Nhớ lại những ngày đầu tham gia chiến dịch, ông Đôi kể: “Tôi ở Tiểu đội 5, biên chế 9 người, có nhiệm vụ đào một đoạn giao thông hào dài khoảng 40-50m. Chúng tôi tổ chức thành hàng dọc, mỗi người cách nhau khoảng 1,5m. Người đi đầu phải giữ một quả cầu rơm có đường kính khoảng 0,5m để chặn đạn bắn thẳng của địch cho cả đội hình. Trong quá trình đào hào, chúng tôi thường sử dụng 3 cách: Đào cóc nhảy, đào dũi, đào moi đánh sập. Lúc đầu nằm đào, sau dần dần chuyển sang cúi và ngồi đào... Vừa đào vừa phải tránh đạn pháo và đạn bắn thẳng của địch”.

Sau khi đánh thắng trận Him Lam, Trung đoàn 88 nhận nhiệm vụ tiếp tục tấn công đồi Độc Lập. “Trong kế hoạch đánh đồi Độc Lập, Đại đội 225 của tôi đảm nhiệm mũi tấn công chủ yếu của Trung đoàn. Tôi được Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Hòe giao nhiệm vụ xung kích. Do trời mưa lầy lội, đơn vị cối chi viện chưa thể vận động tới kịp, nên giờ nổ súng phải lui lại. Đến 3 giờ 30 phút sáng 15-3-1954, lệnh khai hỏa. Sau 40 phút, bộc phá đã mở xong cửa, Tiểu đội 5 của tôi làm mũi nhọn ào ạt xông lên. Ta và địch giành giật từng mét chiến hào, từng lô cốt. Đến 6 giờ 30 phút cùng ngày, quân ta làm chủ hoàn toàn đồi Độc Lập”, ông Đôi cho biết.

leftcenterrightdel
 Đại tá Phạm Trung Đôi. Ảnh: VĂN THANH

Gian khổ, ác liệt là vậy, nhưng đọng lại trong ký ức Đại tá Phạm Trung Đôi là những ngày đánh lấn, bắn tỉa. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ đào hào chia cắt sân bay Mường Thanh. Các chiến sĩ sử dụng xẻng đào chiến hào lấn sâu dần về phía địch để thực hiện bao vây, chia cắt sân bay, “bóp chết” đường tiếp tế của chúng. Địch cách ta hơn 100m, bên này nhìn thấy bên kia, ta thì dưới giao thông hào, ngoi đầu lên là địch bắn, sau này bộ đội ta cũng làm các ụ súng để bắn tỉa lại. Từ hiệu quả của cách đánh bắn tỉa, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị phong trào diệt địch, càng rải rác càng tốt, làm cho địch hoang mang.

Đại tá Đôi nhớ lại: “Đêm đầu, chúng tôi đi tìm địa điểm bắn tỉa, đánh dấu sẵn, đêm sau mới bò vào đào công sự. Giữa đồng đất mênh mông, chúng tôi phải khéo léo ngụy trang để che giấu công sự. Những tên lính Pháp nấp dưới hầm, chiến hào cả ngày bí bách vì không được hít thở không khí trong lành, không có nước uống. Mỗi lần chúng ngóc đầu chui lên, lính bắn tỉa của ta ngay lập tức nổ súng, khiến chúng sợ phải tụt ngay xuống hầm.

Không chịu được khát, địch buộc phải xuống sông Nậm Rốm lấy nước, tạo ra thời cơ cho ta bắn tỉa. Do tổ bắn tỉa chỉ được bắn phát một nên chúng tôi phân công nhau mỗi người ngắm bắn một tên, đồng thời dùng cây dây leo ngụy trang đầu súng để khói tản ra, nên khi bắn xong địch vẫn không phát hiện được vị trí người bắn tỉa. Ngay ở các vị trí đóng quân sát sông Nậm Rốm, ban ngày địch cũng không dám xuống lấy nước. Hoạt động bắn tỉa thật lợi hại, chỉ trong 10 ngày, 4 tổ thiện xạ quanh khu trung tâm đã diệt hàng trăm tên địch. Có chiến sĩ diệt 13 tên địch bằng 15 viên đạn. Riêng tôi diệt được 16 tên địch”.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Đôi nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Với những thành tích đạt được trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 10-10-1954, ông Đôi vinh dự được kết nạp vào Đảng, sau đó được chọn là đại biểu tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tháng 5-1958, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên Khoa Bắn súng. Những kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu, nhất là kỹ năng bắn tỉa là nguồn tư liệu phong phú, sinh động để ông giảng dạy, truyền thụ lại cho các học viên.

Tháng 3-1966, ông Đôi được điều động vào Sư đoàn 325B trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Năm 1968, ông được Bộ Quốc phòng điều động trở về Trường Sĩ quan Lục quân giảng dạy. Năm 1988, Đại tá Phạm Trung Đôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

NGUYỄN THANH