Ông Tần kể: “Thao trường Bộ do Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo xây dựng để huấn luyện các trung đoàn trước khi đi B với các yếu tố bí mật, địa hình đáp ứng mọi tình huống giả định cần xử trí trong hành quân chiến đấu, thiết thực áp dụng tại các chiến trường B, C, K. Thao trường Bộ “khai giảng” lần đầu tiên vào đầu năm 1967, dành cho Trung đoàn 174 luyện tập thực binh để tăng cường cho Mặt trận B3 (Tây Nguyên). Tôi lúc đó là Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu quân trang, Phòng Nghiên cứu quân nhu, trong đoàn phái viên của Bộ, được phân công theo sát Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174 để nghiên cứu thử nghiệm các ứng dụng quân nhu, nhằm cải tiến ngày càng phù hợp với hoạt động hành quân chiến đấu của bộ đội”.

Ngày ấy, khu vực hành quân luyện tập của Trung đoàn 174 có chiều dài khoảng 300km. Bắt đầu từ chân dốc Cun, ông Tần cùng bộ đội hành quân ngược suối Bưng về phía Kim Bôi (Hòa Bình). Chật vật hai ngày một đêm leo núi vượt Thung Nai, qua Đường 12 vào huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), rồi lại vượt ngược dốc đá tai mèo dựng đứng, độc đạo cheo leo, vô cùng hiểm trở, đến vùng cao huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) xuyên rừng Cúc Phương, theo Đường 15 về hướng Nho Quan (Ninh Bình). Bất ngờ, Tiểu đoàn 3 (có Phó trung đoàn trưởng Lý Long Quân đi cùng) “tao ngộ chiến” với một đại đội địch. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Phó trung đoàn trưởng, trận đánh giành chiến thắng nhanh gọn! Bộ đội tiếp tục di chuyển đến Nho Quan. Toàn Trung đoàn nghỉ hai ngày rút kinh nghiệm.

leftcenterrightdel

Một bãi trú quân tại thao trường Bộ, năm 1967. Ảnh tư liệu 

Chặng tiếp theo, Trung đoàn hành quân về Chi Nê (Hòa Bình). Trên đường, ông Tần và đồng đội nhận tin báo của lực lượng trinh sát: “Địch tạo lập bãi tập kích đường không ở Chi Nê”. Chỉ huy Trung đoàn nhận định tình hình, sử dụng một đơn vị nhỏ với hỏa lực mạnh cấp tập tiêu diệt địch, tiếp theo, vừa hành quân vừa chuẩn bị tập kích chốt của một tiểu đoàn dù Mỹ (giả định) có công sự dã chiến trên đồi Xuân Mai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Các mũi trinh sát điều tra nghiên cứu, giúp chỉ huy xác định hướng đột kích. Trung đoàn chia làm hai mũi. Mũi số 1 ở hướng chủ công từ Chi Nê đi Ba Hàng Đồi (Hòa Bình), đến Xuân Mai. Mũi số 2 theo sườn trái đội hình qua Nông trường Sông Bôi, vượt dốc Mèn vào Lương Sơn (Hòa Bình) chuẩn bị “tập kích Xuân Mai”...

Ông Tần nhớ lại: “Trong đợt nghiên cứu khảo sát Trung đoàn 174 luyện tập ở thao trường Bộ, tôi luôn bám sát đội hình hành quân, ghi chép tỉ mỉ tất cả hoạt động liên quan đến bảo đảm quân nhu. Tôi quan sát thấy chiến sĩ nuôi quân hái vội những ngọn lá cây lạ bên bờ suối, hay giữa bụi rậm bên lối đi... để cải thiện bữa ăn. Bộ đội lạ miệng, xuýt xoa muốn được ăn thêm. Anh nuôi bảo, nếu các trang bị gọn nhẹ hơn thì bộ đội còn mang được nhiều rau rừng nữa...”.

Sau khi nghe ông Trần Thịnh Tần báo cáo, đề xuất ý kiến về những điều mắt thấy tai nghe ấy, cấp trên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu và cho kết quả rất thiết thực đối với việc bảo đảm quân nhu để bộ đội hành quân vào chiến trường cũng như tác chiến ở trận địa. Vậy là, bộ đội ở miền Bắc được điều đi chiến trường B, C, K thì đều được đổi quân trang, nhận đồ mới. Võng bạt được thay bằng capơrông. Tăng vải dày thay bằng tăng vải sợi vinilon... gọn nhẹ hơn hẳn so với chất liệu cũ. Bộ đội phòng không, pháo binh có mũ sắt. Lái xe ô tô đường dài có áo giáp chống bom bi. Bộ đội công binh, đặc công nước có áo phao bơi chống bom từ trường. Cải tiến mẫu, nguyên liệu làm dụng cụ cấp dưỡng bằng nhôm dẻo, nhẹ. Thay chảo gang lớn bằng nồi quân dụng nhôm đường kính 40-60cm... Đặc biệt là áp dụng vào xây dựng thao trường quân nhu (nằm trong thao trường Bộ, ở dốc Mèn thuộc Lương Sơn) tháng 6-1967. Tại đây, các đơn vị được huấn luyện chuẩn bị đi B về cách sử dụng quân trang, quân dụng trong hành quân, như: Cách thức làm giá đỡ ba lô, cách mắc võng, căng tăng trong rừng để tránh mưa gió, cách làm bếp Hoàng Cầm, chế biến lương khô, thực phẩm, tương vi sinh. Hướng dẫn nhận biết các loại rau rừng ăn được. Chỉ đạo các đơn vị ở chiến trường B, C tăng gia sản xuất tự túc, bảo đảm đời sống bộ đội, những nương sắn đồng đội, đơn vị đi qua trước sử dụng củ sắn thì đặt hom mới thay thế để đơn vị đi sau khai thác. Nghiên cứu biên soạn, in phát hành một số tài liệu huấn luyện về công tác quân nhu như: “Sổ tay rau rừng”, “Sổ tay hành quân”, “Sổ tay quân nhu”... 

PHẠM XƯỞNG