Anh hùng Hồ Thị Kim Thanh sinh ra trong một gia đình ngư dân ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam). Cha của bà tên là Hồ Truyền, từng là Chủ nhiệm Việt Minh xã, rồi Đoàn trưởng Đoàn dân công hỏa tuyến của tỉnh Quảng Nam. Những năm kháng chiến, cha đi làm cách mạng bị địch bắt tù đày, rồi mẹ cũng lâm vào chốn lao tù, mọi việc gia đình dồn lên đôi vai bé nhỏ của người chị cả Hồ Thị Truyền (tên khai sinh của bà Hồ Thị Kim Thanh).

Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương ép các gia đình có liên quan đến cộng sản phải ly khai cách mạng bằng cách bắt con gái lớn lấy chồng là lính ngụy. Trước thủ đoạn thâm độc của địch, gia đình đã tổ chức đính hôn cho bà và ông Nguyễn Văn Anh. Bà Thanh kể: “Bên nhà chồng tôi cũng là gia đình có công với cách mạng, anh ấy tham gia hoạt động từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Lễ đính hôn của chúng tôi được tổ chức trước khi anh thoát ly để tham gia đơn vị Giải phóng quân đầu tiên của tỉnh Quảng Nam”.

Sau đó là tháng ngày họ xa nhau biền biệt. Ông vào bộ đội chiến đấu suốt dặm dài dải đất miền Trung Trung Bộ. Bà công tác tại cơ quan huyện Tiên Phước (Quảng Nam), rồi công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam. Mỗi người một nhiệm vụ nên ông bà chỉ biết tin nhau qua những lá thư và lời nhắn gửi từ bạn bè, đồng chí. Hoạt động trong vùng địch, biết tin nửa kia còn sống là niềm hạnh phúc tột cùng đối với mỗi người lúc ấy.

leftcenterrightdel

Vợ chồng bà Hồ Thị Kim Thanh năm 1975. Ảnh tư liệu 

Ông Nguyễn Văn Anh sau đó được điều về phụ trách thanh niên xung phong, rồi Chính trị viên phó Tiểu đoàn Bắc Hải. Năm 1967, chuẩn bị cho Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn Bắc Hải về trực thuộc Tiểu đoàn 2 (Quân khu 5) có nhiệm vụ mở đường từ A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên) vào đến sông Bung (Quảng Nam). Cuộc đời binh nghiệp của ông Nguyễn Văn Anh trải qua nhiều cương vị công tác trong Quân đội. Năm 1972, chuẩn bị cho chiến dịch tiến công cụm cứ điểm Tiên Phước (Quảng Nam), Quân khu 5 tổ chức thành lập Trung đoàn 2 (mật danh là H2). Trung đoàn có nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường, lương thực, súng đạn cho bộ đội. Ông được điều về giữ chức Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 2.

Trong thời gian làm công tác chuẩn bị chiến trường, do thông thạo địa bàn nên ông được cấp trên rút về làm công tác tiền phương, có nhiệm vụ tìm hiểu đường sá và bắt liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Nam để phối hợp tác chiến. Lúc này, bà Thanh đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh. Cơ quan đóng tại huyện Tiên Phước nhưng bà phải xuống các xã để chỉ đạo phong trào nên dù ông về Tiên Phước nhiều lần mà vợ chồng vẫn không gặp được nhau. Tuy nhiên, nhờ làm nhiệm vụ tiền phương, ông Nguyễn Văn Anh đã gặp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hoàng Minh Thắng. Đêm nằm giữa rừng già thăm thẳm, ông tâm sự với đồng chí Bí thư nhiều chuyện, trong đó có kể về chuyện tình duyên của ông bà. Ông Hoàng Minh Thắng nghe xong, động viên ông Nguyễn Văn Anh cố gắng công tác, nhất định sớm đến ngày đoàn tụ.

Chiến dịch Tiên Phước thắng lợi, Trung đoàn 2 chuyển về đóng quân tại tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, theo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Quân khu 5 điều một đại đội của Trung đoàn 2, do Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Anh trực tiếp chỉ huy, cơ động ra huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) để móc nối cơ sở, mua lương thực cho bộ đội. Một hôm, ông về căn cứ Kỳ Thạnh, tình cờ gặp Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ Nguyễn Lẫm. Ông Lẫm trao đổi: “Anh Hoàng Minh Thắng nhắn anh chuẩn bị ra Tiên Phước để làm đám cưới”.

Như vậy, sau gần 15 năm kể từ ngày làm lễ đính hôn, ông bà mới gặp lại nhau. Tháng 3-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được tổ chức tại huyện Tiên Phước, ông bà cùng là đại biểu tham dự. “Sau đó, Tỉnh ủy tổ chức lễ cưới cho chúng tôi và một cặp đôi khác, do đồng chí Đỗ Thế Chấp, Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam làm chủ hôn”, bà Thanh nhớ lại. Bấy giờ, đám cưới trên chiến khu chỉ có bánh, kẹo, thuốc lá. Cưới xong buổi trưa, buổi chiều vợ chồng đã vội tạm biệt nhau theo yêu cầu nhiệm vụ. Ông vào Quảng Ngãi để chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới, bà đi cơ sở tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trước lúc lên đường, ông bà chỉ kịp nắm tay nhau hẹn ước: “Đến ngày hòa bình, chúng ta sẽ bên nhau!”.

Sau ngày 30-4-1975, vợ chồng bà mới chính thức đoàn tụ. Mùa xuân năm 1976, bà sinh con đầu lòng. Lời hẹn ước năm nào của ông bà như một bản tình ca trong chiến tranh cách mạng dẫu mong manh nhưng đã thành sự thật. Nụ cười rạng rỡ của người anh hùng ở tuổi 80 trong chiều cuối năm giống như cành mai cội đang hé mở đón xuân sang!

NGUYỄN SỸ LONG