Cha tôi tên là Nguyễn Ích Giáp, sinh năm 1919. Theo lời ông nội (Nguyễn Ích Hạp) kể lại thì quê gốc của gia đình tôi ở thôn Thúy Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (nay thuộc TP Hà Nội). Để kiếm kế sinh nhai bằng nghề gia truyền lò rào (lò rèn), gia đình tôi phải đi hết nơi này đến nơi khác để làm ăn sinh sống.
Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, ông nội đưa cả nhà tản cư đến ở nhờ nhà cụ Thống, tại xóm Đá, làng Vân Xuyên, tổng Hoàng Vân (nay là xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) để mở lò rèn. Tại đây, gia đình tôi đã gặp một đồng chí cán bộ cách mạng tuyên truyền giác ngộ: “Làm cách mạng đánh đuổi phát xít, giành độc lập, dân ta mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Thấy đúng quá, thế là ông nội tôi vận động cả nhà đồng lòng đi theo cách mạng (sau này, khi đất nước giành độc lập, gia đình tôi mới biết đồng chí cán bộ ấy chính là Tổng Bí thư Trường Chinh).
Khi còn sống, ông nội tôi hay kể: Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương tiến hành xây dựng An toàn khu II (ATK II) của Trung ương Đảng trên địa bàn các xã giáp ranh 3 huyện: Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phổ Yên và Phú Bình (Thái Nguyên). Với vai trò và vị trí quan trọng có tính chất chiến lược, ATK II-Hiệp Hòa đã đóng góp một phần không nhỏ để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Và từ đây, ATK II đã trở thành một “địa chỉ đỏ” gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, là nơi lưu giữ một phần ký ức của dân tộc. Ngày ấy, xóm Đá, làng Vân Xuyên có 37 gia đình thì 33 gia đình có cán bộ đi lại, ăn ở và đặt cơ quan, lớp huấn luyện và hội họp, nhiều người bị Pháp bắt, tù đày, tra tấn dã man nhưng không ai khai báo. Từ đó phong trào lan rộng ra cả tổng Hoàng Vân và nhiều làng xã của huyện Hiệp Hòa, các vùng lân cận như: Kha Sơn Hạ, Kha Sơn Thượng thuộc huyện Phú Bình; Tiên Thù, Thù Dương thuộc huyện Phổ Yên. Qua những lần khủng bố của Pháp, phong trào tuy bị tổn thất nặng nề nhưng vẫn liên tục phát triển.
Cuối năm 1942, Trung ương mở lớp huấn luyện chính trị tại xóm Đá, làng Vân Xuyên, tổng Hoàng Vân do đồng chí Trường Chinh trực tiếp giảng bài. ATK II không chỉ là địa bàn chiến lược về vị trí địa lý mà nơi đây còn là địa bàn chiến lược về chính trị với một “thế trận lòng dân” vô cùng vững chắc...
Tôi đã về nhà cụ Thống ở làng Vân Xuyên gặp bác Thang Vy, người cùng hoạt động trong đội tự vệ với cha tôi năm xưa. Bác Vy kể: “Anh Giáp vào tự vệ rồi được kết nạp Đảng tại xã Hoàng Vân này đấy. Anh ấy trắng trẻo, đẹp trai mà năng nổ, xông xáo, chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ rải truyền đơn, tuyên truyền đường lối cách mạng cho tới nuôi giấu cán bộ, trừ gian diệt ác... Anh có tay nghề rèn rất giỏi, dao, kiếm do anh ấy rèn hàng trăm con sắc bén lắm, nhiều con dao, kiếm bây giờ được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đấy!”.
Cụ Thống gật đầu, bùi ngùi nhớ lại: “Người đâu mà gan như cóc tía! Còn nhớ cái đận giặc nó càn Vân Xuyên lùng bắt cán bộ, anh Giáp dẫn bác Trường Chinh chạy xuống bến sông rồi nhanh chóng quay trở về nhà nổi lửa lò rèn, vừa lúc bọn chúng ập đến. Mặc kệ những khuôn mặt cau có hầm hè, mặc kệ những cây súng lăm lăm chĩa vào người, anh ấy vẫn bình thản quai từng nhát búa đều đặn và chính xác, mặt không hề biến sắc. Chẳng có cớ gì để bắt người, chúng đành hậm hực bỏ đi. Bác Trường Chinh nhờ thế mà qua sông thoát nạn. Sau lần ấy, bác Trường Chinh về hoạt động ở Tiên Thù, còn gia đình anh Giáp cũng chuyển về Thùa Lâm thuộc xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên nên mọi chuyện tiếp theo xảy ra thế nào cháu phải sang bên ấy mà tìm hiểu mới rõ!”.
