Gia đình tôi có 6 anh em trai, trong đó có 4 người nhập ngũ. Anh cả Trần Kháng Chiến nhập ngũ năm 1965, rồi lần lượt: Trần Thắng Lợi nhập ngũ năm 1968, tôi nhập ngũ năm 1970 và em trai tôi Trần Thành Công nhập ngũ cuối năm 1971. Điều đặc biệt là Trần Thành Công được kết nạp Đảng sau chiến dịch vì có tinh thần chiến đấu dũng cảm, bám trận địa trong những ngày tham gia Chiến dịch Phòng không Hà Nội tháng 12-1972.

Tôi nhớ một ngày đầu tháng 9-1971, Công mới tốt nghiệp phổ thông khi vừa tròn 17 tuổi, đã đưa mẹ tôi đến gặp bác Lê Tất Đắc (bạn tù Hỏa Lò của cha, là Thứ trưởng Bộ Nội vụ). Mục đích là để mẹ tôi nhờ bác xin chú Văn Tiến Dũng là Tổng Tham mưu trưởng cho Công và Lê Thanh Trung (con trai bác) được nhập ngũ. Và cuối năm đó, hai chàng trai được bổ sung huấn luyện tân binh tại một đơn vị của Quân chủng Phòng không-Không quân, gần sân bay Nội Bài (Hà Nội).

leftcenterrightdel

Ông Trần Thành Công (ngoài cùng, bên phải) tại công ty do ông sáng lập. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau huấn luyện, em trai tôi được điều về Đại đội 1, Tiểu đoàn 94, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, làm trắc thủ đo xa. Em trai tôi kể: “Những ngày cuối tháng 12-1972, em ngồi trên tháp quan sát nhìn về Hà Nội, thấy bom B-52 rải thảm như hàng trăm que diêm xếp hàng bị quẹt lửa, các điểm lửa liên tục bùng sáng cho đến que diêm cuối cùng. Ngày 27-12, trận địa của Tiểu đoàn 94 bị trúng bom, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. May mắn em chỉ bị sức ép của bom nhưng không bị thương...”. 

Ghi nhận tinh thần chiến đấu dũng cảm, bám trận địa trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội tháng 12-1972 và sự rèn luyện, phấn đấu liên tục, được sự đồng ý của Đảng ủy Trung đoàn Tên lửa 261, Chi bộ Đại đội 1 đã tổ chức kết nạp em trai tôi và chiến sĩ Phát (trắc thủ dự bị, là sinh viên nhập ngũ đầu năm 1972) vào Đảng tại khu vực trận địa của đơn vị. Em tôi vẫn nhớ rõ, đó là ngày 10-6-1973, trong căn nhà bạt dã chiến, có treo cờ Đảng và ảnh Bác Hồ. Dự buổi kết nạp Đảng hôm đó có anh Thắng-Tiểu đoàn trưởng, anh Khổn-Chính trị viên Tiểu đoàn 94 và Ban chỉ huy Đại đội 1. Sau khi anh Duyệt, Chính trị viên Đại đội kiêm Bí thư chi bộ đọc quyết định kết nạp, hai đảng viên xúc động tuyên thệ: “Thề suốt đời hy sinh, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng”.

Tháng 6-1973, em trai tôi có giấy gọi lên Trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn để ôn thi vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Lên trường ít ngày, thấy đất nước sắp hòa bình, bản thân muốn theo học ngành kinh tế ngoài dân sự nên Trần Thành Công đã xin chỉ huy đơn vị cho xuất ngũ về thi và học Trường Đại học Ngoại thương.

Cha mẹ tôi đặt tên cho em là Trần Thành Công, vì em sinh sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 mấy tháng. Năm 1987, vì cơ quan thiếu cán bộ làm việc ở phía Nam, vợ chồng Trần Thành Công chia tay Thủ đô, chuyển vào Bình Dương công tác. Rồi ít lâu sau, vợ chồng em trai tôi chuyển ra làm kinh tế tư nhân. Chính cái slogan gắn ở ngay cổng Công ty TNHH May thêu Trần Thành Công là điều cha tôi dạy: “Có lao động mới có tự do chân chính!”. Nhớ lời cha dặn, Thành Công không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn lo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm công nhân.

Đến nay, em trai tôi cũng gần 70 tuổi nên đã bàn giao việc quản lý, điều hành công ty cho con trai kế tục sự nghiệp. Tuy cuộc đời quân ngũ của Trần Thành Công không dài nhưng gia đình tôi luôn tự hào vì em đã được tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô.

TRẦN KIẾN QUỐC