Trong bài báo đầu tiên của mình, tôi muốn phản ánh thái độ của người dân trước không khí sôi nổi của phong trào ủng hộ quỹ kháng chiến. Dân chúng còn nghèo nhưng ai cũng nhiệt tình quyên góp, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Thế mà nhiều nhà giàu lại chỉ đóng góp tượng trưng. Bài viết của tôi mượn tâm sự của đồng bạc ngụ ý phê phán giới nhà giàu: Cũng là đồng bạc như nhau mà bạc của nhà nghèo đóng góp làm ra lương thực, súng đạn cho bộ đội. Đó là đồng bạc đầy ý nghĩa, tạo sức mạnh. Còn những đồng bạc đẹp hơn, mới hơn nằm trong két sắt nhà giàu lại là đồng bạc buồn tẻ, lạnh lùng, vô dụng... Khi viết bài này, tôi nghĩ mình là một anh vô danh tiểu tốt thì khó mà được đăng. Vì vậy khi thấy bài trên báo, tôi đã vui không tả xiết.

Năm 1948, tôi được cử đi học trung học bình dân tại trường do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách để đào tạo cán bộ. Chương trình học là 4 năm nhưng chúng tôi phải học cấp tốc trong hai năm. Số cán bộ tham gia học rất đông, tôi thuộc loại trẻ nên lại được giao tham gia hoạt động làm báo tường. Ở nhà, viết báo tỉnh. Ở trường thì viết báo trường, báo lớp. Chúng tôi viết đủ thứ cả văn, thơ, kịch... Nhiều lần chúng tôi tổ chức những buổi diễn kịch do anh em tự sáng tác. Một kỷ niệm rất thú vị là trong một vở kịch tôi viết, hai nhân vật chính đóng ông và bà quan tri huyện không lâu sau đã nên duyên vợ chồng.

leftcenterrightdel

 Nhà báo Hà Đăng tại nhà riêng. Ảnh: TUẤN TÚ

Hoàn thành khóa học, anh Tế Hanh giới thiệu tôi về công tác ở Ban đại diện Văn hóa Cứu quốc miền Nam Trung Bộ. Lãnh đạo ban là anh Phan Thao. Ngay những ngày đầu, tôi được cử làm thư ký tòa soạn Tạp chí Miền Nam. Chức danh thì như vậy nhưng thực ra hồi đó đâu có làm nhiệm vụ biên tập như bây giờ mà chỉ là người trình bày trang và sắp xếp in. Tạp chí chỉ có hai người, một là Chủ nhiệm kiêm chủ bút Phan Thao và tôi. Ban đầu, tôi không hiểu công việc và không biết phải làm gì. Chính anh Phan Thao đã chỉ dẫn cho tôi từ những bước đầu tiên ấy. Anh bảo tôi sắp xếp lại bài của cộng tác viên cho hợp lý, xem có lỗi gì thì sửa lại. Sau khi anh đã xem một lần, tôi vẽ và lên ma-két, xong thì đưa cho nhà in. Trong quá trình in, do chưa có kinh nghiệm sắp xếp, giấy lại xấu, kỹ thuật in còn lạc hậu và nhà in ở xa cơ quan đến 3-4km nên thư ký tòa soạn phải bám sát nhà in, theo dõi, bài dài thì cắt bớt, bài ngắn thì viết thêm để tránh chỗ trống. Công bằng mà nói, làm báo địa phương thời kháng chiến, trung bình khoảng 10 ngày một số, chưa thể nói là làm báo thật sự. Thời kỳ đó, chúng tôi phải đi xuống các địa phương để viết về cuộc chiến đấu của quân dân ta. Báo chưa có phóng viên chuyên theo dõi, đi vào các trận đánh nên tin tức về mảng này thường lấy từ các bản tin quân sự. Các tin quốc tế được lấy lại từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Tin trong nước chủ yếu lấy từ các bản tin trên đài.

Chúng ta đều nhớ, năm 1951, Đại hội lần thứ II của Đảng ta đã quyết định thành lập Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Ngoài ra, có tờ Nhân dân Liên khu 5 và tờ Nhân dân Nam Bộ. Tôi cũng được điều về tờ Nhân dân Liên khu 5, lúc ấy đồng chí Hồ Dưỡng là thư ký tòa soạn. Bấy giờ, báo có 4 người. Mỗi người phụ trách một số mục. Tôi thường hay viết cả tin quốc tế; bình luận quốc tế, còn xã luận đôi khi mới viết. Ngoài tên Hà Đăng, các bài viết tôi ký cả tên Hồng Hà.