Theo chỉ dẫn của cụ Thống, tôi về Phổ Yên, gặp bác Nguyễn Văn Sức, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Phổ Yên. Bác Sức nắm chặt tay tôi, bồi hồi xúc động: “Con trai anh Giáp đây ư? Mới ngày nào nghe cha cháu mừng rỡ khoe có con trai, vậy mà... Thời gian trôi đi, kỷ niệm về cha cháu vẫn vẹn nguyên trong lòng bác! Đúng vậy, ngày đó cha cháu từ Hoàng Vân chuyển sang, là một trong 3 đảng viên đầu tiên của huyện Phổ Yên, đồng thời cũng là Trung đội trưởng tự vệ đầu tiên của xã Tiên Phong. Đội tự vệ với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền cách mạng, gây cơ sở, bảo vệ cán bộ thượng cấp... Cha cháu hoạt động tích cực, hăng say, được cấp trên đánh giá cao và rất tin tưởng...
Đêm 13-3-1945, đang đỏ lửa lò rèn, nhận được tin dữ, cha cháu liền buông búa, bỏ đe, cấp tốc tập hợp đội tự vệ, phân công người đưa đồng chí Trường Chinh rời khỏi Phổ Yên, còn cha cháu lập tức dẫn toàn bộ số đội viên còn lại ra chặn bước tiến của giặc.
Với mục tiêu bắt sống đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, hòng đè bẹp phong trào cách mạng ở huyện Phổ Yên nên chúng tập trung số quân rất lớn, lại được trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược, trong lúc lực lượng bên ta thì mỏng, vũ khí lại thô sơ, vì vậy chẳng mấy chốc rơi vào thế yếu. Vòng vây của giặc mỗi lúc thêm siết chặt, tiếng súng nổ, tiếng la hét điên loạn của quân địch mỗi lúc một gần. Cha cháu quyết định rút lui để bảo toàn lực lượng. Thấy mọi người có vẻ chần chừ, cha cháu tỏ thái độ dứt khoát: “Tôi là đội trưởng ra quyết định, các đồng chí cứ phục tùng, không bàn cãi! Đừng lo cho tôi, sẽ không sao đâu! Hẹn gặp lại!”. Nói rồi, cha cháu quay ngoắt người, phóng vút đi hướng về phía quân giặc. Khi đội tự vệ tổng Tiên Thù và đội tự vệ của xã Hồng Vân bên Bắc Giang tập hợp lực lượng, quay lại giải cứu thì nghe tin cha cháu đã bị địch bắt ở trong một vườn sắn, sau đó bị chúng đưa về chợ Chã (Phổ Yên) chém đầu!...”.
Bác Sức ngừng lời, nước mắt trào ra, lăn dài trên gò má. Tôi ôm lấy bác, gục đầu vào vai bác, khóc nức nở như một đứa trẻ.
Rất lâu sau đó, tôi may mắn được gặp cụ Lý Chất (khi đó là Lý trưởng, nhưng làm việc cho ta). Cụ Chất kể lại không thiếu một chi tiết về cái chết của cha. Biết cha tôi là Đội trưởng đội tự vệ của tổng Tiên Thù nên khi bắt được, bọn giặc tra khảo, đánh đập hết sức dã man hòng ép cha phải khai ra nơi ẩn náu của Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí cán bộ Trung ương. Cha tôi không hé răng nửa lời, chỉ nhìn chúng bằng ánh mắt rực lửa căm hờn. Biết không thể khuất phục được cha tôi, trước khi rút quân, bọn giặc đê hèn và dã man đã chém cha tôi, đầu vứt xuống hố đào đất đắp đê, thân ném ở bờ sông. Người dân địa phương xót xa, thu nhặt thân thể của cha tôi lại rồi đem chôn cất tử tế...
Sau khi nước nhà giành được độc lập, mỗi lần bác Trường Chinh có dịp về căn cứ địa cách mạng Vân Xuyên hay Tiên Phong đều không quên hỏi thăm gia đình đồng chí “Lò rào”-Nguyễn Ích Giáp, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, dũng cảm; nhắc nhở các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên chăm lo đến cuộc sống của gia đình tôi cũng như các gia đình có công với cách mạng. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của bác Trường Chinh mà ông nội tôi được đi tham quan Hà Nội, chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh và dự Quốc khánh 2-9-1962 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
NGÔ VĂN HỌC
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Ích Quyết, con trai cả của liệt sĩ Nguyễn Ích Giáp).