáo Hiệu! Thế nhưng khi trưởng thành, lúc đất nước còn bị quân xâm lược giày xéo, chàng trai lại thay đổi suy nghĩ, đó là lên đường đánh giặc, giành lại độc lập, thống nhất đất nước.

Thưa chuyện này với ông nội, thầy mẹ, chàng trai nhận được sự đồng cảm và khích lệ. Vậy là lá đơn tình nguyện lên đường đánh giặc của chàng trai hội đủ tâm nguyện của những người thân yêu. Đầu năm 1961, Nguyễn Khắc Tuyến nhập ngũ, mẹ lại động viên: “Con cứ vững tâm, vững bước lên đường đi đánh giặc, giặc tan con về nối nghiệp ông nội cũng chưa muộn...”.

leftcenterrightdel
Bộ đội hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu 

Với trình độ văn hóa lớp 7 cùng tố chất thông minh, nhanh nhẹn, nên huấn luyện tân binh xong, Binh nhất Nguyễn Khắc Tuyến được lựa chọn đi huấn luyện chuyển tiếp làm tình báo kỹ thuật ở đơn vị B5 (nay thuộc Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng). Sau khi hoàn thành lớp huấn luyện đặc biệt này, Hạ sĩ Nguyễn Khắc Tuyến vào chiến trường miền Nam công tác và được trên điều vào làm nhiệm vụ tại Phòng 2, Quân khu Trị Thiên Huế. Tại chiến trường ác liệt, tình báo kỹ thuật Nguyễn Khắc Tuyến đã cùng đồng đội vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt, thu được nhiều thông tin tình báo quan trọng, rất có giá trị trong tác chiến của ta.

Trước Tết Mậu Thân 1968, tại một trạm giao liên ở miền tây Quảng Trị, Trung sĩ Nguyễn Khắc Tuyến thật ngỡ ngàng khi gặp một người anh cùng làng, đó chính là bố tôi (Trung úy Tô Tân, Chính trị viên đại đội, thuộc Trung đoàn 24, Sư đoàn 304). Người cùng làng mà gặp nhau ở chiến trường thế này thì vui mừng khôn xiết! Hai anh em tíu tít thăm hỏi nhau. Chỉ tiếc rằng, cuộc gặp diễn ra thật ngắn ngủi, chưa đầy 20 phút. Sắp phải nói lời tạm biệt, bố tôi và chú Tuyến cuống quýt lục tìm trong ba lô xem có gì tặng nhau. Bố tôi nghĩ thiết thực hơn cả là tặng chú Tuyến lọ ruốc vi lượng duy nhất của mình (ruốc do Trung Quốc viện trợ, trên vừa cấp cho sĩ quan đi chiến trường), để nếu gặp bất trắc chú Tuyến dùng. Còn chú Tuyến thì tặng bố tôi tấm ảnh chân dung, mang quân hàm hạ sĩ, cỡ 3x4cm. Hai anh em lưu luyến chia tay, hẹn ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất sẽ gặp nhau nơi quê nhà, rồi mỗi người mỗi ngả chiến trường. Chú Tuyến đi theo đội hình Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế. Bố tôi cơ động cùng đơn vị về hướng Khe Sanh...

Về sự hy sinh của chú Tuyến, tôi đã gặp 3 cựu chiến binh là Nguyễn Viết Xô, Trần Chấn và Phạm Mẫn, là đồng đội của chú, nay đều gần 80 tuổi, được nghe các ông kể trong sự rưng rưng xúc động.

Chiều 28-4-1968, tại miền tây Trị Thiên, khi tổ tình báo kỹ thuật do Trung sĩ Nguyễn Khắc Tuyến chỉ huy đang di chuyển cùng Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế đến vị trí mới để phòng tránh máy bay B-52 Mỹ ném bom rải thảm thì gặp địch. Chúng phát hiện liền nổ súng xối xả. Quân địch đông, lại có hỏa lực mạnh. Tổ tình báo kỹ thuật chỉ có 3 người và có duy nhất khẩu tiểu liên AK. Không còn phương án nào khác, 3 chiến sĩ vừa mưu trí đánh địch, vừa bảo toàn tài liệu, thiết bị kỹ thuật. Chỉ trong khoảnh khắc, tổ trưởng Nguyễn Khắc Tuyến đã quyết định tự mình nghi binh, thu hút hỏa lực địch. Tổ trưởng trao đổi nhanh với hai đồng đội, rồi giành luôn khẩu AK từ tay chiến sĩ Trần Chấn, chạy một đoạn rồi lên một điểm cao bắn lại địch. Quả nhiên súng, pháo địch chỉ nhằm vị trí có tiếng AK mà nhả đạn. Hai đồng đội lợi dụng địa hình rừng núi bí mật mang tài liệu và khí tài thoát ra ngoài an toàn. Chỉ ít phút sau, tiếng AK im bặt, Trung sĩ Nguyễn Khắc Tuyến đã anh dũng hy sinh!

