Từ nhỏ, cô gái người dân tộc Tày Đào Thị Đoan (tên thật của NSƯT Lê Thu) đã làm liên lạc phục vụ cách mạng ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay thuộc TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). 16 tuổi, bà tham gia Thiếu sinh quân rồi được tuyển vào Nha Công an Trung ương. Khi con gái mới 8 tháng tuổi, bà phải gửi con cho nhà ngoại để bí mật về Hà Nội nhận nhiệm vụ trinh sát ở sân bay Bạch Mai. Cuối năm 1954, bà chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa làm phát thanh viên, vừa là diễn viên Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà Thu nhớ lại: “Từ năm 1955, tôi được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cùng một số nghệ sĩ và hầu như chỉ được ngắm Bác từ xa, vậy nên lần đầu được trò chuyện với Người, tôi xúc động lắm”.
Lần ấy, trong lúc chờ khách đến, Bác trò chuyện, hỏi thăm các nghệ sĩ. Đến lượt Lê Thu, cô mạnh dạn đứng lên thưa với Người về quê hương, gia đình mình. Biết cô là người dân tộc Tày, Bác liền trò chuyện bằng tiếng Tày. Sự gần gũi của Người khiến Lê Thu bớt đi những rụt rè, e ngại ban đầu. Biết nữ nghệ sĩ sinh ra ở Cao Bằng, Bác kể về những năm tháng Người vừa trở về nước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, lấy tên là Già Thu và ở hang Pác Bó...
    |
 |
Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thu. Ảnh: THU HÀ |
Là người Cao Bằng nhưng Lê Thu đi thoát ly từ lúc còn trẻ, cũng chưa từng tới hang Pác Bó, nên hôm ấy bà chưa mường tượng được cuộc sống của Bác khi hoạt động ở quê hương mình. Sau này, trong nhiều dịp về làm công tác từ thiện tại Cao Bằng, vào thăm hang Pác Bó, tận mắt thấy không gian ẩm thấp, điều kiện sống vô cùng thiếu thốn cùng những hiện vật giản dị từng gắn bó với Người, bà rất xúc động. Bà tự nhủ, sự hy sinh của Bác to lớn biết nhường nào! Cho đến bây giờ, cuộc trò chuyện với Bác ngày hôm đó, bà Lê Thu vẫn nhớ như in từng chi tiết. Bác gần gũi như cha chú, người thân đi xa lâu ngày hỏi thăm về gia đình của từng nghệ sĩ. Người nhắn nhủ phải luôn trân trọng hạnh phúc gia đình, quan tâm đến việc học hành của con cái. Khi mọi người ra về, Bác còn gửi kẹo, bánh để các nghệ sĩ mang về làm quà cho con. Trở về nhà, bà hân hoan kể sự kiện này với chồng-Phó đại đội trưởng Đại đội Độc lập Cao Phòng, từng bảo vệ Bác ở chiến khu những năm kháng chiến chống Pháp. Ông xúc động và nói với bà rằng, Bác luôn dành tình yêu thương cho tất cả mọi người...
Năm tháng sau này, noi gương Bác Hồ, nghệ sĩ Lê Thu không ngừng cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chăm lo đến cuộc sống của người lao động ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà nhớ có lần, đã gần Tết mà hầu như chưa gia đình nào ở đài có chút thịt để gói bánh chưng, bà liên hệ lên vùng cao mua được mấy con lợn. Không quản đường xa, bà theo xe lên tận nơi chở về. Nhưng về đến giữa đường thì bị cơ quan chức năng xét hỏi, không biết làm cách nào, bà đành nói về chồng mình-khi ấy là Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an để xin cho xe qua. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất bà dùng đến “uy” của chồng để được việc. Sau khi về hưu, bà bắt đầu đến với công việc từ thiện. Bà đã dành thời gian, công sức đến tận nơi vận động các cá nhân, tổ chức giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2019, bà được công nhận là Công dân ưu tú Thủ đô vì những đóng góp cho xã hội. Giờ đây, bước vào tuổi 90, bà vẫn say sưa với công tác thiện nguyện. Hơn một năm nay, sức khỏe giảm sút khiến bà không thể đến tận các vùng sâu, vùng xa nữa, đành làm việc từ xa. Bà vận động người con gái cả tiếp nối công việc của mình. “Tôi vẫn là thành viên danh dự, kết nối mọi người ở Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội. Tôi luôn tự nhủ, cho đến khi lực bất tòng tâm tôi mới không làm từ thiện nữa”-bà Thu chia sẻ.
THỦY TIÊN