Nói đến tên Hà Đăng thì cũng là một câu chuyện thú vị của tôi. Năm 1951, khi Báo Văn nghệ Liên khu 5 mới ra đời, tôi viết bài phỏng vấn đăng trang nhất, ký đúng tên thật là Đặng Ha. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, thư ký tòa soạn không nhất trí, anh bảo: “Học sinh mới ra trường, không nên ký tên thật trên báo”. Rồi theo kiểu nói lái của người miền Bắc, anh đổi Đặng Ha thành Hạ Đăng. Nhưng báo xuống đến nhà in, không biết vô tình hay cố ý, anh em lại đổi Hạ thành Hà. Và tôi mang cái tên Hà Đăng cho đến bây giờ. Còn tên Hồng Hà, sau ra Hà Nội, thấy trùng với nhà báo Hồng Hà rất giỏi ở Báo Nhân Dân nên tôi không dùng bút danh đó nữa. Sau này, tôi mới biết những tên tuổi nổi tiếng như Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà... cũng đều là bút danh.

leftcenterrightdel

Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm thăm nhà báo Hà Đăng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tháng 6-2024. Ảnh: Văn phòng Chủ tịch nước 

Còn có một kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn nhớ mãi. Ấy là hồi cuối năm 1953 đầu năm 1954, anh Hồ Dưỡng (sau này là Phó tổng biên tập Báo Nhân Dân) được điều ra Bắc để tham gia cải cách ruộng đất trong khi Tết cổ truyền của dân tộc lại sắp đến. Thông thường các báo phải chuẩn bị trước nội dung tuyên truyền. Vì vậy, trước hôm anh Hồ Dưỡng lên đường, chúng tôi có hỏi sẽ chuẩn bị báo Tết như thế nào, anh nói: Bây giờ, cái mới của chúng ta là các ngày lễ của cách mạng. Đó mới thực sự là ngày Tết của chúng ta, còn cái Tết âm lịch dẫu sao vẫn mang tính phong kiến cho nên lần này báo Tết không cần chuẩn bị gì. Nếu kịp có thư chúc Tết của Bác Hồ thì đăng trang trọng là được”. Thế là chúng tôi cứ theo tinh thần ấy hoàn tất số báo và đưa lên Thường vụ Liên khu ủy duyệt, đợi bài đưa lại là đem đi in.

Một ngày sau, bất ngờ tôi được gọi lên. Vừa thấy tôi, đồng chí Bùi San (tên thật là Đặng Trần Thi, sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên) đã hỏi: “Tờ báo này là tờ báo gì?”. Tôi nói là báo Tết thì anh bảo: “Nếu là báo thường thì cứ đem về in, còn báo Tết thì tôi chả thấy gì là Tết cả”. Tôi bí quá, đành đem hết các lập luận của anh Hồ Dưỡng nói lại. Anh nghiêm sắc mặt hỏi: “Thế ông có muốn về nhà ăn Tết không?”. Tôi luống cuống trả lời “có”. Anh nhìn tôi và dằn từng tiếng: “Đấy, Tết là như vậy. Ngay từ đầu tháng Chạp người ta đã chuẩn bị cho cái Tết. Suốt cả một năm làm việc, đây là ngày sum họp gia đình. Cái ngày này đã đi vào lòng người, là truyền thống, phong tục của dân tộc. Các ông không viết về Tết lại còn nói là phong kiến”... Rồi sau một hồi giảng giải, anh mới cười và dịu giọng bảo tôi về cùng anh em tổ chức lại. Nhận nhiệm vụ, chúng tôi lao vào thực hiện lại số báo. Người thì ngồi nghĩ làm thơ, anh nghĩ truyện ngắn mà vẫn không kịp do thời gian quá ngắn. Chất lượng số báo Tết năm ấy không làm chúng tôi hài lòng!

Chúng tôi say sưa làm báo địa phương với tinh thần của tuổi trẻ sôi nổi cho đến ngày 16-5-1955, hết thời hạn 300 ngày tập kết thì lên chuyến tàu cuối cùng ra Bắc. Tàu cập bến ở Sầm Sơn. Tôi và gần 100 người đạp xe từ đây ra Hà Nội. Qua mấy tháng học tập chính trị, tôi cùng 6 đồng chí từ Liên khu 5 ra được điều về Báo Nhân Dân. Người đầu tiên tiếp chúng tôi là đồng chí Hoàng Tùng. Anh rất vui vẻ trong cuộc sống nhưng lại rất nghiêm khi bàn công việc. Anh nói một câu như răn đe: “Ở địa phương các anh có làm vương làm tướng gì thì kệ, còn ở đây viết bài, Tổng biên tập duyệt và chữa. Bài dở thì bỏ. Anh nào chấp nhận thì ở lại. Anh nào không chịu được có thể xin chuyển...”.

Cuộc đời làm báo của tôi mở ra một bước ngoặt từ đấy, gắn bó trọn đời với tờ báo của Đảng!

Nhà báo HÀ ĐĂNG