Cựu chiến binh Trần Chấn nói về tình huống này như vừa thoát khỏi vòng vây địch, cứ nặng lòng tri ân: “Nếu anh Tuyến không hành động như vậy, chắc cả 3 chúng tôi đều hy sinh hôm đó rồi, còn tài liệu và phương tiện kỹ thuật sẽ rơi vào tay địch. Chúng tôi mãi mãi không quên người anh gương mẫu, luôn hết mình vì đồng đội, khi chiến đấu thì sẵn sàng nhận sự hy sinh về mình...”.

leftcenterrightdel
Hạ sĩ Nguyễn Khắc Tuyến (năm 1972). Ảnh chụp lại 

Vậy là chưa đầy 5 tháng sau cuộc gặp bố tôi, chú Tuyến đã ngã xuống. Không biết chú có kịp dùng lọ ruốc nho nhỏ bố tôi tặng lúc chia tay? Lời tạm biệt nơi đất lửa biến thành lời vĩnh biệt! Hẹn ước ngày đất nước độc lập, thống nhất anh em sẽ gặp nhau nơi quê nhà, với chú Tuyến mãi mãi chỉ là ước hẹn!

Cuối năm 1968, gia đình nhận được giấy báo tử chú Tuyến. Thầy mẹ, người thân của chú quặn thắt lòng; bạn bè, làng xóm nhớ thương chàng trai hào hoa, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Sau những ngày đau đớn tột cùng, cụ Phan Thị Mòng-thân mẫu chú Tuyến tĩnh tâm lại, từ đó dường như ai cũng thấy cụ càng yêu thương những người mẹ, người vợ, người con của liệt sĩ, thương binh và bộ đội. Cụ thường gọi anh em chúng tôi là “những cháu bộ đội con”, nghe vui vui, quý mến lắm!

Bố tôi, dù ở chiến trường Quảng Trị thời chống Mỹ; mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang thời chiến tranh bảo vệ biên giới, hay thuyên chuyển qua nhiều cơ quan, đơn vị, nhà trường, ông vẫn luôn giữ gìn rất cẩn thận tấm hình nhỏ của chú Tuyến, cả khi đã nghỉ hưu. Gần đây, khi biết tin người thân chuẩn bị vào miền Trung tìm hài cốt chú, bố tôi đến thăm hỏi thì mới biết từ ngày chú Tuyến hy sinh, gia đình không tìm thấy tấm ảnh nào để thờ. Vì thời học sinh và lúc chuẩn bị đi bộ đội, chú chưa chụp ảnh bao giờ. Vào bộ đội cũng chỉ duy nhất một lần chú chụp ảnh chân dung, trước khi vào chiến trường, trong đó có một tấm tặng bố tôi, còn gia đình chú chưa kịp gửi về. Biết việc này, bố tôi về ngay nhà mình lấy ảnh chú Tuyến tặng năm xưa. Khi bố tôi trở lại nhà chú Tuyến, ai cũng xốn xang như ra đón chú về. Đến khi nhìn thấy hình ảnh chú sau hơn nửa thế kỷ mong đợi thì ai cũng dâng trào xúc động.

leftcenterrightdel
Anh Nguyễn Khắc Vượng thắp hương tưởng nhớ chú – liệt sĩ Nguyễn Khắc Tuyến. Ảnh: TÔ PHƯƠNG 

Tấm ảnh chân dung chú Tuyến ngay hôm sau được anh Nguyễn Khắc Vượng-cháu chú Tuyến đi phóng to làm ảnh thờ. Năm xưa, lễ truy điệu chú không có ảnh, còn hôm đón hài cốt chú về với người thân, gia đình, quê hương có ảnh chú thời trai trẻ-đúng là “mãi mãi tuổi 20”. Hai điều mong mỏi của thầy mẹ chú khi lâm chung bây giờ lại đến cùng một lúc, chắc hẳn nơi suối vàng, anh linh hai cụ thanh thản hơn!

Với tôi, từ “cháu bộ đội con” đã trở thành bộ đội trung tuổi, rồi sang làm Báo Quân đội nhân dân. Một lần lên Sư đoàn 312 công tác, biết Sư đoàn trưởng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) gọi cụ Phan Thị Mòng-thân mẫu của liệt sĩ Nguyễn Khắc Tuyến là cô ruột, tôi có kể về tình cảm và sự quan tâm của cụ Phan Thị Mòng dành cho con bộ đội như chúng tôi. Sư đoàn trưởng Phan Văn Giang đồng cảm, bày tỏ: “Cụ là chị ruột của thân phụ tôi. Lẽ ra chúng tôi phải gọi cụ là bác, nhưng cụ bảo gọi là cô nghe tình cảm hơn. Cô và thân phụ tôi giống nhau lắm, nhất là tính cương trực và lòng thương người. Còn anh Nguyễn Khắc Tuyến, khi anh đi bộ đội, rồi vào chiến trường, tôi còn bé lắm. Tôi chỉ biết về anh qua những câu chuyện của người thân, nhưng cũng giúp tôi hiểu, quý trọng và tự hào về anh mình nhiều lắm...”.

Người thân, anh em, bạn bè, đồng chí đồng đội, những người đã biết, đã gặp và cả những người chỉ nghe kể đều quý trọng, tự hào về liệt sĩ Nguyễn Khắc Tuyến. Dẫu ước mơ trở thành nhà giáo mãi mãi không thành nhưng những suy nghĩ, quyết định ngay từ thuở thanh xuân và trong chiến đấu của chú đã là những trang giáo án đỏ, sống động, giàu niềm tin, lý tưởng.

TÔ THÀNH TUYÊN