Kỷ niệm không quên

Năm nay, bà Phan Thị Phúc đã ở tuổi 94. Sức khỏe không còn được như xưa nhưng khi tôi nhắc đến Bác Hồ, đôi mắt bà sáng lên và say sưa kể chuyện. Bà Phúc kể, năm 1946, Bác tổ chức một bữa tiệc trà với Nguyễn Hải Thần. Lúc bấy giờ, Phan Thị Phúc mới 18 tuổi, hoạt động trong Đoàn Phụ nữ cứu quốc, được cử đến phục vụ. Khi cô đang sắp xếp cốc chén thì Bác đến. Người ân cần hỏi han rồi căn dặn Phúc cố gắng học hành, công tác. “Lời dặn của Bác, đến giờ tôi vẫn luôn khắc nhớ trong tim, rằng phải không ngừng học tập để cống hiến cho đất nước. Thực tế là gần như tôi đã học cả cuộc đời. Sau khi nhận được bằng đại học ngành dược, tôi học thêm một bằng đại học ngành văn-sử nữa. Rồi khi chuyển công tác về Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tôi tiếp tục học ngành ngoại giao...”-bà Phúc chia sẻ.

Một kỷ niệm khác, lần bà cùng chồng sang Ấn Độ vào năm 1958, đúng dịp Bác cũng sang thăm đất nước này. Khi đó, bà được trực tiếp tặng hoa Bác, rồi Người trao quả táo cho con bà, đó là những kỷ niệm bà không thể nào quên. “Tôi vẫn nhớ mãi, khi ra sân bay đón Bác, máy bay cứ bay mãi trên trời mà không hạ cánh được, chúng tôi lo lắm. Sau hỏi ra mới biết, do Tổng thống Ấn Độ chưa đến kịp. Sau khi đón Bác, chúng tôi được cùng Bác vào Phủ Tổng thống. Khi đó, Bác có dặn tôi về mua cho Bác một gói kẹo để đến cơ quan, Bác cho các cháu thiếu nhi. Câu nói, hành động của Bác làm tôi suy nghĩ mãi. Bác là Chủ tịch nước, dù bộn bề công việc nhưng Người vẫn luôn nhớ đến các cháu thiếu nhi”-bà Phúc nhớ lại. Hôm ấy, Tổng thống Ấn Độ mở tiệc chiêu đãi Bác rất trang trọng, bà Phúc cũng được tham gia. Mọi người ngồi dưới sàn, trải thảm, trước mặt có khay đồng và bốc ăn bằng tay. Bà Phúc chú ý quan sát Bác rồi làm theo. Bác dùng tay bốc ăn rất gọn gàng. Khi Bác nói chuyện với quần chúng ở Thành Đỏ, bên Ấn Độ đưa ra chiếc ghế được trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo nhưng Bác nhất quyết không ngồi mà muốn ngồi chiếc ghế bình thường. Đến giờ đã 64 năm trôi qua, bà Phúc vẫn nhớ như in những hành động đó của Bác.

leftcenterrightdel

Bà Phan Thị Phúc tặng hoa Bác Hồ trong dịp Bác sang thăm Ấn Độ, năm 1958. Ảnh do nhân vật cung cấp

Điều ý nghĩa nhất 

Năm 1985, bà Phúc làm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Bà đã đề xuất đưa Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam lên Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 diễn ra tại Paris (Pháp) năm 1987. Nhưng khi đưa vấn đề này ra, lúc bấy giờ đồng chí Võ Đông Giang-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch băn khoăn, công nhận

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc cũng có nghĩa là anh hùng chống Pháp, Mỹ. Liệu phía Mỹ, Pháp có cản trở không? Nếu đưa đề nghị ra mà không được chấp nhận thì không hay. Tuy vậy, bà Phúc vẫn kiên quyết rằng ta nên đưa vấn đề này ra UNESCO. Sau một thời gian thuyết phục, các đồng chí cấp trên đồng ý với đề xuất của bà Phúc.

leftcenterrightdel
 Bà Phan Thị Phúc chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: HẠNH PHÚC

Tiếp đến là những tranh luận về việc nên đưa danh nghĩa của Bác là gì. Các đồng chí ở trên muốn đưa là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”, thậm chí “Anh hùng giải phóng dân tộc đã đánh đuổi được hai đế quốc thực dân Pháp và Mỹ”. Bà Phúc cho rằng như vậy sẽ rất khó. Bởi trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris, nếu ghi là anh hùng đánh đuổi thực dân Pháp thì rất khó để UNESCO thông qua, hơn nữa Pháp là nước lớn, đóng góp nhiều cho UNESCO. Sau nhiều lần trao đổi, phương án thống nhất đề là: “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Rồi bà Phúc hoàn thiện văn bản trình lên Chính phủ.

Năm 1987, Khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng UNESCO diễn ra, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Nhờ những tuyên truyền, vận động ngoại giao cùng những tài liệu được chuẩn bị kỹ, cuối cùng, nghị quyết cũng được thông qua. “Việc UNESCO thông qua Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thắng lợi lớn của Việt Nam và cũng là điều tôi cảm thấy ý nghĩa nhất trong thời gian làm việc ở Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam”-bà Phúc chia sẻ.

LA DUY