Đầu tháng 3-1973, tôi được tuyển chọn về Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng Tham mưu). Sau khóa huấn luyện, tôi về Đội X, nhiệm vụ của Đội là xây dựng cơ sở, nắm tình hình và tổ chức giao thông liên lạc, phục vụ việc đưa đón cán bộ, chuyển giao tài liệu và phương tiện cho các tổ công tác hoạt động ở địa bàn Trung, Hạ Lào, Vientiane và địa bàn xa.

Lần đầu thực hiện nhiệm vụ, tôi cùng Đội trưởng Võ Gia (đồng chí Võ Gia hy sinh năm 1982 khi giúp bạn) và 3 đồng chí trong tổ trinh sát bảo vệ đi bộ vượt biên giới, gần hai ngày mới vào được cứ tiền phương. Gọi là cứ nhưng không có nhà cửa, lán trại, chỉ là một sạp dài bằng tre nứa, không có mái che, nằm sát vách dưới chân núi đá để tránh mưa gió và máy bay địch. Đặc biệt, tổ chúng tôi có thêm 3 đồng chí do Tỉnh ủy và Tỉnh đội Khammouane tuyển chọn cho Đội là Khamdi, Bounthien và Bounnhang.

Chúng tôi được biết, khi thành lập Đội X, theo đề nghị của lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane đã viết thư tay cho đồng chí Khamphi, Bí thư Tỉnh ủy Khammouane lúc đó, đại ý: Đội X là một đơn vị đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam, hoạt động trong tỉnh và khu vực lân cận, có nhiệm vụ nắm tình hình địch, phục vụ cho lãnh đạo hai nước nên tỉnh phải giữ bí mật, tạo mọi điều kiện cho Đội X hoạt động lâu dài. Đội X cần tuyển chọn người thì tỉnh hết sức giúp đỡ, Đội trưởng Đội X được trực tiếp làm việc với Bí thư Tỉnh ủy. Không được quan hệ rộng...

leftcenterrightdel

Đại tá Trần Thành (bên trái) cùng Đại tướng Khamtai Siphandon, nguyên Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại nhà riêng, trong lần ông trở lại Lào năm 2017. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau này, chúng tôi đã tuyển chọn một số cán bộ, chiến sĩ bổ sung cho Đội. Sau một thời gian thử thách, rèn luyện, Đội X đã đề nghị Tỉnh ủy tổ chức kết nạp Đảng cho 3 đồng chí Khamdi, Bounthien và Bounnhang. Chúng tôi ở cứ được hai ngày thì có lệnh hành quân tiếp vào trong lòng địch. Cả bạn và ta có 8 người, ba lô ai cũng nặng trĩu quần áo, tư trang, tăng, võng, lương khô, thịt hộp, gạo, muối đủ dùng cho hơn một tuần; ngoài ra còn vũ khí, điện đài và pin dự trữ. Đi từ 5 giờ sáng, men sườn núi lên đỉnh, khi xuống chân núi phía bên kia thì trời vừa tối. Sớm hôm sau, chúng tôi cắt rừng đi tắt vào trung tâm cứ hoạt động. Nguyên tắc của Đội là “Đi, ở không dấu, nói không tiếng”, không hút thuốc, khi trao đổi công việc thì nói thầm không phát ra tiếng; không chặt cây cối xung quanh và dưới võng nằm; đi vệ sinh xong phải xóa dấu vết và không đi một chỗ, đề phòng địch và người dân phát hiện. Những khu rừng xung quanh cứ đều được chôn cất lương thực, thực phẩm, đề phòng động nơi này thì chuyển sang nơi khác. Nước dùng hằng ngày phải lấy vào lúc 1-2 giờ sáng bằng túi nilon, trước khi lấy phải có trinh sát và cảnh giới (kể cả tắm rửa), cứ vài ba ngày mới thực hiện một lần. Gặp địch không nổ súng trước, trừ khi bị chúng phát hiện, truy đuổi; không để lộ đường đi, nơi ở...

Mỗi mùa khô hằng năm, Đội X thực hiện hàng chục chuyến hoạt động và có biết bao tình huống bất trắc xảy ra mà anh em Việt-Lào trong Đội đã khắc phục, vượt qua gian khổ, hy sinh. Sau này, Đội X được Đảng, Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhiều người là cán bộ cao cấp của cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng Lào khi gặp tôi, họ rất tự hào vì được trưởng thành từ những chiến sĩ cùng hoạt động trong các tổ công tác của Việt Nam những năm tháng kháng chiến. Tôi rất vinh dự và tự hào đã góp phần nhỏ bé của mình vào vun đắp nên mối quan hệ đặc biệt, thủy chung hiếm có giữa hai dân tộc, hai nhà nước Việt Nam-Lào nói chung và quân đội hai nước nói riêng.

HOÀNG QUÝ LÊ (Ghi theo lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thành)