Năm ấy, đoàn tân binh của quê hương Nam Định, trong đó có Nguyễn Huy Hiệu, mặc dù đã có quyết định nhập ngũ nhưng được đơn vị cho ở lại đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 1965 cùng gia đình rồi mới lên đường vào chiến trường. “Liên tục 10 năm sau đó, tôi đón những cái Tết đặc biệt cùng đồng đội trên trận địa, dưới chiến hào hay sâu trong những cánh rừng già vương mùi thuốc súng và luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với kẻ thù”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết.

Những năm tháng quân ngũ, trưởng thành từ người chiến sĩ mang quân hàm binh nhì, tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Huy Hiệu đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Qua hồi ức của ông, những cái Tết vừa đón xuân, vừa đánh giặc luôn là những kỷ niệm không thể nào quên. Nhớ nhất là dịp Tết Mậu Thân 1968. Sau nhiều đợt tiến công, quân ta tiêu diệt một số cứ điểm phía tây Quảng Trị, mở thông Đường 9, đưa lực lượng vào vây hãm Tà Cơn và tiêu diệt địch ở cứ điểm Làng Vây.

Lúc này, phần lớn lực lượng của địch đang bị thu hút vào việc giải tỏa TP Huế và các đô thị khác nên viện binh vẫn chưa ra Đường 9. Khí thế chiến đấu của bộ đội rất hăng hái. Khi đó, do yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của chiến trường, theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Trung đoàn 27-Đoàn Triệu Hải vào ngày 8-2-1968, đúng ngày 11 tháng Giêng. Ngay sau đó, Trung đoàn 27 được lệnh hành quân vào phía bắc Quảng Trị. “Tôi nằm trong đội hình Tiểu đoàn 3 của trung đoàn, vượt sông Bến Hải đầu tiên bằng những chiếc đò của du kích xã Vĩnh Giang và các phương tiện có thể. Thật cảm động trước tấm lòng của bà con nhân dân. Giữa những ngày đầu xuân năm mới, đáng lẽ được quây quần bên gia đình thì đêm đêm, bà con lại tập kết ở bến sông để chèo đò chở bộ đội qua sông”, ông xúc động nhớ lại.

leftcenterrightdel
Bức ảnh đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chụp ở quê nhà (Hải Hậu, Nam Định) trước khi vào chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Tiểu đoàn 3 sau khi vượt sông Bến Hải đã bí mật luồn sâu vào khu vực Lâm Xuân, Tây Giáp (ở đông nam huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Kể về cuộc đụng độ đầu tiên của đơn vị mình với một trung đội thám báo của Mỹ tại khu vực này, ông nói: “Theo phán đoán của trên, địch có thể từ Dốc Miếu đánh sang hoặc từ cao điểm 39 xuống, nên các tổ phục kích của ta bất chấp trận địa pháo của địch nã từng loạt ra bờ sông Bến Hải vẫn kiên nhẫn hoàn thiện công sự chiến đấu, bí mật ngụy trang và chờ đợi.

Quả đúng như dự kiến, rạng sáng 3-3-1968, khoảng một trung đội thám báo Mỹ tay lăm lăm súng chia thành 3 tốp theo trục đường mòn vào làng Gia Bình (xã Gio An, huyện Gio Linh). Khi quân địch lọt hết vào trận địa phục kích, tổ chặn đầu nổ súng và diệt ngay tốp đi đầu. Cả đại đội đồng loạt nổ súng, bằng những loạt AK đanh gọn, ta muốn đánh thật nhanh không cho địch tháo chạy và gọi pháo binh bắn chi viện. Sau 30 phút chiến đấu, cả trung đội thám báo của địch bị tiêu diệt. Nhưng cũng thật đau xót, phía ta có 4 đồng chí hy sinh và một số bị thương”.

Từ đây, đơn vị của đồng chí Nguyễn Huy Hiệu liên tục chiến đấu gần như không có ngày nghỉ. Đến cuối năm 1969, sau 4 năm quân ngũ, ông đã là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3. Hồi đó, khu vực hoạt động của Trung đoàn 27 là từ cao điểm 182 xuống cao điểm 322 và từ cao điểm 288 lên cao điểm 544 (của Mặt trận B5). Bằng những trận vận động tiến công kết hợp chốt, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đã bẻ gãy nhiều đợt phản kích điên cuồng của Mỹ, ngụy.

Trước tình hình quân địch phải co lại để củng cố, Bộ tư lệnh Mặt trận B5 chủ trương một mặt tiếp tục đánh nhỏ lẻ để giữ địa bàn, một mặt chuẩn bị lực lượng đánh tập trung, đánh điểm, phá tan âm mưu của địch. Càng thọc sâu, đơn vị càng gặp nhiều khó khăn, từ công tác bảo đảm đến tổ chức hành quân chiến đấu. Bộ đội không tránh khỏi tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Vì vậy, trong công tác tư tưởng với bộ đội, chỉ huy đơn vị xác định phải thực hiện thường xuyên, kịp thời. Cao điểm là vào dịp Tết Canh Tuất 1970, lợi dụng ngừng bắn, ta tổ chức đi trinh sát chuẩn bị chiến trường, còn bộ đội được tạm nghỉ lấy sức. Nhưng riêng Đại đội 2 của Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu, đại đội chủ công của Tiểu đoàn 3 vẫn hành quân ngày đêm vào chuẩn bị chiến dịch mới.

leftcenterrightdel
 Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (thứ ba, từ phải sang) trong lần gặp mặt truyền thống của Trung đoàn 27. Ảnh: LÊ HOÀI NAM

Để khích lệ tinh thần bộ đội, nhất là đối với chiến sĩ trẻ, vừa hành quân cơ động, vừa đón Tết, một chương trình làm báo tường được đơn vị phát động. Các chiến sĩ hưởng ứng rất nhiệt tình, khí thế. Các bài báo, bài văn, bài thơ được sáng tác, đăng lên đều hừng hực khí thế, thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lạc quan yêu đời của những người lính trẻ. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: “Hưởng ứng phong trào, tôi cũng làm một bài thơ với tựa đề “Tết xa quê mẹ”. Bài thơ ngắn, vẻn vẹn 6 câu lục bát nhưng là cảm xúc rất chân thực không chỉ của tôi mà của nhiều đồng chí khác đang xa quê hương, người thân đi làm nhiệm vụ của Bộ đội Cụ Hồ. Bài thơ tôi viết chỉ trong một buổi chiều và thật vui là được anh em yêu thích. Bên cạnh những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng, bài thơ của tôi cũng được một số anh em thuộc và còn đọc cho nhau nghe suốt thời gian đón Tết trong rừng. Đúng là cả đại đội ngâm thơ vui như Tết!”. 

Bài thơ năm nào, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn nhớ rõ và đọc cho chúng tôi nghe: “Tết này con bận việc quân/ Đường xuân quê mẹ vắng chân con về/ Bước đường trăm núi ngàn khe/ Vẫn nghe quấn quýt xuân quê bên mình/ Ngụy trang gió cuốn rùng rình/ Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương...”.

Tết này, không còn bận việc quân nữa nhưng người lính năm xưa lại bộn bề với vai trò là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam-Liên bang Nga trên cương vị là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga và tiếp tục thực hiện những hành trình tri ân đồng đội từng  kề vai sát cánh trong những trận đánh sinh tử với kẻ thù.

BẢO LINH