Năm 1965, chàng trai 18 tuổi Lưu Công Hào, quê ở Đồ Sơn, TP Hải Phòng nhập ngũ. Năm 1966, ông được biên chế về Đoàn tàu không số. Năm 1968, nhiều con tàu của đoàn chất đầy hàng rời Hải Phòng vào Nam, trong số đó có Tàu 43 mà ông Hào là thành viên.

Ông Hào kể: “Tàu 43 chúng tôi được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, điểm đến là Mộ Đức (Quảng Ngãi). Nhưng khi tàu đi vào vùng biển Đức Phổ bị địch phát hiện, chúng bủa vây lúc nào không biết, vì tàu không có radar. Khi địch bao vây tàu, chúng bắn pháo sáng rực trời. Tàu của chúng tôi buộc phải chiến đấu với địch. Trận chiến đấu kéo dài khoảng một giờ, chúng tôi bắn rơi một máy bay trực thăng và bắn cháy một tàu của địch, buộc chúng phải bỏ chạy”.

Ông Hào cho biết thêm, tàu 43 của ông có 17 người, trong chiến đấu hy sinh 4 đồng chí, tàu cũng bị hư hỏng nặng. Không để tàu và vũ khí rơi vào tay địch, Thuyền trưởng ra lệnh điểm hỏa hủy tàu. Tất cả cán bộ, thủy thủ nhảy xuống nước, bất chấp sóng to gió lớn, cùng nhau bơi được vào bờ. Ông Hào bị thương, 2 viên đạn ở lưng và 2 viên đạn ở bàn tay phải. Lên bờ cát, dân quân, du kích phát hiện, rất nhanh ra ứng cứu. Họ đưa cán bộ, chiến sĩ của tàu về nhà dân rồi đưa xuống hầm bí mật. Nhân dân chỉ biết sơ cứu thương binh bằng bôi thuốc đỏ sát trùng nhưng rất giỏi bảo vệ bộ đội thoát bị giặc càn.

leftcenterrightdel
Ông Lưu Công Hào.

Nhớ về những ngày ấy, giọng ông Hào chùng xuống: “Mình may mắn thoát chết. Về với nhân dân, được sự đùm bọc của bà con, cảm động vô cùng. Dân quân cắt cử 5 người khiêng một cáng đưa từng thương binh đi bệnh xá có bác sĩ Đặng Thùy Trâm (sau này được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân), nhưng phải đến lần thứ ba mới tới đích. Chị Trâm đã phẫu thuật để lấy đạn cho tôi. Nhờ cuốn nhật ký của chị mà tôi nhớ hôm đó là ngày 10-4-1968. Khoảng một tháng sau, tôi được ra Bắc. Chúng tôi đã mất gần 4 tháng để vượt dãy Trường Sơn ra ngoài Bắc...”. 

Năm 1969, ông Hào được cử đi đào tạo sĩ quan. Tốt nghiệp, ông Hào trở lại đơn vị cũ công tác. Khoảng tháng 4-1972, ông lại cùng đồng đội lên đường vào Nam trên con tàu không số bằng vỏ sắt, thay tàu vỏ gỗ trước đó. Tàu đi về bến ở Cà Mau, nhưng khi qua vùng biển Côn Đảo thì nhận được điện từ đất liền yêu cầu quay lại, vì tàu bị lộ. Từ vùng biển Côn Đảo, tàu đi về khu vực quần đảo Hoàng Sa. Khi đó, tàu ngụy đi bên cạnh vác loa gọi đầu hàng. Ông Hào nói: “Tàu ngụy to lắm, nhưng chúng tôi vờ như không biết, vẫn cơ động và sẵn sàng tinh thần chiến đấu, quyết đánh và sẵn sàng lao vào tàu địch. Mọi người trên tàu vẫn kiên trì, ngụy trang cờ nước ngoài, mưu mẹo đối phó với tàu địch, bảo đảm tàu và hàng an toàn”...

Bài và ảnh: TRẦN LONG