Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Khánh (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc) nên ông Sáu Tải hiểu từng gốc cây, ngọn cỏ, đường đi lối lại nơi đây. Khi trở thành chiến sĩ biệt động, ông đã không ít lần dẫn đường cho bộ đội trinh sát hành quân chiếm lĩnh trận địa... Bàn giao mục tiêu xong, ông lại bơi qua sông Cu Đê trở về bên Thủy Tú (nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

Cuối tháng 5-1968, ông nhận nhiệm vụ dẫn đường cho Bộ đội Đặc công trinh sát mục tiêu là bãi xe tăng Đa Phước của Mỹ. Trên đường về hậu cứ, Sáu Tải quan sát thấy căn cứ hậu cần Bàu Mạc (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc) của địch có nhiều sơ hở. Ông liền đề nghị với lãnh đạo, chỉ huy quận Nhì (Đà Nẵng) đặt mìn tiêu diệt. Được sự nhất trí của tổ chức, Đội trưởng Đội Công tác phía trước Phan Văn Tải cùng với đội viên Dương Văn Tâm thực hiện trận đánh. Đến hàng rào căn cứ, Dương Văn Tâm ở ngoài cảnh giới, Phan Văn Tải ôm hai quả mìn, mỗi quả 7kg, chui qua rào bò vào bên trong cứ điểm. “Tôi chọn hai xe thiết giáp hằng ngày chúng thường chở quân đi càn để chôn mìn dưới bánh xe”, ông Sáu Tải nhớ lại. Khoảng 23 giờ đêm, Sáu Tải ngụy trang xong trở ra. Hai anh em trở về đến xóm Nà (trước đây thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) thì trời đã gần sáng. Sau đó, mỗi người về một hướng để nghỉ ngơi và bảo đảm an toàn.

leftcenterrightdel
Ông Phan Văn Tải.

Tầm 8 giờ sáng ngày hôm sau, hai tiếng nổ trầm đục vang lên trong căn cứ hậu cần của Mỹ. Tiếng la hét thất thanh, tiếng còi báo động rú lên inh ỏi. Từ trong căn hầm bí mật bên xóm Nà, Sáu Tải nằm nghe, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến trưa, địch đổ quân đi lùng sục. Chúng bao vây xóm Nà vì nghi có quân ta ẩn náu. Căn hầm bí mật nơi Sáu Tải nằm được đào dưới gốc cây, không có nắp đậy mà lợi dụng rễ cây để che phủ. Vì vậy, ông vừa nghe tiếng sột soạt, ngẩng đầu lên đã thấy lính Mỹ dàn hàng ngang săm soi. Một ý nghĩ lướt qua, nếu cứ ngồi đây chắc chắn sẽ bị lộ, Sáu Tải vội lấy tấm bạt quấn chặt khẩu súng, giấu kín vào góc hầm rồi lao ra bỏ chạy. Ông giải thích: “Lính Mỹ nếu nhìn thấy mình không có vũ khí thì bao giờ chúng cũng sẽ bao vây để bắt sống...”.

leftcenterrightdel
 Ông Phan Văn Tải giới thiệu về Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước trên sa bàn.

Hôm ấy, chúng bắt được ông đưa về trung tâm thẩm vấn của CIA ở xã Hòa Khánh (nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). “Chúng đánh tôi ngất lên ngất xuống, tôi vẫn chỉ khai là dân đi làm, thấy lính sợ quá nên bỏ chạy”, ông Sáu Tải nhớ lại. Địch giam ông khoảng một tuần, không khai thác được gì, hơn nữa, trông vóc dáng ông nhỏ như một đứa trẻ con nên chúng có phần chủ quan, lơi lỏng. Đêm ấy, Sáu Tải đang ngủ lơ mơ thì thấy gió thổi lành lạnh, ông tỉnh dậy, ngó ra ngoài, không thấy tên lính nào canh gác mình nữa. Khoảng 2 giờ sáng, lợi dụng đêm tối, ông bò ra, bới cát chui khỏi hàng rào dây thép gai của địch. Bên ngoài còn hai lớp rào bùng nhùng, Sáu Tải nhẹ nhàng trèo qua và thoát ra ngoài. Ông đi về phía Hòa Minh (nay thuộc quận Liên Chiểu) ghé qua nhà cơ sở. Sáng hôm sau, ông thay đồ và nhờ ông Quế (cơ sở của ta) chở đi hợp pháp lên ngã ba Huế (Đà Nẵng). Từ đây, ông nhảy xe lam trở ra Hòa Khánh và lên căn cứ an toàn. Sau này, ông Sáu Tải nghe anh em kể lại, trưa hôm ấy, đài BBC thông tin Việt cộng vào đặt mìn tại căn cứ hậu cần Bàu Mạc làm cháy 2 xe thiết giáp và 31 lính Mỹ thiệt mạng.

Theo dõi từ đầu cuộc trò chuyện của chúng tôi, ông Dương Thành Thị, nguyên Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cũng là nhân chứng một thời đã sống, chiến đấu tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước (nơi nuôi giấu, bảo vệ các cán bộ tỉnh Quảng Đà trong kháng chiến), góp vui: “Chú Sáu Tải hồi đó còn có biệt danh là Sáu Nhỏ. Nhờ vóc dáng nhỏ con, chú lại chạy nhanh thoăn thoắt nên địch nhiều lần bắt hụt”. Nghe vậy, ông Phan Văn Tải bùi ngùi: “Được sống đến hôm nay, tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng đội đã không đi hết được cuộc chiến tranh”.

Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG