Trung tuần tháng 11-1978, vừa xong lớp đào tạo sĩ quan cấp tốc tại Bắc Ninh, học viên khóa học chúng tôi chia làm hai ngả. Một nửa anh em lên phía Bắc, một nửa vào phía Nam, trong đó có tôi.

Tôi được về Quân đoàn 2, lúc ấy phần lớn chúng tôi mới 21, 22 tuổi và chưa từng đi xa như thế bao giờ. Qua xã Ba Chúc (nay là trị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), mùi thuốc súng dường như chưa tan hẳn. Trên những bức tường còn sót ở chùa Phi Lai, những vết máu thâm đen in trên tường cao hàng mét đến rợn người. Lính Pol Pot đã sát hại hơn 3.000 người dân vô tội và ném cả xác xuống giếng, vì thế, nhiều giếng không lấy nước dùng được. Qua kênh Vĩnh Tế, chúng tôi nhìn thấy những cánh đồng hoang trắng xóa, đây đó những bộ xương nằm rải rác.

Sang đất bạn hơn 10km, chúng tôi dừng lại ăn trưa tại chỗ. Mỗi người có một chiếc bánh mì đã khô cứng và ít nước trong bi đông cá nhân cũng đã vơi cạn do nắng nóng. Cánh lính trẻ chúng tôi ào xuống tranh thủ tìm chỗ rửa mặt, phát hiện ra một hố sâu có ít nước giữa đám cỏ lau um tùm. Chúng tôi bám nhau xuống hố lấy nước, nhưng bị trượt chân rơi xuống gần đáy hố. Một cảnh tượng kinh hoàng làm chúng tôi đứng như trời trồng, những mảng đất cát bung theo vệt giày trượt xuống lộ ra nhiều xương thịt người chưa bong hết. Chúng tôi thét lên và vụt chạy khỏi miệng hố. Cảnh tượng về đất nước Campuchia với tôi ban đầu là như thế!

leftcenterrightdel

Một chiến sĩ Campuchia (bên trái) và hai chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trao đổi tình hình bảo vệ mục tiêu. Ảnh tư liệu 

Sau ngày thủ đô Phnom Penh được giải phóng (7-1-1979), một bộ phận của Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) đảm nhiệm Ban Quân quản khu vực cảng Kampong Som (thành phố Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk). Ngoài việc đi kiểm tra, bảo vệ các kho tàng mà Sư đoàn quản lý để trao trả cho bạn, tôi còn được giao nhiệm vụ lấy sơn kẻ vẽ các khẩu hiệu bằng chữ Campuchia. Khổ nỗi, tôi chỉ bập bẹ được mấy câu xã giao, còn viết thì chịu. Rất may, anh Bùi Thiện Chinh, Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn (sau này là Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) dẫn hai thầy giáo của bạn tên là Sovai và Ponty cùng đội viên nữ là Kahai cùng tham gia.

Ba người này là đội viên Đội Tuyên truyền cách mạng Sihanoukville. Họ viết chữ Campuchia, tôi theo đó mà “sao chép” viết ra to hơn. 4 người chúng tôi cứ miệt mài, ngày này sang ngày khác, hôm nào không viết thì may cờ của bạn. Cờ may xong rồi, đem treo ở những nơi đã treo khẩu hiệu. Mỗi lần đi treo khẩu hiệu và cờ, chúng tôi chuẩn bị dây buộc, súng đạn đầy đủ. Đôi khi đi xa thì có thêm vài ba chiến sĩ của ta đi cùng, sẵn sàng chiến đấu vì tàn quân Pol Pot có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Trong tổ có nữ đội viên Kahai, chừng tuổi đôi mươi. Lúc đầu tôi không để ý lắm. Kahai hơn anh Sovai và Ponty ở chỗ là biết nói một chút tiếng Việt, tuy chưa thông thạo. Kahai để tóc ngắn ngang vai, khuôn mặt ưa nhìn, nước da không đen như những người xung quanh. Kahai cho biết, bà nội của em vốn là người Việt Nam, Kahai biết được ít tiếng Việt là do bà dạy. Dần dà, chúng tôi hay nói chuyện với nhau. Kahai hỏi quê tôi ở tỉnh nào, bắt tôi kể chuyện Việt Nam cho nghe.

Kahai cho biết, mấy năm nay, bọn Pol Pot làm gia đình em ly tán, bố đi theo Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, mẹ, chị, em chưa biết thế nào và nhờ có Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia nên Kahai mới chạy thoát. Thấy chúng tôi hay trò chuyện, anh Chinh, anh Toán (trong Ban Quân quản) lại hay đùa trêu Kahai: “Bây giờ hết chiến tranh rồi, bộ đội Việt Nam ở lại giúp nhân dân Campuchia xây dựng đất nước, Kahai có cho bộ đội Hải ở lại không?”. Mỗi lần như thế, em lại đỏ mặt thẹn thùng: “Kahai sợ bộ đội Hải không thích ở lại thôi!”.

Cứ ngỡ sẽ ở lại đất nước chùa tháp lâu hơn, đùng một cái, chúng tôi nhận lệnh hành quân gấp về Việt Nam và ra Bắc. Cuộc chia tay thật bịn rịn, nhất là mấy người bạn đã cùng tôi viết khẩu hiệu, may cờ. Tôi nhớ mãi tối hôm trước ngày chia tay, Kahai không nói gì, cứ bặm môi nhìn chúng tôi với đôi mắt ngấn nước, còn anh Sovai và Ponty nắm tay tôi, nhắc đi nhắc lại (do Kahai dịch nghĩa): “Việt Nam là người bạn thủy chung nhất của Campuchia. Bộ đội Việt Nam - Bộ đội Cụ Hồ là đội quân nhà Phật. Việt Nam - Campuchia Xa-ma-khi! Xa-ma-khi”. Chúng tôi (và cả Kahai nữa) hẹn có dịp nhất định sẽ tìm gặp nhau.

Tối hôm ấy, bên ánh đèn măng sông, Kahai bảo tôi viết cho mấy dòng kỷ niệm. Tôi viết một bài thơ ngắn, dòng đầu tôi nắn nót: “Tặng Kahai”. Bài thơ có đoạn: Hỡi em cô gái Angkor/ Mặt vui hớn hở tự do đã về/ Lại xanh những mái tóc thề/ Lại vui những xóm thôn quê bóng dừa... Em ơi đất nước từ đây/ Như em đã hết những ngày khổ đau/ Từ nay-vĩnh viễn mai sau/ Đời em sẽ đẹp một màu trắng trong. Tôi bảo Kahai: “Cô gái trong bài là em đấy!”. Em gật đầu mỉm cười, không chút ngại ngùng, ngả đầu vào vai tôi trước mặt mọi người.

LÊ QUÝ HOÀNG