Sinh năm 1926, là con trưởng trong một gia đình công chức yêu nước, ông Nguyễn Hữu Phúc sớm giác ngộ cách mạng khi đang là học sinh trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Từ năm 1940, ông tham gia Đội Ngô Quyền do đồng chí Vũ Oanh làm Đội trưởng. Những năm sau đó, ông gia nhập Mặt trận Việt Minh và vào Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Thời kỳ này, những thanh niên thành Hoàng Diệu hoạt động rất bí mật và có tổ chức. Hầu như các thành viên không biết chỗ ở cũng như nhân thân của nhau. Khi cần giao nhận chỉ thị, mệnh lệnh công tác thì hẹn nhau thời gian, địa điểm gặp rồi nhanh chóng rút lui.

Tích cực hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên, năm 1944, ông được cử tham gia lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ do đồng chí Lê Quang Đạo (sau này là Chủ tịch Quốc hội) giảng dạy. Lớp học 5 ngày với 4 học viên. “Kết thúc lớp học, anh Đạo có gặp riêng và dặn tôi phải tổ chức một tờ báo của thanh niên. Ý định này của anh đã được chúng tôi hiện thực hóa ngay vào tháng 12-1944, sau khi Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu ra đời, với tên gọi là Báo Hồn Nước”, ông Vân nhớ lại.

Những người tham gia viết bài, in ấn gồm: Lê Đức Vân, Trần Thư, Mai Luân, Kim Chi, Nguyễn Hải Hùng... Mỗi người được giao một nhiệm vụ khác nhau, ông Vân là phụ trách.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Đức Vân và tờ báo Hồn Nước số 5, ra ngày 1-7-1945.

Ảnh: THỦY TIÊN

Trong rất nhiều đầu việc phải chuẩn bị để tờ báo ra đời, ông Vân nhắc nhiều đến công việc in ấn: “Ban đầu, chúng tôi dùng thạch để in. Với công nghệ rất thô sơ, lấy một tờ giấy viết bằng mực tím úp lên mặt thạch. Mực bắt vào mặt thạch thì thành chữ ngược, chúng tôi lại lấy giấy trắng đặt lên mặt thạch, lăn rulo để thành các bản báo in. Mỗi lần in tối đa được 10 bản. Nhưng vì chất thạch mềm nên có khi đến bản thứ bảy, chữ đã trở nên rất khó đọc”.

Trước sự hạn chế của việc in này, ông Vân lại nghĩ ra cách in bằng đất sét trắng, còn gọi là đá ẩm. Cách in này có cải thiện hơn, nhưng số lượng bản in cũng không đáng kể. Băn khoăn tìm phương pháp khác, ông được những đồng nghiệp ở Báo Cứu quốc chỉ cho cách in bằng đá (in lito). Ông cho biết: “Chúng tôi phải viết chữ ngược lên mặt đá. Sau đó rửa sạch bằng chanh và nước đường. Khi in cũng đặt giấy trắng và lăn rulo lên. Việc in đá khá khả quan khi số lượng bản in mỗi số đã lên đến 200 tờ. Tuy vậy, công việc khá vất vả và phải tuyệt đối bí mật”.

Nói rồi ông Vân lấy cho chúng tôi xem bản sao tờ báo Hồn Nước số 5, ra ngày 1-7-1945. Bản gốc tờ báo hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tôi chú ý đến một bài viết ở góc trái với dòng tít in đậm: “Hãy bình tĩnh trước cơn khủng bố!” của tác giả Xung Phong. Nội dung bài báo về tình hình khủng bố tại 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định với “hàng nghìn người bị bắt, trong đó có cả đàn bà, trẻ em, cả Hoa kiều và cả... Việt gian”. Bài báo cho thấy thực trạng dân chúng xôn xao trước những biến cố lớn tưởng sắp xảy ra và chỉ rõ: “Nhiều bạn cảm tình cách mạng lo ngại cho Việt Minh. Họ luôn luôn hỏi và thúc giục còn đợi chờ gì chưa nổi dậy, mặc cho giặc Nhật bắt hết mình sao? Thỉnh thoảng lại có những phần tử nhút nhát tỏ thái độ bi quan “cứ nay hô hào, mai diễn thuyết chỉ tổ cho “nó” bắt, làm chết lây cả...” rồi phân tích: “Dư luận trên kia đập mạnh vào lòng tự ái của tuổi trẻ. Men chiến đấu đã bốc mạnh trong người các trang thanh niên ái quốc...”.

Như một bình luận viên sắc sảo, tác giả bài báo kêu gọi: “Hãy bình tĩnh trước cơn bão táp” rồi đưa ra một loạt dẫn chứng, phân tích về tình hình địch-ta và khẳng định đanh thép: “Bình tĩnh! Ta không thể để lòng tự ái sai khiến ta hành động mù quáng, đem tiêu non lực lượng cách mạng trước thủ đoạn khiêu khích của quân thù. Phải khôn khéo áp dụng chiến thuật du kích chuyển đi mau lẹ, để tránh khủng bố. Phải kiên nhẫn bồi bổ cho lực lượng cách mạng thêm hùng hậu đặng đem dùng trong cơ hội thuận tiện nhất cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới...”.

Bài báo với nội dung sâu sắc, ngôn ngữ súc tích có tác dụng động viên, cổ vũ và khích lệ rất lớn. Ông Lê Đức Vân nhấn mạnh: “Nội dung Báo Hồn Nước ngoài tin tức về các hoạt động của thanh niên còn phản ánh không khí sôi động phong trào kháng Nhật của đông đảo tầng lớp nhân dân ở Hà Nội lúc bấy giờ. Bên cạnh đó còn có những bài phân tích, bình luận và tuyên truyền với ngòi bút rất sắc bén mà chúng tôi đặt các anh Lê Quang Đạo, Nguyễn Khang và các anh trong Xứ ủy viết. Do vậy, Báo Hồn Nước không chỉ mang đến thông tin về tình hình chính trị-xã hội khi ấy mà còn là tiếng nói vận động, tuyên truyền, cổ vũ đông đảo thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân nhanh chóng tham gia vào các lực lượng cứu quốc, ủng hộ Việt Minh”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, năm 2013

(trong ảnh: Ông Lê Đức Vân hàng thứ hai, thứ năm, từ trái sang). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nhớ lại thời gian ấy, ông Vân không thể quên những bữa ăn chỉ có cơm với cá khô, muối ớt được tiếp tế từ bên ngoài vào. Làm việc chỉ có vài người trong phòng kín, nhưng để bảo đảm an toàn, các ông cũng phải chuyển địa điểm in đến 5 lần. Từ khi ra đời tháng 12-1944 đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Báo Hồn Nước ra được 6 số, có số 2 trang, có số 4 trang. Riêng số thứ 6 chưa kịp phát hành thì tổng khởi nghĩa nổ ra.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Lê Đức Vân có nhiều năm gắn bó với công tác thanh, thiếu niên, sau đó mới chuyển công tác về Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến khi nghỉ hưu. Ông là người đóng góp công sức xây dựng Hội Tem Việt Nam và vận động thành lập Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu-nơi gặp gỡ, tri ân và tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Tháng 10-2023, ông Lê Đức Vân được Ủy ban nhân dân TP Hà Nội vinh danh là một trong 10 công dân Thủ đô Ưu tú.

KHÁNH AN