Ở tuổi 82 nhưng CCB Nguyễn Như Tới vẫn rất minh mẫn, mắt tinh và giọng hào sảng. Ông kể: “Ngày ấy, tôi là Trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn 2 (Tỉnh đội Quảng Đà). Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đơn vị chúng tôi đang bám trụ tại vùng Đông Duy Xuyên (Quảng Nam) thì nhận được lệnh tham gia chiến đấu đánh chiếm Hội An. Trước giờ hành quân, Chính trị viên tiểu đoàn Đoàn Ngọc Trương động viên cán bộ, chiến sĩ: “Được chiến đấu giải phóng quê  hương là niềm vinh dự, tự hào của người chiến sĩ. Cho dù phải hy sinh, mất mát thì các đồng chí cũng phải quyết tâm chiến đấu đến cùng!”. Nghe vậy, tất cả anh em chúng tôi đều giơ cao cánh tay thề.

Đêm 28-1-1968, từ căn cứ, chúng tôi bí mật vượt sông Thu Bồn, hành quân qua xã Cẩm Thanh, tập kết tại xóm Chiêu, xã Cẩm Châu và vùng Trà Quế (xã Cẩm Hà). Đến địa điểm chuẩn bị xuất phát tiến công, chúng tôi được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ dưới hầm bí mật. Với những chiến sĩ trẻ như chúng tôi, trước giờ nổ súng, lời chúc Tết của Bác chính là hiệu lệnh, thúc giục, tiếp thêm sức mạnh để sẵn sàng chiến đấu”. Giữa sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc thì âm vang lời thơ chúc Tết của Người hòa quyện với nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương nhân lên thành sức mạnh và ý chí quyết tâm chiến thắng quân thù!”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Như Tới kể về trận đánh vào Hội An, Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: TÙNG LÂM

Đúng 2 giờ 40 phút ngày 29-1-1968, quân và dân Hội An đồng loạt nổi dậy tiến công địch. Sau hai giờ tấn công, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 của Mặt trận 4 Quảng Đà cùng các lực lượng của ta đánh chiếm được khu công binh và trại Chi Lăng. Chiến sự diễn ra hết sức ác liệt. Địch dựa vào hệ thống phòng ngự, công sự kiên cố, huy động tối đa các loại hỏa lực chống trả. Các lực lượng của ta triển khai đánh địch trong từng lô cốt, từng ngôi nhà. Khoảng 5 giờ sáng, quân ta làm chủ trận địa, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, bắt sống 150 tù binh. Tuy nhiên, đến sáng, quân địch tập trung lực lượng, có xe tăng và xe bọc thép yểm trợ phản kích quyết liệt gây thương vong cho ta. Trước diễn biến chiến trường ngày càng gay go, ác liệt, để bảo toàn lực lượng, vào khoảng 3 giờ ngày 30-1-1968, cấp trên ra lệnh rút Tiểu đoàn 2 về vùng Trà Quế; Tiểu đoàn 3 cùng các đơn vị khác rút về vùng An Mỹ, xã Cẩm Châu. Lực lượng quần chúng khởi nghĩa được lệnh chuyển sang làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, tải thương, giải quyết chiến trường, phục vụ cho bộ đội rút quân.

 CCB Nguyễn Như Tới nhớ lại: “Lúc này, tôi và đồng chí Phạm Cân, Tiểu đội phó bám trụ ngoài hành lang nhà tên Thiếu tá Vũ Huy Cang, Chỉ huy trưởng Chi khu Hội An, thì bất ngờ bị đạn địch găm thẳng vào bả vai, máu ra nhiều. Sau khi tự băng bó vết thương, chúng tôi tiếp tục bám trụ từng góc phố cho đến khi được lệnh rút lui. Trong trận chiến đấu này, Thiếu úy Nguyễn Xuân Thước (quê Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam) chiến đấu rất dũng cảm. Sau ngày giải phóng, đồng chí Nguyễn Xuân Thước chuyển ngành, làm bác sĩ, rồi phát triển lên làm Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nay nghỉ hưu tại xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn...”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Như Tới trong ngày đón nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ảnh do gia đình cung cấp

Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, đồng chí Nguyễn Như Tới được cấp trên điều về làm Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 2. Ông tham gia chiến đấu nhiều trận, đến khi giải phóng Hội An (28-3-1975). Đến tháng 9-1976, ông chuyển ngành về công tác tại Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó, ông chuyển sang làm cán bộ tại Công ty Nông sản-Thực phẩm Quảng Nam-Đà Nẵng cho đến ngày về hưu.  

Với những chiến công tiêu biểu trong kháng chiến, CCB Nguyễn Như Tới vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.    

PHAN TIẾN DŨNG